Lễ hội tịch điền mới chính thức được phục dựng từ năm 2009 nhưng đến nay đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Khi lễ hội ngày càng nhận được nhiều sự chú ý thì đi kèm theo đó là rất nhiều lời nhận xét, bàn tán.
Từ xưa đến nay, nông nghiệp luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam do đây là lĩnh vực làm ra lương thực thực phẩm, yếu tố đầu tiên, có tính chất quyết định sự tồn tại phát triển của con người và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thời phong kiến, nông nghiệp thậm chí còn là ngành kinh tế chính và chủ yếu khi mà công thương nghiệp còn chưa phát triển. Ngày nay, dù quy mô và giá trị sản xuất của doanh nghiệp nông nghiệp nhìn chung không bằng các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng sức lan tỏa lại rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ nông dân, và đây thực sự là một “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế.
Vì thế, các chính quyền từ phong kiến đến hiện đại đều có các chính sách khuyến khích, chăm lo cho nông nghiệp và lễ hội Tịch điền là một trong các hoạt động như vậy.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép lại, vào đầu xuân năm 987 vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Đó là lễ tịch điền đầu tiên ở Việt Nam được sử sách ghi nhận lại. Sau đó đến thời nhà Lý, lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của triều đình vào mùa xuân. Kể từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền được coi như ngày lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn trên chính đồng đất quê hương với mong muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và nông dân. Người bôn ba tìm đường cứu nước vì nền độc lập của dân tộc, để “người cày có ruộng”, để “ruộng đất về tay dân cày”, để “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người cũng đã nhiều lần xuống đồng ruộng, đích thân đi cày vài đường để khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất, ổn định kinh tế, xã hội.
Năm 2009, sau gần 100 năm ngừng tổ chức, lễ tịch điền được chính thức phục dựng tại Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam vào mùng 5-7 tháng giêng. Việc này được UBND tỉnh Hà Nam và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam khởi xướng nhằm 3 mục đích chính: khuyến nông; khai thác các giá trị văn hóa cổ truyền của cộng đồng cư dân ở Đọi Sơn và vùng phụ cận; đồng thời tạo nguồn xã hội hóa, tạo nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
“Phục dựng” có nghĩa là phải khôi phục và dàn dựng y như thật. Vì vậy, đơn vị tổ chức đã phải rất nỗ lực tham khảo các nguồn dữ liệu để xây dựng các chi tiết như cờ phướn, trang phục của vua và phẩm phục của các quan, cùng sự tham gia của nhiều thành phần. Năm 2017, kỷ niệm 1030 năm ngày vua Lê Đại Hành lần đầu tiên xuống đồng thực hiện nghi lễ cày tịch điền, Lễ Tịch điền Đọi Sơn đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đúng kịch bản, trước khi diễn ra lễ Tịch điền sẽ có màn thi vẽ và chấm giải trang trí cho trâu. Xưa, khi vua chúa thực hiện nghi lễ Tịch điền, các chú trâu cày cũng được nghi thức hóa bằng cách trang trí vải đỏ lên lưng. Nay, các chú trâu sẽ được họa sĩ vẽ, trang trí hoa văn tứ linh, tứ quý lên thân thể. Những chú trâu có hình trang trí đẹp nhất sẽ được xuống ruộng kéo cày.
Trong nghi lễ Tịch điền, một lão nông đạo mạo, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm cày ruộng và phải là thành viên của gia đình văn hóa sẽ tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông. Sau đó, lão nông sẽ đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày. Theo thứ tự, vua Lê Đại Hành sẽ cầm cày dẫn trâu cày 3 sá ruộng, rồi tới lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá, lãnh đạo xã và cuối cùng là các bô lão cày 9 sá. Theo sau các đường cày là các cô gái trong trang phục truyền thống cầm theo hạt giống gieo xuống các luống cày, đồng thời các màn múa rồng làm tăng thêm phần sôi động cho lễ hội.
Năm nay lễ hội Tịch điền có sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng diễn ra với đúng kịch bản như vậy và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân cả nước.
Sân khấu cũng được làm rất bài bản khi được bố trí ngay trên bờ ruộng theo phong tục đàn cầu an xưa với lá cờ phướn chủ đạo mang dòng chữ “Thần nông” nổi bật chính giữa lễ đài, tung bay đón gió, hai bên cờ nhỏ với những câu mang ý nghĩa đề cao vị thế của nông nghiệp- nông thôn- nông dân. Tất cả các lá cờ phướn này đều bằng chữ Nôm, vốn được tổ tiên người Việt Nam sử dụng trong hàng ngàn năm, trước khi chuyển sang chữ quốc ngữ hiện tại sau những biến cố của lịch sử. Để phù hợp với hiện tại, có thể thấy trên các lá cờ phướn đều được viết thêm nội dung chữ quốc ngữ để mọi người cùng hiểu. Tiếc là một số người do quá thiếu hiểu biết lại cho rằng các lá cờ này gợi không khí bên Trung Quốc, trong khi chỉ cần nhìn vào đình, chùa, văn bia các ngôi nhà cổ hay gia phả cũ của cha ông thì có thể thấy thứ chữ Nôm hiện diện khá nhiều.
Câu chuyện thắc mắc về chú trâu được trang trí sặc sỡ hay lá cờ phướn in chữ Nôm xét ra không quá nặng nề vì nguyên do đơn giản là người ta thiếu hiểu biết về văn hóa. Điều đó không nặng nề bằng việc vô văn hóa, khi có những người chỉ tìm cách bới móc để chê bai một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc và được ngày càng nhiều người dân khắp cả nước quan tâm, hưởng ứng.
Ý nghĩa cơ bản nhất của lễ hội tịch điền là để khuyến nông, tức là khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn cày cấy trên đồng ruộng quê hương, và có thể bằng bất kỳ phương tiện nào mà mình có. Ở nhiều nơi trên đất nước ta đã hiện đại hóa nông nghiệp, mới hóa nông thôn, người dân đã có máy cày hiện đại nhưng ở một số khu vực như vùng núi, vùng sâu vùng xa vẫn phải cày bằng trâu. “Con trâu, cái cày” từ lâu vẫn là một hình ảnh chung mang tính biểu tượng của nhà nông mà ai nhìn vào đó cũng hiểu, và không quá khi nói đây là một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói ở cương vị người đứng đầu Nhà nước như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mỗi thông điệp phát ra đều phải được cân nhắc hết sức cẩn thận, có tính bình dân, dễ hiểu đối với mọi người. Hình ảnh ông xắn quần lội ruộng trong tiết trời giá rét, ôm cày đi theo trâu là một sự khuyến khích với nông nghiệp, và thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với văn hóa cổ truyền của dân tộc. Còn “hiện đại hóa” hay không, hãy cứ nhìn vào sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam những năm qua là quá rõ. Năm 2021, bất kể khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nông nghiệp Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu với 48,6 tỷ đô la, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô bao gồm lúa gạo.
Người thực hiện: An Diễm
Đồ họa: M.N
Nguồn: Cánh cò