Trang chủ Luận bàn - Phản biện Sự thật lịch sử đã bị xuyên tạc trắng trợn

Sự thật lịch sử đã bị xuyên tạc trắng trợn

202
0

1. Sự thật lịch sử

Sự thật lịch sử đã bị xuyên tạc trắng trợn

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hàn Quốc từng bước trở thành đồng minh quan trọng của Mỹ. Theo thỏa thuận Mỹ – Hàn, tháng 9-1965, những đơn vị lính chiến đấu đầu tiên của Hàn Quốc có mặt ở miền Nam Việt Nam để cùng với lính Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Việt Nam. Cụ thể là, cùng với quân đội Mỹ tiến hành các cuộc hành quân “tìm diệt” chủ lực Quân giải phóng; cùng với quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa tiến hành “bình định” miền Nam.

Tháng 9-1965, những đơn vị lính chiến đấu đầu tiên của Hàn Quốc đã có mặt tại chiến trường miền Nam. Đến cuối năm 1966, tổng số quân Hàn Quốc tại Việt Nam đã lên đến 45.660 người, chiếm hơn 50% lực lượng quân đội nước ngoài tại miền Nam Việt Nam và 25% tổng lực lượng chiến đấu của Mỹ trên chiến trường Quân khu 5. Năm 1968 là năm Hàn Quốc có lực lượng quân sự cao nhất, lên tới 50.003 người.

Trong những năm tham chiến tại Việt Nam (1965 – 1973, dưới thời Tổng thống Park Chung-hee), quân đội Hàn Quốc có những biệt đội được cho là “thiện chiến”, “dũng mãnh”, thực chất là những đám quân tàn bạo, dã man, phi nhân tính. Ngoài lữ đoàn Rồng Xanh (được cử sang Việt Nam vào tháng 9-1965, với hơn 5.000 lính), còn còn sư đoàn Mãnh Hổ (sang tháng 8-1965, với hơn 18.100 lính), Bạch Mã (sang tháng 9-1966, với khoảng 5.000 lính)…, đều là các biệt đội nổi tiếng khát máu. Được huấn luyện kỹ càng, được trang bị tốt về vũ khí, phương tiện, lại được nhồi sọ tinh thần chống Cộng triệt để, lực lượng đã gây nhiều nợ máu với nhân dân Việt Nam.

Quân đội Hàn Quốc đã tham chiến tích cực bên cạnh quân đội Mỹ ở Việt Nam và gây ra không ít tội ác chiến tranh, đặc biệt là nhiều trận thảm sát người dân Việt Nam vô tội.

– Đó là Thảm sát Hà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam): Lính Hàn Quốc đã dùng lựu đạn ném vào nhà dân, sau đó chúng châm lửa đốt nhà và dùng súng tiểu liên bắn vào những người dân đang tập trung. Trước hành động dã man của kẻ thù, nhiều người đã bỏ chạy nhưng chỉ mới được vài bước chân họ đã bị lính Hàn Quốc bắn chết, những người chưa chạy được thì bị bọn lính lao tới dùng súng đánh gãy xương, hoặc dùng lưỡi lê đâm chết. Dã man hơn, lính Hàn Quốc đã dùng xe ủi vùi lấp tất cả những người vừa bị chúng giết hại. Trong vòng 3 giờ đồng hồ, tại thôn Trà My, lính Hàn Quốc đã giết hại 135 người dân vô tội, có gia đình bị giết hại không còn ai sống sót.

– Đó là thảm sát Bình An (Tây Vinh) diễn ra tại xã Bình An (nay là 3 xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vào đầu năm 1966. Trong một cuộc đột kích ở 15 thôn của xã Bình An (cũ), lính Hàn Quốc đã lùng sục và bắn chết 68 người, chỉ có 3 thường dân sống sót. Trong khoảng thời gian này, nhiều vụ thảm sát liên tiếp diễn ra ở huyện Tuy Phước (Bình Định) như Tân Giảng (xã Phước Hòa), Nho Lâm (xã Phước Hưng) và nhiều nơi khác; điển hình nhất là vụ thảm sát ở Bình An, từ ngày 23-1 đến 26-2-1966, khoảng 1.200 người dân thường của xã này bị lính Hàn Quốc giết chết. Đặc biệt, chỉ trong một giờ ngày 26-2, có 380 dân thường ở thôn Gò Dài đã bị giết, tất cả nạn nhân được chôn chung cùng một hố.

– Đó là thảm sát Diên Niên – Phước Bình, diễn ra vào tháng 10-1966. Sáng 9-10-1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu tập kích từ căn cứ đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào thôn Phước Bình. Tại đây, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường, làm 68 người chết, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em. Ngày 13-10, quân Rồng xanh tiếp tục càn quét và hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó. Tổng cộng, trong hai ngày 9-10 và 13-10-1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình.

– Đó là thảm sát Bình Hòa (xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra vào các ngày 3, 5, 6-12-1966. Đây là chiến dịch có chủ đích và có tính toán nhằm trả đũa lực lượng du kích của ta được người dân địa phương che chở. Trong nhiều ngày, lính Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc càn quét có quy mô lớn và giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (có 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em, 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai.

– Đó là thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị vào ngày 12-2-1968 tại khu vực làng Phong Nhất và Phong Nhị, nay thuộc phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, các đơn vị quân đội Hàn Quốc đã thảm sát hàng loạt dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, làm ít nhất 74 người thiệt mạng và 17 người bị thương…

Theo thống kê chính thức của Chính phủ Hàn Quốc, từ tháng 10/1965 đến tháng 3/1973, quân đội Hàn Quốc tiến hành và tham gia tiến hành 1.170 cuộc hành quân quy mô cấp đại đội trở lên, hơn 556.000 cuộc hành quân quy mô cấp trung đội trở xuống, gây ra hàng loạt những vụ thảm sát đẫm máu và tàn khốc (thống kê chưa đầy đủ có 43 vụ thảm sát dân thường, trong đó 13 vụ giết 100 người trở lên, có vụ hơn 1.000 người).

2. Và sự thật lịch sử bị xuyên tạc

Little Women (Ba chị em) là bộ phim Hàn Quốc chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Little Women của tác giả Louisa May Alcott. Thông điệp cốt lõi của tiểu thuyết, cũng như của bộ phim kể về câu chuyện của ba chị em gái lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và luôn phải chật vật để nuôi những giấc mơ riêng. Trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, ba cô gái ngày nào buộc phải trở thành những phiên bản khác nhau để đối phó với những khó khăn không thể lường trước được. Kể từ khi công chiếu, bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của khán giả Hàn Quốc và cả quốc tế, trong đó có Việt Nam, bởi nội dung phim khá gay cấn và cuốn hút.

Sẽ chẳng có gì để nói, nếu trong phim không xuất hiện những tình tiết sai sự thật, xuyên tạc trắng trợn lịch sử khi ca ngợi những quân nhân Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam là anh hùng và đòi người Việt Nam phải cảm ơn, phải cúi đầu trước Hàn Quốc.

Cụ thể, tại tập 5 của bộ phim, họ coi những người xâm lược Việt Nam là “anh hùng chiến tranh Việt Nam”. Họ còn trơ tráo cho rằng “lính Hàn Quốc đã giúp người dân Việt Nam chống lại sự độc tài, họ đã hy sinh anh dũng cho công cuộc canh tân đất nước, vì tự do của người Việt Nam, người Việt Nam cần cảm ơn, cúi đầu trước người Hàn Quốc”.

Anh hùng ư? Đáng ngưỡng mộ ư? Anh hùng là để nói đến những người chiến đấu vì chính nghĩa; và đáng ngưỡng mộ chỉ có thể là những cái tốt, cái đẹp, cái cao cả mà thôi! Những chiến binh, những lính đánh thuê, những kẻ xâm lược xứng đáng được gọi là “anh hùng” sao? Những hành động giết hại, tàn sát dã man dân thường, người già, phụ nữ, trẻ em,… có đáng được ngưỡng mộ không? Thật nực cười!

Trong tập 8 của bộ phim, một nhân vật trong phim còn đề cập đến sự thiện chiến của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nhân vật này cho biết vào năm 1967, một đội quân thiện chiến của Hàn Quốc được tuyển chọn và đưa đến Việt Nam. Trong một trận thắng, một người lính Hàn có thể tiêu diệt 20 người lính Việt Nam và có những người lính Hàn Quốc có tiêu diệt 100 lính Việt Nam.

Đối chiếu với mốc thời gian được đề cập trong phim, có khả năng bộ phim lấy tình tiết từ trận Trà Bình Đông, hay còn gọi là trận Quang Thạnh, nơi mà “rồng xanh bị xé xác, mãnh hổ bị phanh thây”. Trong trận này, ta tiêu diệt gần hết 1 tiểu đoàn hơn 420 người và đánh thiệt hại nặng 1 đại đội thuộc thuộc lữ đoàn Rồng Xanh, khiến quân đội Hàn Quốc đóng tại nhiều cứ điểm gần Trà Bình Đông phải rút lui, các hoạt động càn quét phải tạm dừng cho tới giữa năm 1968. Thất bại thảm hại là thế, thiệt hại, tổn thất nhiều như thế thì có gì đáng rêu rao, tự hào là thiện chiến, dũng mãnh?

Có thể nói, tuy là những tình tiết tưởng chừng rất nhỏ trong phim nhưng lại tiềm ẩn những hiểm họa rất lớn, hậu quả rất lâu dài, bởi bằng những kỹ xảo hết sức tinh vi, những tình tiết được lồng ghép hết sức khéo léo, khán giả vô tình “mắc bẫy”, từ đó mặc nhiên công nhận, ca ngợi những kẻ xâm lược, dẫn đến hợp lý hóa cuộc chiến phi nghĩa của những quân nhân Hàn Quốc ở Việt Nam.

Người dân, quân đội Hàn Quốc hoàn toàn có quyền tự hào về sự anh dũng, tài giỏi của cha ông họ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc “thay đen đổi trắng”, cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, xúc phạm nghiêm trọng đến những đau thương, mất mát, lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam. Tội ác mà lính Hàn Quốc gây ra là thật, đau đớn, mất mát mà người dân Việt Nam phải gánh chịu cũng là thật. Bộ phim này đã làm cho không ít người, nhất là người dân Hàn Quốc hiểu sai về lịch sử, về tính chất cuộc chiến tranh Việt Nam mà quân đội Hàn Quốc trực tiếp tham chiến.

Người Việt Nam vốn có lòng bao dung, sẵn sàng tha thứ và khép lại quá khứ. Nhưng tha thứ, khép lại quá khứ không có nghĩa là quên bỏ quá khứ, phủ nhận lịch sử, mà là để hướng tới tương lai tốt đẹp, cùng hợp tác, cùng phát triển. Chúng ta không cực đoan, nhưng tuyệt đối không bao giờ tha thứ cho những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử.

Chép từ Fb Nguyễn Kiên Trung

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây