Vào thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, trên báo đài xôn xao câu chuyện các địa phương yêu cầu xét nghiệm và cách ly đối với người dân về ăn Tết. Nhiều người bao gồm cả các chuyên gia cho rằng đó là các biện pháp máy móc không theo đúng quy định phân chia cấp độ dịch, các trang mạng chống phá cũng tranh thủ ném đá chính quyền. Thế nhưng có một thực tế là sau kỳ nghỉ Tết có phần “thoải mái”, số ca nhiễm ở hầu hết mọi địa phương đều tăng thêm gấp nhiều lần và làm tăng cấp độ dịch, khiến cho một số hoạt động lại bị gián đoạn.
Kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19″, mọi hoạt động giao thương, đi lại, làm việc, học tập của người dân đã dần trở lại bình thường. Số ca nhiễm tăng dần do mở cửa, nhưng nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả cao, đồng thời chính quyền cũng như người dân có nhiều biện pháp kiểm soát và phản ứng tốt nên tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong tương đối thấp. Thế nhưng câu chuyện người dân về quê ăn Tết là một sự kiện khiến cho tình hình dịch trở nên phức tạp gấp nhiều lần. Cần biết là cơ sở vật chất và năng lực ứng phó của các địa phương không giống nhau, tỉnh nhỏ khác tỉnh lớn như Hà Nội. Khi một lượng lớn người dân từ Hà Nội và các thành phố lớn về địa phương mà không có biện pháp kiểm soát phù hợp thì có thể chỉ qua vài ngày là số ca nhiễm tăng mạnh, làm tăng cấp độ dịch.
Suốt từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay, có nhiều câu chuyện về cách xử lý của chính quyền địa phương đã bị báo chí phản ánh như người dân bị yêu cầu cách ly ở khu vực riêng, nhà người dân bị khóa công, người dân bị yêu cầu giấy xét nghiệm…Tất cả các biện pháp này đều bị chỉ trích là làm khó cho người dân. Các trang mạng chống phá thì lấy đó để xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam “cát cứ”, mỗi nơi làm một kiểu, vi phạm quyền công dân. PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh cũng cho rằng một số biện pháp của chính quyền địa phương “không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện”. Thế nhưng thực tế là theo quy định phân chia cấp độ dịch ở các địa phương, chính quyền cơ sở có thể áp dụng một số biện pháp kiểm soát nhất định tùy theo cấp độ dịch nơi người dân cư trú trước khi về quê.
Tháng 1/2022, khi bị phản ánh về việc khóa cổng nhà có người đi làm ăn xa quê về, chính quyền xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết “Việc khóa cổng là tự nguyện của người dân, dưới sự vận động của cán bộ xã, thôn. Đây là việc làm linh động của chính quyền xã Thiệu Phú”. Ngay khi bị phản ánh thì chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã yêu cầu mở khóa cổng. Câu chuyện tương tự xảy ra mới đây tại xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên cũng tương tự, chính quyền cho biết là đã vận động người dân cho phép khóa cổng để đảm bảo an toàn cho gia đình và hàng xóm xung quanh. Đa số đồng ý, chỉ có một hộ phản ứng đưa vụ việc lên mạng xã hội và sau đó thôn cũng chấp nhận mở khóa.
Tại nhiều địa phương, xóm làng, người dân có ý thức cao phòng chống dịch bệnh, việc họ chấp thuận sự vận động của chính quyền trong việc áp dụng thêm một số biện pháp như khóa cổng có lẽ cũng không quá nặng nề. Điều quan trọng nhất trong mỗi vụ việc là ý thức của mỗi người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng ý thức người dân là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vaccine mà chủ quan, lơ là.
Thế nhưng sự tự giác luôn có giới hạn, cộng thêm không khí mọi người về quê đón Tết tất yếu sẽ có lúc du di, lơi lỏng phòng dịch. Sự thật là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có phần “thoải mái”, khi mà mọi biện pháp phòng dịch “không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện” theo cách gọi của PGS.TS Trần Đắc Phu bị loại bỏ thì số ca nhiễm toàn quốc tăng mạnh. Theo cập nhật ngày 22/2 thì số tỉnh, thành ‘vùng xanh’ đã giảm 3 địa phương, tỉnh, thành ‘vùng vàng’ sẽ tăng thêm 3 địa phương. Tại Hà Nội, nếu như tại thời điểm trước và trong Tết, số ca nhiễm mỗi ngày chỉ khoảng 3000 thì hiện tại đã vọt lên gần 12000 ca nhiễm/ngày. Hậu quả là có tới 74 xã, phường, thị trấn tại Hà Nội chuyển màu cam. Nhiều hoạt động bị gián đoạn, ở nhiều tỉnh thành học sinh lại phải nghỉ học khi có quá nhiều ca nhiễm.
Kết quả này cho thấy “sự cẩn thận, phòng ngừa” của các chính quyền địa phương, thôn xóm là hoàn toàn có cơ sở, và thực tế là số ca nhiễm đã tăng mạnh. Trong khi trách móc các chính quyền này là máy móc, gây phiền hà, chưa tuân thủ đúng quy định phân cấp dịch trong Nghị quyết 128, thì phải chăng chính chúng ta cũng “máy móc” nếu dựa trên thực tế là cấp độ dịch có thể thay đổi chỉ trong vài ngày Tết? Việc áp đặt biện pháp theo một chỉ tiêu, nhưng chỉ tiêu đó lại không hề cố định khiến cho chính quyền cấp cơ sở, chịu trách nhiệm trực tiếp lo ngại và buộc phải đưa ra các biện pháp bổ sung. Nếu xét trên góc độ này thì họ đang rất cần sự cảm thông, khi mà mục đích chính các biện pháp phòng dịch cũng chỉ là vì sức khỏe và sự an toàn của cả cộng đồng.
Không chỉ có các bác sỹ và các chiến sỹ Công an, Quân đội trực tiếp chống dịch, mà cả hệ thống chính trị đang phải vào cuộc, chịu trách nhiệm ở những cấp độ khác nhau. Dịch bệnh luôn biến đổi, vì thế nhiệm vụ của họ cũng đòi hỏi những sự linh hoạt nhất định. Cần thận trọng hơn trước những lời chỉ trích, vừa là để cảm thông với họ, vừa để tránh thành cái cớ cho các trang mạng chống đối lợi dụng chỉ trích đất nước.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò