Gần đây, Đài Á Châu tự do – RFA tung ra thông tin về việc một người nam giới tự thiêu tại TPHCM. Mặc dù, chưa biết thực hư của câu chuyện ra sao nhưng RFA vẫn gán ghép, quy chụp, đồn đoán và rêu rao nhiều luận điệu hướng lái tiêu cực.
Hôm 09/2, RFA đăng tải bài viết: “TPHCM: Một người dân tự thiêu nghi liên quan đến giải phóng mặt bằng”. Theo thông tin được RFA đưa ra, một người đàn ông có tên Văn Quốc Quang, sinh năm 1974 đã tự thiêu vào tối ngày 31/1 tại đường Bãi Sậy, Phường 1, Quận 6 dẫn đến tử vong. Nguyên nhân của sự việc được RFA đưa ra là do trước đó người này đã xảy ra cự cãi với cán bộ của phường về vấn đề hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng.
Tìm hiểu về vụ việc trên, có thể thấy chưa có một thông tin chính thức nào được đưa ra. Đến thời điểm hiện tại, tính thật – giả của thông tin vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, RFA cùng một số đối tượng “dân chủ” khác đang ráo riết lan truyền vụ việc kèm theo đó là các luận điệu hướng lái tiêu cực, đổ lỗi cho chính quyền.
Dễ dàng nhận thấy các thông tin xoay quanh vụ “tự thiêu” mà các “nhà dân chủ” đang rêu rao ở trên đang chứa đựng không ít mâu thuẫn, câu trước đá câu sau. Cụ thể, mạng xã hội xuất hiện nguồn tin của “người thân nạn nhân” cho rằng: “Hôm đó (29 Tháng Chạp âm lịch), ông Quang lên Ủy ban P.1 gặp lãnh đạo ở đây và có nói anh là cán bộ Nhà nước, làm cơ quan Nhà nước mà lại đi lừa tôi, ông nói ông hỗ trợ tôi, xuống nói tôi dọn đi mà đưa tôi có 13 triệu. Mà nói 13 triệu này là anh cho tôi nhưng thực sự chưa có đưa”. Ấy thế nhưng ngay sau đó, họ lại cho rằng: “Khi lên phường không rõ cự cãi như thế nào nhưng khi về ông Quang tự thiêu. Thời điểm ổng tự thiêu là khoảng 20h tối ngày 29 tết”. Lạ lùng thay! Vừa câu trước họ chắc như đinh đóng cột về câu chuyện của nạn nhân với cán bộ Phường. Ngay sau đó, họ lại ba phải tung tin hoả mù. Vậy đâu mới là thông tin chính xác?
Đây không phải là lần đầu tiên RFA và các “nhà dân chủ” đăng đàn chia sẻ về các vụ việc liên quan đến tự thiêu. Trước đó, hồi tháng 7/2021, không ít các trang mạng xã hội cũng từng đăng đàn về trường hợp một người tự thiêu tại đường số 2, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Và dĩ nhiên, các “nhà bình loạn” cũng nhanh chóng lồng ghép, hướng lái thông tin cho rằng “nguyên nhân là do phẫn uất với cách chống dịch Covid-19 tại TP.HCM”. Vậy nhưng sau đó, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và kết luận đây là tin giả. Ấy thế nhưng trước đó, không ít người đã bị “dắt mũi”, tiếp tay cho thông tin sai bằng cách tương tác, bấm like (thích), share (chia sẻ) bài viết.
Nhắc lại câu chuyện để thấy các trường hợp tự thiêu luôn được giới “dân chủ” chú ý, quan tâm một cách đặc biệt. Điều này cũng dễ hiểu bởi việc tự thiêu là điều hiếm xảy ra ở Việt Nam nên nó luôn nhận được sự theo dõi của dư luận. Kèm theo đó là sự tò mò của cộng đồng về việc điều gì là nguyên nhân của vấn đề này. Đây chính là miếng mồi béo bở để các “nhà dân chủ” nhào nặn, tô vẽ, đơm đặt thông tin. Từ đó, những kẻ này ra sức vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Quay lại với trường hợp được RFA cho rằng đã tự thiêu tại đường Bãi Sậy, Phường 1, thiết nghĩ cộng đồng cần hết sức bình tĩnh để thu thập, đánh giá thông tin. Như đã nói ở trên, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thống nào liên quan đến vụ việc. Tính đúng – sai của thông tin chưa được kết luận. Chính vì vậy, nếu chúng ta nhẹ dạ, cả tin vào các luận điệu được rêu rao trên mạng xã hội sẽ rất dễ bị “dắt mũi”, hướng lái sai trái. Với các trường hợp tử vong, nếu có dấu hiệu khuất tất, mờ ám hoặc bất thường thì các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ nguyên nhân tử vong. Trường hợp nếu có tội phạm xảy ra thì những người phạm tội sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc chúng ta mù quáng tiếp cận, tin tưởng vào các thông tin chưa rõ đúng – sai trên mạng xã hội, nhất là qua các “kênh truyền thông” được những đối tượng xấu, chống đối, thiếu thiện cảm với Việt Nam điều hành không giúp cho chúng ta tăng thêm hiểu biết. Điều này chỉ khiến tình hình trở nên nhiễu loạn. Vì vậy, mỗi người phải tự trang bị cho mình một lăng kính để sàng lọc thông tin, chủ động phát hiện, loại bỏ các thông tin sai trái, độc hại.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò