Sau khi Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khuyến khích các nhà văn Việt nam phấn đấu giành giải Nobel văn học để mang lại niềm tự hào cho đất nước thì đã có rất nhiều lời bình luận đồng tình ủng hộ. Nhưng bên cạnh đó, nhiều đối tượng hải ngoại cũng tranh thủ xuyên tạc, cho rằng Việt Nam thiếu tự do tư tưởng nên đó là mục tiêu phi thực tế, và rằng Việt Nam có cơ hội Nobel hòa bình hơn Nobel văn chương.
Năm 1973, sau khi cùng Henry Kissinger ký kết hiệp định Paris năm 1973 nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cố vấn Lê Đức Thọ cùng Kissinger được trao giải Nobel hòa bình. Nhưng ông đã gây “chấn động” toàn thế giới khi kiên quyết từ chối giải thưởng này. Trong một bức thư sau đó gửi cho bà Aase Lionaes, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel của Quốc hội Na Uy năm đó, ông Thọ đã giải thích rõ lý do rằng: Mỹ xâm lược Việt Nam, người làm ra hòa bình là Việt nam chứ không phải Mỹ. “Nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình” vì vậy ông không nhận. Có một thứ đối với người Việt Nam còn cao hơn mọi giải thưởng kể cả giải Nobel, đó là niềm tự hào và bản sắc dân tộc.
Năm 2016, nhà văn gốc Việt Nguyễn Đình Thanh với tiểu thuyết đầu tay, The Sympathizer (Cảm tình viên), được Giải Pulitzer danh giá của Mỹ hạng mục tác phẩm hư cấu. Nhiều đối tượng hải ngoại tung hô, cho rằng nhờ được sống ở nước ngoài tự do tư tưởng nên ông ta mới có thể được giải cao quý như vậy. Nhưng thực chất Nguyễn Đình Thanh sang Mỹ từ năm 4 tuổi, lớn lên trong sự giáo dục và văn hóa Mỹ vì thế về bản chất ông ta hoàn toàn không phải là người Việt. Nội dung tác phẩm The Sympathizer có nội dung hư cấu về một điệp viên Việt Nam theo cách nhìn và quan niệm của một người Mỹ, hoàn toàn không có “chất” của người Việt Nam trong đó. Vậy thì những luận điệu về việc ông Thanh “tự do tư tưởng” hoàn toàn vô giá trị.
Năm 2021, một nhà văn Việt Nam thực sự là Nguyễn Phan Quế Mai với tiểu thuyết ‘The mountains sing’ (tạm dịch: Những ngọn núi ngân vang) đã đoạt giải nhì hạng mục hư cấu của giải thưởng Văn học vì hòa bình Dayton của Mỹ năm 2021. Trước đó bà là một nhà văn nổi tiếng, từng được nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và luôn tự hào là người Việt. Trả lời phỏng vấn báo chí về tác phẩm đoạt giải, bà cho biết “Đất nước chúng ta vẫn còn những vết thương sâu hoắm của chiến tranh, nhưng cũng là một đất nước có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống văn học. Tôi đã lồng ghép nhiều câu tục ngữ vào quyển sách, giới thiệu nhiều danh lam thắng cảnh, nghi lễ, các món ăn Việt Nam. Trên hết, tiểu thuyết nói về tình yêu gia đình, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và mong mỏi hòa bình của người Việt”.
Cả ba giải thưởng trên đều được đề cập trong một bài viết của Blogger Điếu Cày với những tình tiết bị cắt xén. Đối tượng cho rằng nhà văn Nguyễn Đình Thành và Nguyễn Phan Quế Mai đoạt giải ở nước ngoài chứng tỏ chỉ khi người Việt được “tự do tư tưởng” thì mới có thể làm ra các tác phẩm có giá trị. Giải thưởng Nobel hòa bình của cố vấn Lê Đức Thọ được đề cập, nhưng bị cố ý lồng ghép với câu chuyện những đối tượng như Phạm Đoan Trang cũng được đề cử giải này. Mục đích là để xuyên tạc rằng ở Việt Nam chỉ có hi vọng giải Nobel hòa bình, và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là “khó thành hiện thực”.
Giải thưởng quốc tế của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai hay một số nhà văn khác thể hiện người Việt Nam không hề thiếu tài năng, cũng như chất liệu cuộc sống và môi trường để sáng tác. Điều quan trọng là người Việt Nam cần có thêm động lực mạnh mẽ và tầm nhìn vượt trước thời đại. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với tầm nhìn xa, trông rộng và tư duy bao quát mọi lĩnh vực của đất nước đã có vai trò định hướng quan trọng, thể hiện qua phát biểu khuyến khích các nhà văn hướng tới giải Nobel danh giá toàn cầu.
Chỉ cách đây vài chục năm, Việt Nam còn là một nước nghèo nàn, lạc hậu, các lĩnh vực văn hóa xã hội còn chưa phát triển. Nhưng ngày nay đất nước đã có nền kinh tế phát triển, gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình, nhiều lĩnh vực văn hóa thể thao cũng đã có bước phát triển vượt bậc, giành nhiều thành tích trên trường quốc tế, và giải thưởng văn học của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cũng là một khía cạnh như vậy. Chúng ta cũng đã mở rộng giao lưu hợp tác, đất nước đang vô cùng cởi mở và năng động, mọi người được tự do đi lại, làm ăn. Đây sẽ là môi trường và hoàn cảnh không thể tốt hơn để các nhà văn Việt Nam ra sức trau dồi tài năng và vươn lên sánh vai cùng bè bạn quốc tế.
Những đối tượng như Điếu Cày vốn chưa từng nghĩ rằng đất nước sẽ có thành quả như ngày nay, vậy thì cũng chẳng gì khó hiểu khi họ mỉa mai ước vọng của Chủ tịch nước về giải Nobel văn học. Với tầm nhìn tủn mủn như “ếch ngồi đáy giếng”, họ chỉ biết đưa ra những lời “bình loạn” tầm phào để ném đá và xuyên tạc mà thôi.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò