Ở Mỹ hay châu Âu, hoặc gần Việt Nam hơn là Singapore, khi bạn bấm từ khóa “how to suicide”, bộ máy tìm kiếm sẽ tự động dẫn đến kết quả là số tổng đài tư vấn tâm lý, ngăn ngừa tự sát. Nhưng khi bạn nhấn “tôi muốn chết” ở Việt Nam, kết quả tìm kiếm sẽ là các bài báo nói chung chung về bệnh trầm cảm, hay thậm chí là nội dung giới thiệu một cuốn truyện ngôn tình!
Theo UNICEF, ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên tại Việt Nam đang gặp phải vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng sự hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20%.
Việt Nam đang có một hệ thống không hề ít các cơ sở khám chữa bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần và hàng loạt điểm tư vấn tâm lý trong cộng đồng. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận một thực tế là các cơ sở này chưa trở thành điểm đến đáng tin cậy khi người dân gặp vấn đề về tâm lý, tâm thần.
Xưa nay người Việt vẫn mặc định “sức khỏe tâm thần” là thuật ngữ nói đến những cá nhân không bình thường trong xã hội, những người có sự khiếm khuyết trong tính cách. Đó là nhận thức sai lầm, vì rối loạn tâm thần là bệnh lý, với rất nhiều dạng thức, do rất nhiều nguyên nhân gây ra và có các ảnh hưởng từ nhẹ đến nghiêm trọng cho cá nhân người bệnh, gia đình họ, các mối liên hệ xung quanh và xã hội.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, thì đây là dạng bệnh lý có thể phòng chống được, nếu xã hội có đầy đủ sự quan tâm và điều kiện chăm sóc ban đầu.
Quay lại với câu chuyện chồng ghen tuông chém vợ đứt cánh tay. Rõ ràng, người chồng đã bị một tổn thương tâm lý nghiêm trọng, kéo dài, không được giải tỏa, cho đến khi sức chịu đựng đi đến giới hạn cuối cùng thì trở thành hành động bột phát, gây hậu quả nặng nề cho nhiều phía. Tương tự, các vụ án có yếu tố mâu thuẫn cá nhân thường không đơn thuần là những xung đột tâm lý nhất thời, mà đã là quá trình va chạm về quan niệm sống, lối sống.. khá lâu trước đó.
Nhìn nhận điều đó, để những người làm chính sách có thể can thiệp vào khoảng trống quan trọng này. Để nâng đỡ, hướng dẫn, giải tỏa tâm lý của các cá nhân bị tổn thương trong quá trình tương tác với gia đình và xã hội.
Theo một báo cáo của UNICEF, có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên tại Việt Nam đang gặp phải các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng sự can thiệp của y tế cũng như các hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20%. Riêng tại TP.HCM, một khảo sát bỏ túi của tổ chức này cũng cho thấy gần 6% dân số bị mắc chứng trầm cảm và có xu hướng trẻ hóa với sự gia tăng số người mắc trong độ tuổi từ 15-đến 27.
Ở Việt Nam, chương trình “Mục tiêu Quốc gia về sức khỏe tâm thần” được hình thành năm 1999, đã tập trung vào xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Những người bị tâm thần phân liệt và động kinh nhờ chương trình đã được quản lý tại cộng đồng, nhưng các bệnh tâm thần khác, đặc biệt là trầm cảm, vẫn chưa được quản lý trong mô hình.
Vậy thì, trong khi chờ đợi một sự quan tâm sâu sát hơn, có tính cải tổ, của các cơ quan chức năng, như Y tế, Giáo dục, Bảo hiểm xã hội… đối với sức khỏe tâm thần của người dân, nên chăng khuyến khích xã hội hóa mối quan tâm ở cấp độ đơn giản nhất, là tập trung xây dựng các đơn vị tư vấn tâm lý rộng khắp. Trường học, công sở, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh quy mô vừa trở lên… với các kênh thông tin tận dụng mạng xã hội để người dân thuận tiện liên lạc khi gặp vấn đề khó khăn về tâm lý.
Nên chăng, cần nghiên cứu đề án xây dựng tổng đài tư vấn tâm lý cấp quốc gia, với số điện thoại có đầu số dễ nhớ, tương tự như số của tổng đài cấp cứu 115, để người dân quen với việc khi bị bức xúc, bế tắc trong cuộc sống, có thể tìm thấy một sự quan tâm kịp lúc, hạn chế hành động bột phát, mất kiểm soát, gây hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cũng tương tự như một cơn đột quỵ về thể chất, một cơn đột quỵ về tâm lý cần phải được xử lý trong “thời gian vàng” để cứu bệnh nhân khỏi những nguy hiểm về tính mạng, và các di chứng lâu dài về sau.
Sức khỏe tinh thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Xã hội văn minh là xã hội có tính đón đầu, dự báo trước các bất lợi ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân, đến cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc của người dân.
Thời gian tới, thiết nghĩ, các chính sách quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân cần được lưu tâm nhiều hơn nữa, để định hướng xây dựng xã hội thành một xã hội văn minh, nhân ái có chiều sâu.
Phạm Khoa
Xem thêm: Những mảng tối vô luân
Nguồn: Cánh cò