Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư), việc bà Đào Hồng Lan – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, được giao nhiệm vụ làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã được các cơ quan xem xét, cân nhắc rất kỹ chứ không phải vội vàng.
Như đã thông tin, ngày 15/7, Bộ Chính trị có quyết định điều động bà Đào Hồng Lan về làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định trao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan.
Chia sẻ khi nhận nhiệm vụ, bà Lan thẳng thắn cho biết, bản thân bà không xuất phát từ ngành Y nhưng trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, bà sẽ nỗ lực cống hiến hết mình, tham mưu các giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn hiện tại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định cho bà Đào Hồng Lan. Ảnh: Như Ý
Vấn đề bà Lan không có chuyên môn về y tế cũng thu hút sự chú ý, nhận nhiều ý kiến phân tích của báo chí, mạng xã hội…
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư) cho rằng, vấn đề này người dân cũng nhìn nhận ra thì các cơ quan tham mưu của T.Ư, cơ quan có thẩm quyền có lẽ cũng đã tính toán, xem xét kỹ lưỡng trước khi triển khai quyết định.
Ông Hà nêu quan điểm: “Nếu người đứng đầu Bộ Y tế có kiến thức chuyên môn về ngành y, chắc chắn sẽ tốt hơn là không có kiến thức về lĩnh vực này. Phải nhìn nhận một cách công bằng như vậy. Bản thân bà Lan khi phát biểu nhận nhiệm vụ cũng đã nói rằng, nếu bà có chuyên môn về ngành y sẽ tốt hơn. Nhưng, không phải không có chuyên môn về ngành y tế là không làm được Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai vấn đề này khác hẳn nhau, không thể đánh đồng được”.
Nguyên Vụ trưởng vụ Cơ sở Đảng phân tích cả về mặt lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Hà trong một chương trình toạ đàm tại báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý
Cụ thể, về mặt lý luận, nếu một người đứng đầu một đơn vị nhỏ, có tính chất chuyên môn sâu thì yêu cầu đặt ra người đứng đầu đó phải có chuyên môn cao, trong khi yếu tố lãnh đạo và quản lý hẹp và ít hơn.
Ví dụ, nếu làm đội trưởng, tổ trưởng, quản đốc phân xưởng thì rõ ràng yêu cầu chuyên môn phải rất cao và sâu thì mới chỉ đạo anh em làm việc được, nhưng yếu tố lãnh đạo, quản lý rất ít vì nhân sự có chục người, vài chục người. Hay nếu làm trưởng khoa phẫu thuật ở một bệnh viện thì dứt khoát phải có chuyên môn sâu về mặt ngoại khoa, y tế…
“Nhưng, khi đơn vị, tổ chức càng lớn, thì yếu tố đòi hỏi chuyên môn sâu càng ít đi, trong khi đòi hỏi cao hơn ở vai trò lãnh đạo, quản lý. Rõ ràng, một Bộ trưởng Bộ Y tế thì yêu cầu chuyên môn về lĩnh vực ngành y tế khác hoàn toàn so với một trưởng khoa, hay một giám đốc bệnh viện. Yêu cầu về vai trò lãnh đạo, quản lý lớn hơn về yếu tố chuyên môn đơn thuần”, ông Hà nói đồng thời nhấn mạnh, về mặt lý luận, khi tổ chức càng to, càng lớn thì yêu cầu về chuyên môn sâu càng nhỏ và yêu cầu lãnh đạo, quản lý càng lớn hơn.
Về mặt thực tiễn, ông Hà chỉ ra, như trước đây, khi nước ta vừa giải phóng, hoà bình lập lại, tất cả những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, bộ ngành cơ bản đều trưởng thành từ quân đội, từ chiến đấu. “Lúc đó lấy đâu ra nhiều bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư như bây giờ. Tại sao các đồng chí đó không có chuyên môn, học hàm, học vị nhưng vẫn làm tốt. Lúc đó, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý là chính chứ không phải do yếu tố chuyên môn là chính”, ông Hà nêu.
Theo ông Hà, chính vì thế, bây giờ, ở vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu có kiến thức chuyên môn y tế thì tốt hơn, nhưng không có kiến thức chuyên môn về y tế cũng không phải là không tốt, bởi cần người lãnh đạo, quản lý.
“Khi lãnh đạo, quản lý tốt thì sẽ phát huy trí tuệ tập thể, khơi dậy động lực, niềm tin, tập hợp được trí tuệ của anh em toàn ngành. Ngành y có rất nhiều cán bộ tâm huyết, trình độ chuyên môn sâu, rất giỏi. Yêu cầu về vai trò của người lãnh đạo, quản lý ở đây còn lớn hơn là yêu cầu về mặt chuyên môn”, ông Hà nêu quan điểm.
Ví dụ thực tiễn thứ hai, theo ông Hà, là nhìn ra thế giới, tại nhiều nước, thậm chí ở một số nước lớn, phát triển, một số vị trí Bộ trưởng đóng vai trò là một chính khách chứ không phải là cán bộ chuyên môn nữa. Thậm chí có những Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không xuất thân từ trong quân đội…
“Từ lý luận và thực tiễn như vậy chúng ta thấy được rằng, nếu người đứng đầu ngành y tế có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực y tế thì tốt hơn. Nhưng không phải không có kiến thức về ngành y mà không làm được. Các cơ quan chức năng, các cơ quan tham mưu có thẩm quyền cũng đã tính toán, cân nhắc rất kỹ trước khi đi đến quyết định đó”, ông Hà nói.
Trường Phong (Tiền phong)