Trang chủ Luận bàn - Phản biện Những thứ của nhóm “Mở miệng” không phải là thơ

Những thứ của nhóm “Mở miệng” không phải là thơ

114
0

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, cứ thi thoảng người ta lại nghe thấy ở đâu đó xuất hiện hoặc hâm nóng lại một nhóm người chuyên viết ra những câu chữ quái dị rồi đặt cho chúng một cái tên gọi khá kêu: “thơ”. Nhưng chính những người của nhóm Mở miệng tự nhận những thứ mà họ viết ra là “thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa”. Thế mà vẫn có người tung hô những thứ đó. Kể cũng lạ (!?).

Không thể chấp nhận thứ “thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa”

Ai cũng biết nhóm Mở miệng ra đời từ đầu những năm 2000 và đến khoảng giữa những năm đầu của thập niên thứ nhất thì cái gọi là “thơ” của họ đã bị “hỏa táng” toàn bộ. Vì một điều đơn giản, cái được gọi là “thơ” của họ chẳng ai thèm đọc, vì nó không có mảy may một chút giá trị tư tưởng và nghệ thuật nào. Có chăng những thứ đó chỉ dành cho những người vô công rồi nghề hay những kẻ chán đời, mất lòng tin vào con người và cuộc đời, không biết làm gì, đành đem những thứ ấy ra gặm nhấm cốt để giết thời gian.

Nhóm Mở miệng chuyên viết ra những sự thật trần trụi, thậm chí là dơ dáy và bẩn thỉu. Chẳng hạn Bùi Chát viết: “Cái… bỏ đi”, mà tôi không tiện dẫn ra đây. Còn Nguyễn Tiến Dũng thì tung lên mạng (ebook) bài Bầu trời lông gà lông vịt. Ở bài Vì em là con gái, Lý Đợi bịa đặt ra một bản lý lịch nhơ nhuốc của các cô gái Việt Nam như thế này: “Từ mười bảy trở đi, sách kỉ lục ghi thành tích như sau:/- Mười sáu lần bị từ chối nhập trường học vì ăn mặc hở hang/- Mười sáu lần lấy chồng nước ngoài, trừ châu Âu và Mỹ/- Mười sáu lần mắc bệnh về đường sinh dục/- Mười sáu lần vào tù ra trại với giấy chứng nhận phục hồi nhân phẩm”.

Những thứ trên đâu phải là cái cần thiết phải viết ra một cách sống sượng đến như vậy. Còn nhiều những phẩm chất tốt đẹp của người con gái Việt Nam chẳng thấy Lý Đợi quan tâm. Dường như đối với những người như anh ta, các góc khuất, những khiếm khuyết, thậm chí là sự nhơ nhuốc, mà vô tình hay đường cùng một số người cực chẳng đã phải làm, nhưng đối với bất kỳ người con gái phương Đông nào, theo truyền thống văn hóa của mình, họ cần phải được che chở, bảo vệ, hay chí ít là giấu kín đi thì Lý Đợi lại cố tình bới móc ra nhằm kích thích sự tò mò của một số người nào đó. Đấy không bao giờ là cái tâm của người cầm bút làm thơ, càng không phải là thơ.

Hay trong bài Nhân đi massage, gặp nữ lưu hào kiệt, Lý Đợi đã nghĩ ra một cô gái nào đó hết sức dễ dãi và có phần bệnh hoạn mà anh ta cho là một “nữ lưu hào kiệt”. Lý Đợi viết: “Tôi hỏi em tên gì?/- Em trả lời: Diễm Phượng Thu Hồng Nga Mai Kiều Vân… anh thích tên nào cũng được/ Em nhiêu tuổi?/- Mười sáu mười bảy, mười chín đôi mươi… anh thích bao nhiêu em cũng chiều/ Quê đâu?/- Đương nhiên miền Tây, dù thực chất em dân Hà Nội/ Cá tính?/- Yêu âm nhạc, ghét thể thao, thích thẳng thắn, sợ cô đơn/ Tình trạng gia đình?/- Độc thân, vui tính, ở trọ, nhưng có bé trai 3 tuổi/ Nghề nghiệp?/- Tên khai thuế: Nhân viên phục hồi sức khoẻ, có cấp thẻ hành nghề/- Tên thường gọi: Chuyên viên massage”.

Những thứ như thế chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong cái gọi là các “tập thơ” của nhóm Mở miệng. Họ đã cố tình tạo ra những thứ không ra văn vần, cũng chẳng phải văn xuôi. Trong lúc cần trút bỏ những bức xúc, dồn nén, ẩn ức sinh lý cá nhân, những người của nhóm Mở miệng cố tình văng tục, chửi bậy một cách rất vô văn hóa, thế nhưng họ lại cho rằng đấy mới đích thực là “thơ”.

Thơ là như thế nào và nó cần phải có những phẩm chất gì, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại, nhưng quyết những câu chữ được lắp ghép một cách cơ học, hết sức dễ dãi mà tôi vừa dẫn ra trên đây của nhóm Mở miệng không bao giờ là thơ, mà chỉ là một mớ ngôn từ tầm thường, câu chữ lộn xộn, mang đầy tính chất tự nhiên chủ nghĩa.

Những thứ của nhóm “Mở miệng” không phải là thơ

Nhóm Mở miệng đã dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ… nhằm hạ bệ các thần tượng.

Bất chấp mọi giới hạn của ngôn ngữ nghệ thuật

Các thành viên tham gia sáng lập nhóm Mở miệng lúc đầu có 4 người gồm: Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán, sau đấy có thêm vài người nữa. Nhưng hiện tại chỉ còn có Lý Đợi đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần, Bùi Chát giữ chân như một “giám đốc điều hành” cái gọi là “Nhà xuất bản Giấy vụn”, chuyên photocopy và phát tán lên mạng những thứ được các thành viên trong nhóm viết ra. Họ tự cho rằng mình đã tạo ra được một “dòng thơ mới” để đối lại với thơ ca truyền thống đã được công chúng đón nhận từ bấy lâu nay.

Trong bài viết nhan đề Thơ và chúng tôi không làm thơ, Lý Đợi, người được coi là “linh hồn” của nhóm Mở miệng đã không giấu giếm quan niệm sai lầm của mình về thơ. Lý Đợi cho rằng thơ chẳng qua chỉ là một “trò đùa” hay “một sự nhảm nhí” theo kiểu viết ẩu, nói bừa, bất chấp cả quy tắc ngữ pháp và quy phạm chính tả tối thiểu của tiếng Việt chứ chưa nói đến những giới hạn của ngôn ngữ nghệ thuật thơ khiến người đọc không biết anh ta viết gì. Lý Đợi viết: “Tôi ngịch thơ/ jã chàng ngịch cát/ con lít ngịch những thứ khác… hay “Xaùo choän chong ngaøy” (2003).

Bùi Chát lại đề cao sự tục tĩu, biểu hiện một thứ cảm quan thẩm mỹ cực đoan và bệnh hoạn như: “vô địch/ một con…tầm thường, nó giữ./ theo cách cha ông dạy bảo vệ, nâng niu- không gì sai sót nó gồng mình chịu trận dù muốn một phát huy xứng đáng cho… tính mình thề trinh tiết đến cùng, tuy gái gú theo bởi phẩm hạnh./ mỗi ngày nó soi gương, quấn vải quanh… [thật] nhiều lần nhằm sở hữu/…/ tương lai được chuẩn bị từng cái… bỏ đi như những dòng sông nhỏ nó đâu biết [bọn] cha ông ngỏm từ khi nó lọt lòng nửa đời không ai đụng, nó không chạm ai vẫn còn/…/ nguyên si & đen đúa để yên ủi mỗi khi về già./ nó lén lút chuyển con… ra sau rồi… (thut thit)”.

Phan Bá Thọ viết những dòng chữ tự nhiên, trơ lỳ đến mức thô tục, mặc ai muốn hiểu thế nào cũng được. Trong bài Mày là ai, Bá Thọ viết: “một bé gái 70 năm kinh nghiệm lạng lách trong những hẻm tối/ một tên già chịu chơi & nát bét nhiều thứ, cùng rượu/ họ đấy, biết tôi là ai 80%/ tôi, không phải thúy hằng thúy hạnh rilke hay rimbaud/ chắc, không phải đàn ông / đàn bà & đàng điếm/ không đồng [ tiền / hiện / tính ] v.v. & .v.v./ (ôi, cái phẩm chất của những con người hoàn thiện & tự sướng)/ thú thực tôi, một con bò bị cột chặt trong căn nhà hoang/ với nhiều tiện nghi/ thân lỗ chỗ những vết cắn lỗ cắm/ mỗi ngày, tôi nhai hết một màu xanh cọng cỏ & mười xác chết/ nuốt sạch 30 ký điện mà vẫn còn thèm”.

Những thứ gọi là “thơ” kiểu này xuất hiện nhan nhản trong bất kỳ bài viết nào của nhóm Mở miệng. Chúng hoàn toàn khác xa những vần thơ biểu hiện khát vọng tự do về đời sống tình dục của người phụ nữ trong chế độ phong kiến trước đây mà các đại thi hào như Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương đã từng làm. Nếu có chăng, những thành viên của nhóm Mở miệng chỉ có khát vọng muốn xóa bỏ những giá trị đích thực của thơ ca truyền thống Việt Nam mà bao thế hệ nhà thơ đã dày công xây dựng nên.

Thơ ca, từ trong bản chất của nó bao giờ cũng hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Thơ ca chân chính không bao giờ kích động con người làm điều ác, cái xấu và sự bất nhân cũng như không bao giờ viết ra những thứ tầm thường, dung tục làm công chúng hổ thẹn phải tránh xa mà thơ cần phải biết làm rung lên những cung bậc tình cảm khác nhau của họ, bồi đắp cho tâm hồn con người ngày càng trở nên cao sang và thánh thiện hơn. Vì thế, những thứ nhóm Mở miệng viết ra không bao giờ là thơ theo đúng nghĩa của nó.

Huyền Vân

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây