Mấy năm trước, câu chuyện kinh điển về việc bà con huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình dùng loa phóng thanh của thôn xã để thông tin, triệu hồi lòng dân chống lại sự trấn áp, đe dọa của doanh nghiệp khiến nhiều người thán phục. Khi đó loa phường không chỉ phát huy chức năng thông tin của nó mà còn đóng vai trò kết nối cộng đồng, đưa bà con lối xóm xích lại gần nhau.
Loa phường ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khi chưa có đề án điều chỉnh.
Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, con người tiếp cận nhiều phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, điều đó dẫn đến việc những chiếc loa phường ở thôn xã dần bị bỏ rơi. Nhiều nhà dân ở sát điểm phát loa hầu hết cảm thấy bị tra tấn, làm phiền kinh khủng. Trong khi, hệ thống loa phường từng được xem như một nét văn hóa ở thôn quê khi thời điểm phát loa trùng với thời gian các bác nông dân ra đồng và đi làm về. Thay vì “đèn nhà ai nhà nấy rạng” thì loa phường như một cái đồng hồ tập hợp người dân sinh hoạt chung, tập thể dục,…
Hiệu quả thực tế của loa phường hiện nay vẫn còn lớn hơn những gì nhiều người nghĩ. Điển hình ở Hà Nội, trong hai năm đại dịch Covid-19 căng thẳng, có nhiều phương thức thông tin cơ sở như bảng tin điện tử công cộng, cổng thông tin,… Hay nhiều tổ trưởng dân phố lập nhóm Zalo để tuyên truyền chủ trương chính sách nhà nước nhưng không phải ai cũng sử dụng, trong khi đó loa phát thì mọi người đều có thể nhận được thông tin. Bà con trong tổ nắm được, người này có thể nói cho người kia và mang đúng nghĩa của thông tin cơ sở. Chẳng có cách gì để truyền thông tin địa điểm tiêm vaccine, cách phòng chống dịch bệnh, khu vực phong tỏa… nhanh và hiệu quả trong tổ dân phố, khu dân cư bằng loa phường. Từ đó có thể thấy, dù đất nước phát triển như thế nào thì loa phường vẫn mang đến những hiệu quả nhất định, thậm chí là không thể thay thế trong một số hoàn cảnh.
Nhật Bản là nước công nghiệp hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn dùng loa phát thanh. Ưu điểm là phát tin nhanh, ngắn và cảnh báo thiên tai hoặc sự việc khẩn cấp như đợt Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát, hệ thống loa khu vực đó đã phát cảnh báo nguy hiểm nhanh chóng. Suy cho cùng, để loa phường không bị xem là tra tấn thì cần xây dựng format rõ ràng, nội dung chỉn chu, ngắn gọn, súc tích, gần gũi, thân thiện với người dân. Đặc biệt nội dung càng mang “hồn vía” của từng địa phương càng tốt.
Cụ thể, địa điểm lắp đặt ở những nơi công cộng như chợ, quảng trường, văn phòng ấp, thôn, trụ sở cơ quan hành chính. Ai không thích loa phường thì mua nhà mua đất tránh ra xa mấy điểm đó một chút. Thời lượng phát thanh 15 phút/buổi, 2 lần/ngày. Thông tin có thể là những thông báo ngắn về hoạt động sinh hoạt tập thể, tình hình dịch tại địa phương hoặc những biến động trong ngày của địa phương đó, thậm chí việc tốt, việc xấu gì của người tại địa phương đó cũng nêu ra. Khi nội dung hấp dẫn thì chẳng sợ gì không có người quan tâm.
Số lượng loa phát thanh ở Nhật Bản rất nhiều so với Việt Nam.
Hà Nội từng để những cụm loa rất lớn với hàng chục loa, người dân gần đó bị ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng Đề án 5133 được ban hành năm 2017 đã điều chỉnh một số nội dung, quy định mỗi cụm chỉ 2 loa. Loa phường các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố. Đến năm 2021, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh Đề án 5133, không quy định cứng số cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế.
Tóm lại, loa phường hại hay lợi tùy thuộc vào mục đích và cách thức hoạt động. Cần có những con người trí tuệ đảm đương công tác loa phường để người dân cảm nhận rõ được chức năng không thể thay thể của chúng.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò