Trang chủ Đối tượng Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các tổ chức “xã...

Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các tổ chức “xã hội dân sự”

120
0

Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, còn có một loại tổ chức dưới danh nghĩa là “xã hội dân sự”(XHDS). Mặc dù có những đóng góp nhất định trong hoạt động xã hội, nhưng nhiều tổ chức có hoạt động trái phép hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.

Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các tổ chức “xã hội dân sự”

Nhóm “Đồng thuận” ở xã Đồng Tâm (Hà Nội) quan hệ với các tổ chức dân chủ không những gây rối, tạo sức ép mà còn dùng tiền được tài trợ để lôi kéo lực lượng, mua sắm vũ khí chống lại chính quyền. Ảnh: TL

1. Có nhiều khái niệm khác nhau, nhưng  chung nhất  của XHDS hoạt động trong lĩnh vực xã hội là theo tôn chỉ tự nguyện, phi lợi nhuận, không ràng buộc bởi nhà nước. Tên gọi có thể là nhóm, hội, tổ chức, câu lạc bộ hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO). Mặt tích cực của XHDS là có những hoạt động thúc đẩy kỹ năng, kiến thức cho cộng đồng, góp phần hữu ích cho xã hội khi Nhà nước chưa thể với tới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức về danh nghĩa cương lĩnh, điều lệ không chống Nhà nước nhưng lại có xu thế phản kháng, làm trái hoặc được bên ngoài lợi dụng hoạt động chống đối. Nhiều tổ chức hoạt động chống phá dưới hình thức “phản biện”, “nghiên cứu phát triển” và có những hội công khai chống đối.

Nhìn ra thế giới trong những năm gần đây, để nhận rõ hơn bản chất của các tổ chức XHDS. Đầu năm  2011, chính biến nổ ra ở Bắc Phi, Trung Đông, bắt đầu từ Tuynidi, lan sang Ai Cập, Li Bi cho đến Syria đều có vai trò thúc đẩy sụp đổ các chính phủ, do NGO của một số nước tiến hành. Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cùng với các tổ chức dân sự đã đưa ra nhiều phương thức khác nhau nhằm kích động, dẫn dắt những cuộc biểu tình đường phố, trở thành những làn sóng bạo loạn. Bắt đầu là biểu tình nhỏ, từ một vài nhóm người có bức xúc, dần dần được tác động từ bên ngoài thông qua NGO nội địa đã tập hợp hàng chục ngàn người tham gia. Ở Ukraina trước đây, với gần 200 tổ chức XHDS đã trở thành lực lượng nòng cốt kích động quần chúng gây nên những cuộc bạo loạn đường phố, tạo nên “cách mạng màu cam”…

2. Nhiều năm qua, các tổ chức XHDS ở nước ta đã lợi dụng hoặc dựa bên ngoài để hoạt động chống phá như đã làm ở nhiều nước. Đặc điểm chung nhất là các tổ chức dạng này không xin phép thành lập, tập hợp những người có tư tưởng chống đối hoặc dưới danh nghĩa phản biện. Ban đầu là đề cao vai trò “phản biện”, triệt để lợi dụng tính đa dạng hoạt động nhiều mặt nhằm hình thành nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Từ đa nguyên tư tưởng hình thành đa nguyên chính trị và sau cùng là hình thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng. Nhiều hội được hình thành với hình thức đa dạng để tạo tiền đề cho bầu cử dân chủ, công khai cạnh tranh với Đảng khi có điều kiện. Mục tiêu mà các tổ chức XHDS hướng đến là những người “bất đồng chính kiến”, cơ hội chính trị, người có quan điểm trái chiều hoặc thiếu nhận thức. Dưới danh nghĩa “phản biện”, “góp ý” bằng “thỉnh nguyện”, “ thư ngỏ” đòi thay đổi Hiến pháp, xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản, đổi tên nước, từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và tổ chức các cuộc biểu tình biến tướng.

Nhiều tổ chức trong nước có mối liên hệ và được bên ngoài tài trợ kinh phí đã thường xuyên tổ chức các hoạt động trái phép, chống đối. Vào những dịp có sự kiện lớn của đất nước hoặc khi đồng bọn bị bắt, chúng lại rộ lên những “chiến dịch” phản ứng quyết liệt, đòi nhà nước trả tự do không điều kiện cho “các nhà dân chủ” mà chúng gọi là “tù nhân lương tâm”. Dưới danh nghĩa “yêu nước”, “bảo vệ biển đảo”, nhiều tổ chức đã tập hợp lực lượng biểu tình ở các đô thị dưới chiêu bài “bất bạo động”, “ôn hòa”. Mục đích là lôi kéo đông người, thăm dò phản ứng của chính quyền, mặt khác quay phim, chụp ảnh gửi ra bên ngoài để khuếch trương, xin tài trợ. Không ít kẻ cầm đầu khi bị bắt đã thừa nhận nhiều lần nhận những khoản tiền lớn, thực chất là cách “trả công” hay “nhuận bút” của các tổ chức bên ngoài.

Nhóm “Đồng thuận” ở xã Đồng Tâm (Hà Nội) quan hệ với các tổ chức dân chủ không những gây rối, tạo sức ép mà còn dùng tiền được tài trợ để lôi kéo lực lượng, mua sắm vũ khí chống lại chính quyền.

3. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Công dân có quyền được “hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” đã nêu điều kiện thành lập hội là phải “có mục đích không trái pháp luật”. Như vậy, các tổ chức không phải do Nhà nước lập ra đều phải tuân thủ  quy định của pháp luật, không thể tự ý tuyên bố thành lập, hoạt động trái phép.

Các hội mang tính chất XHDS không tuân thủ quy định là mầm mống của các tổ chức đối trọng, là cơ sở xã hội cho các thế lực thù địch lợi dụng làm chỗ dựa cho hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Bài học về sự hữu khuynh của các quốc gia bị lật đổ, chuyển hóa trong những năm qua đang là bài học rút ra cho chúng ta.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực chống đối đang tích cực lợi dụng tự do, dân chủ, thành lập các nhóm hội trái phép dưới danh nghĩa  XHDS. Cần nhận diện đúng tổ chức dạng này, xử lý nghiêm minh, không để phát triển trở thành tổ chức đối trọng với Đảng,  làm mất ổn định xã hội.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH (Báo Thừa Thiên – Huế)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây