Quy định 41 là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý phải liên đới chịu trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị, cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Tác động vào ý thức người đứng đầu
Ngày 3/11, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Một trong những điểm mới nổi bật của Quy định 41 đó là căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, sẽ miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; Còn trường hợp xảy ra nghiêm trọng thì xem xét từ chức.
Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, việc ban hành Quy định số 41 là cần thiết để điều chỉnh những bất cập đang tồn tại, đồng thời bổ sung những điểm mới về công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can – giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà trong đó, trước hết thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức. Hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào vai trò, nhận thức, thái độ cũng như hành động của người đứng đầu.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác chống “giặc nội xâm” đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh nhiều lãnh đạo cao cấp với tinh thần tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tuy nhiên, có những nơi, những lúc vẫn còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho tham nhũng, tiêu cực.
Mặc dù trong các văn bản của Đảng và Nhà nước cũng đã quy định về trách nhiệm người đứng đầu, tuy nhiên việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chặt chẽ, nên có hiện tượng dung túng, cả nể, tạo kẽ hở để cấp dưới thực hiện điều không hay.
Do đó, trong Quy định 41 lần này đã xác định rõ về việc miễn nhiệm, từ chức đối với người đứng đầu liên quan đến trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Đây là nội dung rất quan trọng, thể hiện quyết tâm rất cao trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp.
“Khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì người đứng đầu không thể vô can. Thực tế đã có hiện tượng cấp trên bao che, dung túng cho cấp dưới, vì vậy, lần này chúng ta quy định chặt chẽ sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu cán bộ tự thấy mình không còn phù hợp với vị trí, phạm vào một trong các quy định thì nên từ nhiệm. Điều này đánh vào ý thức của người đứng đầu” – ông Ngô Thành Can cho biết.
Theo giảng viên cao cấp của Học viện Hành chính Quốc gia, Quy định của Bộ Chính trị khơi dậy lương tâm, đạo đức và trách nhiệm của người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có ý thức thực hành và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động liên quan đến sự quản lý, điều hành của mình. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện sai phạm kịp thời, đúng lúc, không để sai phạm xảy ra sau nhiều năm rồi mới quay lại nhìn nhận, đánh giá và xem xét xử lý.
Chủ động từ chức để bảo vệ danh dự
Nhấn mạnh thực tế có hiện tượng nể nang, xuê xoa, né tránh trong xử lý của người đứng đầu, đại biểu Nguyễn Tạo – đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, với việc sửa đổi, bổ sung Quy định 41 cho thấy vai trò, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được đề cao, phải liên đới chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của tổ chức, đơn vị, cấp dưới quyền mà mình quản lý.
“Có sự nể nang, xuê xoa cho nhau hoặc trong nhóm lợi ích thì họ bảo vệ nhau, gắn với mối quan hệ “một người làm quan cả họ được nhờ”, bố trí những vị trí quan trọng của địa phương, của ngành cho những người họ hàng, thân quen của mình. Diễn biến bao che, xuê xoa xuất hiện ở nhiều trạng thái khác nhau, ở nhiều hoàn cảnh, vụ việc, trường hợp khác nhau. Do đó, chúng ta phải đồng hành với chính sách của Đảng về đổi mới, đột phá, đồng thời cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cần rõ ràng, chặt chẽ trong từng trường hợp thì khi xử lý sẽ dễ dàng hơn”.
Ông Nguyễn Tạo nói như vậy và nhấn mạnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về ngành, lĩnh vực mà mình quản lý. Vì vậy, khi có vấn đề xảy ra thì họ không thể đứng ngoài cuộc. Nếu là người có văn hóa thì nên chủ động từ chức khi thấy mình không còn đủ năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý điều hành, cũng như không còn đủ sự tín nhiệm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức phân công. Việc chủ động này là để bảo vệ danh dự, đạo đức của người cán bộ trước khi tổ chức tiến hành miễn nhiệm.
Đại biểu đoàn Lâm Đồng cho rằng, từ chức là hành vi văn hóa. Ở nhiều nước trên thế giới, cán bộ thường chủ động từ chức khi thấy xấu hổ về hành vi của mình, hành vi của những người thân của mình hoặc là trong công tác điều hành, quản lý nếu xét thấy bản thân liên đới trách nhiệm thì họ sẽ từ nhiệm để đơn vị, tổ chức bố trí nhân sự mới phù hợp hơn.
Đức Anh
Nguồn: Cánh cò