Mới đây, đối tượng Phạm Đoan Trang được trao cái gọi là giải Tự do Truyền thông năm 2022 của Liên minh Tự do Truyền thông. Điều đáng tiếc là trang web của Chính phủ Anh cũng như Canada đều đăng tải thông tin đề cao giải thưởng này, Bộ trưởng Ngoại giao Canada là Mélanie Joly còn gọi Đoan Trang là “chiến sỹ bảo vệ tự do truyền thông và nhân quyền”, đồng thời “hoan nghênh” Đoan Trang vì “lòng dũng cảm, yêu cầu Chính phủ giải trình”.
“Người Canada nên biết rằng các nhà báo ở đất nước này có thể bị bắt và bỏ tù nếu họ kể một câu chuyện mà RCMP (Cảnh sát Hoàng gia Canada) không thích”. Toledano, một nhà làm phim độc lập đã nói như vậy với đài CBS News sau khi tạm thời được thả cùng với Amber Bracken, một nhiếp ảnh gia từng đạt giải thưởng khi đưa tin về các xung đột ở vùng Wet’suwet’en. Hai nhà báo này bị bắt khi họ đưa tin về một cuộc biểu tình của Người Canada bản địa chống lại việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Emma Gilchrist, tổng biên tập của tờ The Narwhal nơi Amber Bracken công tác và Brent Jolly, chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Canada (CAJ) lên án hai vụ bắt giữ này và cho rằng RCMP vi phạm quyền tự do báo chí.
Thông tin này được chính 1 người dùng Twitter đưa ra để chế giễu bà Bộ trưởng Bộ ngoại giao Canada phía dưới bài đăng của bà này về việc trao giải thưởng và “hoan nghênh” các hành vi của Phạm Đoan Trang. Thực tế, việc các nhà báo bị bắt giữ ở phương Tây cũng không phải là hiếm. PressGazetta từng dẫn một thống kê cho biết trong vòng 5 năm từ 2011-2015 có tới 67 nhà báo ở Vương quốc Anh bị bắt giữ khi đang tác nghiệp. Forbes cho biết tại Mỹ năm 2020 có tới 130 nhà báo bị bắt hoặc giam giữ, và khoảng 43% trong số đó bị hành hung. Vậy phải chăng chính phủ Anh và Canada đang áp dụng tiêu chuẩn nước đôi khi tôn vinh một kẻ vi phạm pháp luật ở Việt Nam chỉ vì cô ta từng là một nhà báo?
Lý lịch và “thành tích” phạm tội của Phạm Đoan Trang đã được rất nhiều tờ báo trong nước đăng tải. Ngoài việc câu kết với các tổ chức phản động như Việt Tân, VOICE tổ chức các hoạt động chống phá Việt Nam, đối tượng còn làm ra nhiều tài liệu, bài báo xuyên tạc, kích động, tuyên truyền và bôi nhọ tình hình đất nước. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã đối xử hết sức nhân đạo với Trang trong một thời gian rất dài. Kết quả điều tra cho thấy nhiều hành vi vi phạm pháp luật của Trang diễn ra từ năm 2013 đến tận năm 2020 mới bị truy tố. Việc Trang phải đứng ra trước vành móng ngựa để trả lời cho những tội trạng của mình và nhận bản án tù thích đáng theo đúng các Quy định của pháp luật là điều không còn phải bàn cãi.
Người ta chỉ có thể bị bắt giữ khi vi phạm rõ ràng các quy định của pháp luật, chế tài của Nhà nước. Nếu trao giải thưởng cho một tội phạm chỉ vì cô ta mang danh một nhà báo và đòi “viết báo đưa tin” theo ý muốn của mình thì có thể bình luận gì về những nhà báo bị bắt giữ ở Canada, Anh hay Mỹ, thưa bà Bộ trưởng Mélanie Joly? Một người dùng Twitter khác bình luận dưới bài đăng của bà này là: “Tự do” mà bà nói có giống “tự do” theo kiểu những gì NATO đang làm ở Iraq, Libya, Syria không? Các người chỉ là những kẻ thao túng”.
Còn nhớ cách đây 22 năm, một công dân Canada gốc Việt tên là Nguyễn Thị Hiệp bị kết án tử hình vì buôn lậu tới 5kg ma túy. Chính phủ Việt Nam khi đó đã điều tra và có đủ chứng cứ, thế nhưng phía Canada khăng khăng cho rằng bà Hiệp bị lừa gạt đem ma túy rời Việt Nam. Sau khi đối tượng này bị tử hình, phía Canada đã đình chỉ toàn bộ các quan hệ hợp tác với Việt Nam ở cấp Bộ trưởng. Sự khác biệt trong quan điểm của mỗi quốc gia là điều bình thường, và mỗi nước cần tôn trọng chủ quyền cũng như công việc nội bộ của nhau, nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu một phía có biểu hiện dùng sức mạnh để “thao túng”.
Được biết Liên minh Tự do Truyền thông gồm 50 quốc gia trong đó có Anh, Canada, Mỹ là một tổ chức mới được thành lập vào năm 2019 và mới tổ chức được 3 lần hội thảo. Khó có thể biết liệu họ thực sự đánh giá cao Đoan Trang, hay chỉ lợi dụng danh tiếng “dân chủ” của đối tượng này để “lăng xê” cho giải thưởng mới ra mắt của họ. Tuy nhiên, các đối tượng “đồng lõa” của Đoan Trang đã nhanh chóng chộp lấy bài phát biểu của Bà Bộ trưởng Mélanie Joly để tung hô. Đài Á châu tự do RFA còn dẫn lời của Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí và là đại diện của Phạm Đoan Trang cho rằng giải thưởng của Đoan Trang là “sự thừa nhận của hai Chính phủ có nền kinh tế mạnh là Anh và Canada, từ đó giúp người dân Việt Nam có cái nhìn đúng về việc làm của Đoan Trang”. Thật là tai hại!
Xin khẳng định với bà Mélanie Joly và Chính phủ Anh rằng Phạm Đoan Trang chỉ là một đối tượng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để viết và phát tán các tài liệu tuyên truyền, phản động chống Nhà nước Việt Nam. Những hành vi của đối tượng không thể hiện việc “tự do báo chí” hay “yêu cầu Chính phủ giải trình” mà chỉ là chống đối, kích động để mưu toan bạo loạn lật đổ. Nếu bà có thời gian hãy vào trang web phamdoantrang.com để xem đối tượng chửi bới Nhà nước Việt nam với những ngôn từ như “hèn hạ”, “ác ôn”, ngu xuẩn”, “khủng bố”…
Hành vi của đối tượng Phạm Đoan Trang đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cũng tương tự như hàng trăm “nhà báo” đã bị bắt giữ tại Anh, Canada và Mỹ. Việc trao giải thưởng, tôn vinh một đối tượng bị kết tội tại quốc gia khác sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, và một ngày nào đó có thể quay lại gây hại cho chính đất nước Canada hay Anh. Mong rằng bà Mélanie Joly sẽ suy nghĩ lại và rút tuyên bố của mình vào một ngày không xa.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò