Hai hôm nay thấy anh em râm ran phản đối chuyện Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200, trong đó có nội dung phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại cấp xã, thành phố phấn đấu đến năm 2025: 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Lý do anh em phản đối rất ất ơ. Nào là loa phường có cách đây 50-60 năm chỉ cần thiết trong kháng chiến chống Mỹ hay chống lũ lụt; nào là bây giờ là thời đại 4.0, ai cũng có điện thoại thông minh, nhà nào cũng có tivi, sắp tới có 5G, 6G; nào là ai cũng có Facebook, Zalo…; và rồi, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nếu khôi phục sẽ tốn kém tiền bạc, lãng phí nhân lực, gây ô nhiễm tiếng ồn…
Không chỉ anh em phản đối, mà câu chuyện này BBC, RFA và VOA… cũng đã nhảy vào la liếm.
1.
Về câu chuyện này cần phải nói rõ, một số anh vin vào câu nói “Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” để khai tử loa phường là không đúng. Người ta đã nhét vào mồm anh Chung con (cựu Chủ tịch Thành phố) để tạo ra cái lý do cho việc bỏ loa phường. Nguyên văn câu nói của anh chung con là “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiếc loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó” và ở phần cuối bài phát biểu anh Chung con vẫn nhắc lại là, ” cần nghiên cứu nghiêm túc, nếu thấy không còn cần thiết, không còn phù hợp thì mạnh dạn đề xuất bỏ”. Như vậy là người ta đã cắt bỏ câu “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, làm sai lệch ý của anh Chung con.
Vì còn cần phải “nghiên cứu nghiêm túc” nên chưa bao giờ loa phường ở Hà Nội bị khai tử mà để đến hôm qua báo chí giật tít là “Khôi phục”. Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là thời gian có dịch Covid-19, loa phường đã chứng tỏ sức mạnh của nó mà các phương tiện hiện đại không thể đáp ứng. Cái này thì khỏi chứng minh vì đã có hàng trăm bài báo tôn vinh chiếc loa phường.
2.
Lý lẽ của một số người cho là loa phường có cách đây 50-60 năm chỉ cần thiết trong kháng chiến chống Mỹ hay chống lũ lụt thì nay không cần nữa. Nói thế là cưỡng tình đoạt lý.
Các anh chị đang nhầm lẫn. Cái lý lẽ, 5G, 6G hay 4.0 là công nghệ chứ không phải phương tiện. Cái này tôi sẽ phân tích ở bài sau.
Trở lại vấn đề, không phải cái gì có cách đây 50-60 năm hay lâu hơn thì đều phải bỏ, chỉ vì bây giờ có công nghệ mới 4.0 hay 5G, 6G.
Thực tế, xe đạp có từ 1817, ô tô có động cơ đốt trong được chế tạo năm 1885 -1886, đầu máy hơi nước được phát minh năm 1769, tàu hỏa có từ 1814, máy bay có từ 1903…. Vậy tại sao người ta không bỏ?
Người ta không bỏ bởi nó vẫn có giá trị đối với đời sống con người và người ta chỉ cải tiến nó theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Chiếc loa phường cũng thế, có cách đây vài chục năm, nhưng hiện vẫn còn giá trị sử dụng. Cho đến tận hôm nay, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước tiên tiến, văn minh trên thế giới như Nhật, Mỹ, Nga… người ta vẫn sử dụng loa phường như một phương thức thông tin để bảo vệ người dân. Và cũng như xe đạp, ô tô, hay máy bay, chiếc loa phường sẽ được cải tiến để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ.
Theo đó, loa phường hôm nay khác xa chiếc loa phường ngày xưa bởi có ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện 4.0 và chắc chắn sẽ được cải tiến cả về nội dung, hình thức thể hiện, thời lượng và khung giờ phát. Vì thế, đừng vội chê “Hà Nội chuyển đổi 100% loa phường sang phát thanh công nghệ năm 2025” khi chưa hiểu hết vấn đề.
Nói như thế để thấy lập luận của các anh chị không thuyết phục.
3.
Trước đây do thiếu hiểu biết, đã có lúc tôi bức xúc với loa phường bởi âm lượng, giờ phát, nội dung thể hiện… Nhưng qua đại dịch Covid-19, qua trải nghiệm hàng ngày tôi mới thấy loa phường dù còn chuyện này chuyện khác, nhưng lại không thể thiếu.
Loa phường là một kênh thông tin nhanh, chính xác và gần gũi trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách và pháp luật của đảng, nhà nước và có giá trị đặc biệt trong phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ, nói môm na là các tình huống khẩn cấp.
Hãy tưởng tượng, khi hỏa hoạn, hay bắt cóc con tin xảy ra tại các khu chợ, các chung cư, nơi tập trung đông người mà thiếu các chỉ dẫn thoát nạn tức thời của cơ quan chức năng từ chiếc loa phường thì điều gì xảy ra?
Hỏi tức đã trả lời.
