Nhà thơ Huyền Không – Hòa thượng Thích Mãn Giác từng viết dòng thơ “Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Tại Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Tuy nhiên, nhiều kẻ lại đang cố tình công kích, chống phá, xuyên tạc sự phát triển của phật giáo tại Việt Nam.
Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Ngay lập tức, các đối tượng cơ hội đã lợi dụng để đăng đàn xuyên tạc. Trên trang “Luật khoa tạp chí”, các đối tượng rêu rao rằng “40 năm Giáo hội phật giáo Việt Nam: 40 năm phật giáo độc quyền”. Trong bài viết, nhiều luận điệu phiến diện đã được đưa ra như: “Phật giáo Việt Nam là độc quyền của Nhà nước”, “độc quyền Phật giáo đánh mất sự đa dạng, ngăn cản tự do tôn giáo”, “độc quyền tôn giáo làm người dân không có sự lựa chọn trong sinh hoạt tôn giáo của mình, làm thui chột tính cạnh tranh các các hoạt động của phật giáo”, “trong 40 năm qua, giáo hội phật giáo Việt Nam đang đánh mất uy tín của mình”… Ngoài ra, trong bài viết được “Luât khoa tạp chí” đăng tải, các đối tượng cũng giành nhiều lời ca ngợi cho cái gọi là “Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất”.
Từ lâu “Luật khoa tạp chí” vẫn nổi tiếng là một “kênh truyền thông lề trái” khi liên tiếp đưa ra những thông tin sai trái, vô căn cứ, xuyên tạc về tình hình tại Việt Nam. Và dĩ nhiên, lần này cũng không phải là ngoại lệ. Những thông tin được rêu rao như trên là vô căn cứ, xuyên tạc, không thể chấp nhận.
Thứ nhất, phải khẳng định rõ Phật giáo Việt Nam nói riêng và tất cả các tôn giáo nói chung luôn được bảo đảm phát triển theo đúng quy định của pháp luật. Tôn giáo là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Ngược dòng lịch sử, ngày 4/11/1981, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 9 tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước gồm: (1) Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam, (2) Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, (3) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, (4) Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh, (5) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, (6) Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, (7) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, (8) Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ, (9) Hội Phật học Nam Việt. Kết thúc Đại hội, các tổ chức trên đã thống nhất quy tụ thành một mối, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của Phật giáo Việt Nam. Thực tế, dù theo hệ phái nào thì Phật giáo cũng luôn hướng con người ta hướng thiện. Cũng từ đây, Phật giáo Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh, tiếp tục đồng hành với sự phát triển của đất nước.
Trải qua 40 năm, Giáo hội phật giáo Việt Nam đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Đến nay, cả nước có 18.544 cơ sở tự viện, 54.169 tăng ni. Không chỉ phát triển trong nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được các Hội phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Đức, Hungary, Ucraina, Ba Lan, Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào … Trong mối quan hệ với Phật giáo thế giới, Phật giáo Việt Nam đã có mối liên hệ chặt chẽ, là thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn. Cùng với đó, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện Phật giáo quan trọng như Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008, 2014, 2019…
Việc các đối tượng vu khống Phật giáo Việt Nam “không có tự do”, “không có sự phát triển” là vô căn cứ, đi ngược lại thực tiễn, chà đạp niềm tin của hàng chục ngàn tăng ni, phật tử. Phải nói rõ, đây là hành động kỳ thị, báng bổ tôn giáo!
Thứ hai, đằng sau những lời lẽ kích động như trên là mưu đồ lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để chống phá đất nước. Nhắc đến tôn giáo là nhắc về niềm tin, tư tưởng, sự thành kính. Như Các Mác từng đề cập tôn giáo như sau: “Trái tim của một thế giới thiếu trái tim, là linh hồn của những hoàn cảnh thiếu linh hồn” (“Religion is the heart of the heartless world, the soul of the soulless conditions”). Có thể nói, tôn giáo là chỗ dựa về tinh thần cho mọi người. Chính vì vậy, các đối tượng chống phá liên tục lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền những thông tin, luận điệu sai trái, dẫn dắt tư tưởng, nhận thức của mọi người theo hướng tiêu cực, tạo cơ hội chống phá đất nước. Một mặt, những kẻ này lan truyền những “đạo lạ” vào cộng đồng. Mặt khác, họ xuyên tạc, kích động, phá vỡ mối đoàn kết giữa người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau và ngay trong nội bộ của từng tôn giáo.
Sở dĩ các đối tượng liên tiếp chĩa mũi nhọn công kích Phật giáo Việt Nam là bởi Phật giáo có số lượng tín đồ lớn, luôn đồng hành cùng dân tộc, phò trợ đất nước phát triển. Chính vì vậy, những kẻ xấu luôn tìm mọi cách chống phá, làm suy yếu Phật giáo chân chính. Từ đó, các đối tượng phát triển những hội nhóm, tăng đoàn giả danh Phật giáo để đánh lừa người dân, quy tập tín đồ, gây dựng lực lượng, dẫn dắt thực hiện các hành vi chống phá.
Bảo An
Nguồn: Cánh cò