Vụ án nhận hối lộ ở Cục lãnh sự bị các đối tượng hải ngoại diễn giải sai trái, cho rằng các cán bộ ở Bộ Ngoại giao “thiếu tiền” và sẽ dễ bị tình báo nước ngoài xâm nhập, mua chuộc để chi phối đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Năm 2021 đáng ra là một năm rất thành công của ngành Ngoại giao Việt Nam. Chiến dịch “ngoại giao y tế”, “ngoại giao vaccine” chưa từng có đã tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh. Thành quả là giúp Việt Nam “đi sau về trước”, từ chỗ thiếu thốn vaccine trở thành một trong những nước phủ vaccine hàng đầu thế giới. Thế nhưng lại xuất hiện những “con sâu làm rầu nồi canh”, một số cán bộ Cục lãnh sự bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ qua các chuyến bay giải cứu đồng bào. Tuy đã bị bắt giữ, làm rõ tội danh cá nhân, nhưng việc những người này từng giữ chức vụ cao đã khiến uy tín của ngành bị ảnh hưởng, và nhiều đối tượng chống phá nước ngoài đã tranh thủ xuyên tạc hình ảnh lãnh đạo, bộ máy Nhà nước.
Không người tử tế nào có thể biện hộ cho hành vi vô nhân tính của những kẻ đang tâm trục lợi trên sự khốn khó của đồng bào, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho tội lỗi của mình. Thế nhưng với những đối tượng không tử tế thì bằng cách nào đó họ luôn tìm ra lý do. Trong bài viết mới đăng tải, Blogger Điếu Cày cho rằng sở dĩ vụ việc xảy ra là bởi nhiều cán bộ trong ngành Ngoại giao thiếu tiền, “cần tiền” nên phải “ăn tiền”. Đối tượng lu loa rằng tình báo nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc sẽ dễ dàng xâm nhập, mua chuộc nhằm tác động lên đường lối đối ngoại của Việt Nam. Và để làm cho “thuyết âm mưu” này thêm phần thuyết phục, đối tượng còn dẫn lại các tin đồn vô căn cứ lâu nay liên quan đến cố Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cùng các cuộc hội đàm giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Cần biết, biên chế của Bộ Ngoại giao năm 2021 có hơn 1200 công chức và mỗi người sẽ đảm nhận những nhiệm vụ, vai trò ở những vị trí khác nhau. Vậy thì không thể nào dùng hành vi sai phạm ở một số cá nhân tại đơn vị này để quy kết cho toàn ngành. Cũng như vậy, việc đối ngoại của đất nước chịu sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và không thể nào từ sai phạm cục bộ tại Bộ Ngoại giao lại có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của cả đất nước. Đây là những lý lẽ mà người có kiến thức tối thiểu đều rõ, nhưng có vẻ Blogger Điếu Cày sẵn sàng vờ như không biết.
Những vụ việc trong đó có người từng giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp sau đó bị bắt vì sai phạm luôn tạo ra một cái cớ không thể tốt hơn để bôi nhọ hình ảnh đất nước. Và việc diễn giải sai trái vụ án ở Cục lãnh sự chỉ là một thủ đoạn vốn được dùng đi dùng lại nhiều lần. Còn nhớ vụ việc vi phạm ở công ty Việt Á từng bị các đối tượng ra sức xuyên tạc thành cuộc đấu đá nội bộ của quan chức cấp cao. Việc bắt giữ những đối tượng lợi dụng “tự do, dân chủ” chống phá đất nước bị quy kết thành vi phạm nhân quyền. Việc khởi tố một số đối lượng lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để gây rối loạn trật tự xã hội bị quy kết thành “Nhà nước đàn áp tôn giáo”…Thế nhưng bản chất của mỗi vụ án không thể được quy kết vô tội vạ và phi lý như vậy, nó phải được làm rõ thông qua hành vi phạm tội, qua tang chứng, vật chứng cụ thể khiến cho các đối tượng phạm tội phải tâm phục, khẩu phục.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam từng nhìn nhận rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, chúng ta càng làm quyết liệt thì các đối tượng hải ngoại càng chống phá. Lý lẽ và sự thật đối với họ không quá quan trọng, bởi mục tiêu của các đối tượng này là hướng vào chống phá chế độ, chống phá Đảng, chống phá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của Đảng và phủ nhận thành quả của cuộc chiến chống tham nhũng. Cách làm thường thấy là họ đăng tải những thông tin thật – giả lẫn lộn, tạo dựng các chiến dịch truyền thông, triệt để khai thác thông tin lề trái, thông tin cũ, thông tin cắt ghép, giật tít, làm mới, “làm nóng” vấn đề để câu view; tổng hợp tin tức từ các báo chính thống sau đó tinh vi cài một phần thông tin xấu độc vào, tạo nên cái gọi là “tài liệu chứng minh” để tạo ra sự khách quan.
Thực tế, thành công của chiến dịch “ngoại giao vaccine” năm 2021 là một bằng chứng không thể chối cãi về tính hiệu quả bằng đường lối đối ngoại đa phương của Việt Nam. Cần biết là trong thời buổi dịch bệnh căng thẳng, khan hiếm vaccine, nhưng đã có vài chục quốc gia ủng hộ, viện trợ vaccine cho Việt Nam, trong đó có cả những cường quốc lớn nhất thế giới. Điều này chứng minh cho vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tầm vóc của mối quan hệ đối tác mà chúng ta đã xây dựng được với các quốc gia khác trong thời gian qua. Dù Điếu Cày có đưa ra bao nhiêu luận điệu xuyên tạc, diễn giải vô căn cứ vụ án ở Cục lãnh sự đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận được sự thật ấy.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò