Không mới, cũng không quá bất ngờ, nhưng dư luận vẫn thực sự giận dữ khi rau chợ đầu mối được “phù phép” thành rau sạch Đà Lạt, chuẩn VietGAP chễm trệ vào Winmart, Tiki ngon. Người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn hơn gấp hàng chục lần “rau chợ” để bảo vệ sức khỏe, thế nhưng cuối cùng cái nhận lại vẫn là sự giả dối! Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong sự việc này?
Rau củ được Công ty Trình Nhi mua ở chợ, sơ chế, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị Winmart.
Hồi đáp ngay về việc để rau dỏm đội lốt tràn vào các quầy hàng tại Winmart, Tiki ngon thì đại diện Masan và Tiki đều khẳng định, “không phải chủ trương kinh doanh”. Họ nhất mực đổ cho đối tác với lời biện bạch rằng: “Đối tác có đủ giấy tờ nên lấy rau bán”. Thậm chí, phía Tiki còn cho biết, họ có đơn vị kiểm nghiệm độc lập và chính sách này áp dụng cho tất cả các nhà cung cấp diễn ra hàng tháng.
Được biết, cả Vinmart và Tiki đều mới hợp tác với cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) – nhà cung cấp thực phẩm đội lốt từ đầu tháng 8 đến nay. Điều đó đặt ra câu hỏi, vậy thực sự có một quy trình kiểm tra thanh tra nào đã được diễn ra hàng tháng như lời các đơn vị phân phối hàng hóa? Hay chăng, nếu không có sự phanh phui và vào cuộc của báo chí thì liệu người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị lừa dối?
Rau giá gốc ở chợ đầu mối chỉ một, công ty Viager “ảo thuật” thành nhãn rau Vietgap đưa giá lên gấp 2 đến 3 lần, có loại gấp đến 9 lần. Công ty này lại tiếp tục đưa vào siêu thị rau sạch, các siêu thị lại đội giá thêm 3 đến 4 lần nữa. Người tiêu dùng cuối cùng bị lừa trắng trợn, mua đắt hơn cả gần chục lần so với giá gốc, nhưng chất lượng thì không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có cả rau bẩn, dư hàm lượng thuốc trừ sâu hoặc chất tăng trưởng.
Bảng giá các loại rau từ chợ đầu mối đến siêu thị.
Cuối tháng 8/2022, những con số đáng báo động về tỷ lệ ung thư của Việt Nam lại khiến giới chuyên gia không thể ngồi yên. Theo đó, tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018. Như vậy cũng có nghĩa cứ 100.000 người Việt Nam thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong. Mà một trong những tác nhân đã được cảnh báo rất nhiều lần, do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học quá nhiều trong rau củ quả nói riêng và thực phẩm nói chung. Và chiếu theo đó những thực phẩm “đội lốt” trên không thể vô can trong những con số ung thư nhảy múa đáng báo động này!
Rõ ràng, công ty Viager đã có hành vi lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính, bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của người dân. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng quy định tại Bộ luật Hình sự. Những siêu thị không truy xuất nguồn gốc, hoặc biết mà thông đồng với các công ty “ảo thuật” rau sạch cũng không thể đứng ngoài cuộc. Mong rằng, các cơ quan chức năng vào cuộc làm trong sạch thị trường thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Nếu so với các nước trong khu vực thì 70 tiêu chuẩn của VietGAP không là gì so với hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe như của GlobalGAP, German Standard. Thế nhưng, chỉ mới chừng đó thôi mà chúng ta vẫn không quản lý được, hàng giả, hàng nhái, tràn lan thì làm sao đưa được nông nghiệp vươn ra nước ngoài. Đây chính là một thực trạng nhức nhối, đáng báo động, rất cần phải nghiêm túc và suy nghĩ.
Công Luân
Nguồn: Cánh cò