Việc ông Lê Minh Hưng được bổ sung là Uỷ viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nâng số Thành viên của Ban Chỉ đạo này lên 18 người.
Ngày 23/11, theo tìm hiểu của PV, ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương đã được bổ sung là Uỷ viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh. Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ông Hưng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ rồi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Năm 2014, ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; từ năm 2016 đến 2020, ông giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vào tháng 10/2020, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Việc ông Lê Minh Hưng được bổ sung là Uỷ viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nâng số Thành viên của Ban Chỉ đạo này lên 18 người; trong đó có 11 Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, 7 Uỷ viên Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo là Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ngoài ra Ban Chỉ đạo còn có 5 Phó Trưởng Ban khác.
Vào ngày 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có cuộc họp để xem xét nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo (sửa đổi, bổ sung) và quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo (sửa đổi, bổ sung).
Trong phát biểu kết luận cuộc, Tổng Bí thư yêu cầu: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì các thành viên phải thật sự gương mẫu, thật sự là “thanh kiếm và lá chắn”. Kiếm phải sắc, lá chắn phải vững nhưng cái tâm phải trong sáng, đức phải tốt. Ban Chỉ đạo phải mẫu mực, công tâm, khách quan, trong sáng, vô tư, nắm luật pháp nhưng xử lý có tình có nghĩa.
Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần mới của Trung ương (Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị); phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Danh sách Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gồm:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo là Trưởng Ban Nội Chính trị Trung ương Phan Đình Trạc.
5 Phó Trưởng ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
11 Uỷ viên Ban Chỉ đạo: Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Minh Ngọc
Nguồn: Cánh cò