Ở các quốc gia văn minh như Nhật, Nga, hay Mỹ thì hệ thống “loa phường” của họ vẫn được duy trì như một món ăn vừa “cưỡng bức”, vừa “tự chọn”. Dĩ nhiên, về tên gọi có thể có sự khác nhau, nhưng bản chất là hệ thống thông tin công cộng phục vụ dân sinh và để giải quyết các tình huống cấp bách, chúng được hiểu như loa phường ở Việt Nam.
Gọi là cưỡng bức vì có thể anh không muốn những vẫn phải nghe vì nhiều người khác muốn nghe.
Gọi là tự chọn vì anh không muốn nghe thì có thể làm việc khác mà không cần chú ý vào đó.
4.
Điện thoại thông minh, laptop.. có thay thế được loa phường không?
Câu trả lời sẽ là không thể thay thế hoàn toàn nếu như các anh chị đặt mình vào vị trí người khác.
Điện thoại, máy tính cá nhân,… chỉ mang tính cá nhân mà thiếu tính cộng đồng. Thông tin trên mạng thì nhiều nhưng nó lại được khai thác theo sở thích thị hiếu. Có người chỉ quan tâm đến thời sự, chiến sự ở đâu đó; có người thì quan tâm tới thời trang, showbiz, nhưng có người lại chỉ quan tâm đến các sự kiện nóng để bán hàng…. Và cuối cùng thì dù có mạng internet, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được thông tin cần thiết liên quan tới chính cuộc sống của người dân, như chính sách mới, các quy định mới của pháp luật hay các chỉ dẫn có lợi cho người dân…
Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông hiện tại phát triển mạnh: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội… thì loa phường, xã vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng của nó. Vấn đề là chúng ta sử dụng nó như thế nào cho hợp lý và hiệu quả.
Từ góc nhìn khác, rất nhiều người dân còn khó khăn trong tiếp cận đài, báo và mạng xã hội, thì loa phường rõ ràng phục vụ cho những người được coi là yếm thế này. Dưới hệ quy chiếu này, rõ ràng việc tổ chức hoạt động của loa phường là nhân văn.
5.
Tôi đồng ý rằng, loa phường bị ghét bởi tiếng ồn phát oang oang, bởi giọng đọc vấp váp không truyền cảm, bởi nội dung và chủ đề không thiết thực,, bởi thời gian và thời lượng bất hợp lý… Nhưng tất cả những vấn đề đó đều có thể được giải quyết bởi cách tổ chức quản lý sử dụng.
Trong văn bản 200 của Hà Nội đã nói rõ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có cải tiến cả về nội dung, hình thức thể hiện, cũng như thời lượng, thời gian phát để không ảnh hưởng đến người dân.
Để làm được đó, cần có sự nghiên cứu cách bố trí loa phường sao cho hợp lý. Không nên hiểu loa phường theo cách truyền thống mà hãy hiện đại nó lên giống như một chiếc radio nhỏ, hoặc một chiếc đồng hồ báo thức như bên Mỹ. Theo đó, hạn chế loa nơi công cộng, bênh viện, trường học mà nên cá thể hóa vào từng hộ gia đình, trước mắt là các khu chung cư với hình thức nhỏ gọn như bao thuốc lá, chủ nhân có thể điều chỉnh âm lượng hoặc tắt.
Về địa điểm lắp đặt loa: căn cứ vào tình hình cụ thể từng địa bàn để lắp đặt sao cho tiện lợi cho người dân tiếp nhận được thông tin. Riêng loại nhỏ lắp trong nhà thì trước mắt áp dụng cho các khu chung cư và những người dân có nhu cầu.
Về nội dung: Loa phường không phải phương tiện để phát ca nhạc, do đó không nên đưa ca nhạc vào chương trình. Chỉ nên tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng, nhà nước (trừ các trường hợp khẩn cấp) hoặc thông báo các thông tin từ chính quyền để người dân nắm được. Các nội dung này phải được chọn lọc, biên tập lại cho ngắn gọn, xúc tích, đủ ý chứ không thể đọc nguyên văn bản với đầy đủ các căn cứ số má…
Về thời gian, mỗi bản tin chỉ nên kéo dài 15 phút trừ trường hợp khẩn cấp. Mỗi tuần chỉ nên phát từ 3 đến 5 ngày, mỗi ngày chỉ nên phát 1 đến 2 lần vào các thời điểm không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
5.
Cuối cùng, như đã nói ở trên, chức năng mấu chốt của loa phường là thông tin và tuyên truyền để phục vụ dân sinh, phục vụ cộng đồng, phục vụ đại chúng chứ không phải phục vụ hay làm phiền một cá nhân. Vì mục tiêu đó, mỗi anh em nên loại bỏ bớt cái tôi, cái cá nhân đi một chút, loa phường sẽ thực hiện được chức năng cộng đồng của mình.
P/s: Ảnh màn hình bài viết trên BBC.
[email protected]
Nguồn: Tre làng