Theo khảo sát Công ty khởi nghiệp về thương mại điện tử, có nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda vừa công bố, với việc TP Hồ Chí Minh, cùng nhiều địa phương trên cả nước nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, dần quay về cuộc sống “bình thường mới”, đã cho phép du khách kỳ vọng về thời điểm du lịch quốc tế sớm được phép trở lại.
Cụ thể, du khách mong muốn du lịch ở các quốc gia châu Á và trên thế giới sẽ bắt đầu khởi động sau 6 tháng tới, nhưng vẫn duy trì một số biện pháp bảo vệ sức khỏe tại điểm du lịch để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Dự báo mở cửa thị trường
Các khảo sát của Agoda phổ biến được thực hiện dựa trên lợi thế sở hữu nền tảng trực tuyến với mạng lưới toàn cầu, gồm hơn 2,9 triệu chỗ nghỉ tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Kết quả khảo sát lần này của Agoda chỉ ra rằng, du khách Việt Nam có xu hướng lựa chọn du lịch quốc tế tại những nước thuộc khu vực châu Á trong thời gian tới. Cụ thể, có 52% người tham gia khảo sát thuộc nhóm 45–54 tuổi lạc quan cho hay khi được phép đi lại trong châu Á, họ sẽ không gặp bất kỳ hạn chế đi lại nào; còn ở nhóm người 25–34 tuổi là 38%.
Theo khảo sát, có khoảng khoảng 27% người tham gia khảo sát dự báo việc mở cửa hoàn toàn biên giới của Việt Nam chỉ có thể bắt đầu từ cuối năm nay và 20% cho rằng việc mở cửa với khách quốc tế sẽ khả thi vào khoảng tháng 6/2022. Trong khi đó, có 19% người tham gia khảo sát nghĩ rằng việc việc mở cửa hoàn toàn biên giới sẽ có thể thực hiện được vào thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài trong khoảng hai năm qua, nhưng Lữ hành Saigontourist vẫn duy trì gần như nguyên vẹn bộ máy hoạt động tại hệ thống 24 văn phòng và 18 chi nhánh trên cả nước, với hơn 900 nhân sự luôn đoàn kết, trọn vẹn ngọn lửa đam mê, gắn bó với nghề và luôn vững tin vào sự trở lại của ngành du lịch.
Hiện tại, Lữ hành Saigontourist vận hành đội ngũ nhân sự hoạt động trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh du lịch quốc tế (Inbound), du lịch ra nước ngoài (Outbound) và du lịch nội địa dành cho khách du lịch cá nhân, khách hàng doanh nghiệp… Lữ hành Saigontourist cũng tiếp tục xác định chất lượng dịch vụ chính là yếu tố tiên quyết và tạo nên sự khác biệt trong nhận diện thương hiệu Lữ hành Saigontourist đối với khách hàng.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá du lịch quốc tế là lĩnh vực kinh doanh trọng tâm, khi họ có những ưu thế vượt trội về kinh nghiệm phục vụ tour tuyến, dịch vụ và đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp. Những đơn vị này, xem du lịch quốc tế là một trong những thế mạnh hàng đầu theo các đường hàng không, đường biển và đường bộ. Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết chặt chẽ với đa dạng đối tác địa phương trong tổ chức sản phẩm mới, tuyến tour phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Riêng ở góc độ người tiêu dùng, chị Hoàng Anh, ngụ tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nếu việc đặt tour du lịch trong và ngoài nước cũng thuận tiện như mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên kênh thương mại điện tử thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng lựa chọn hành trình, giá cả hơn. Ngoài ra, trong hành trình du lịch, du khách được hỗ trợ thông qua ứng dụng di động sẽ không cảm thấy mất thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người và đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hơn là những phương thức truyền thống từ trước đến nay.
Hướng đến “hộ chiếu di động”
Hiện nay, yêu cầu chuyển đổi số, đặt dịch vụ và mua sắm qua ứng dụng di động đã trở thành một xu thế tất yếu đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã thúc đẩy thay đổi thói quen của du khách theo hướng ưu tiên mua tour, đặt dịch vụ du lịch trên kênh kinh doanh trực tuyến (online), ứng dụng di động… để tìm kiếm sự thuận tiện tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Một số chuyên gia phân tích, lý do ứng dụng di động ngày càng phổ biến, sử dụng phổ biến hơn là do bên cạnh sự thuận tiện, còn có nhiều ưu đãi và khuyến mãi tốt hơn.
Du khách cũng dễ dàng khám phá các gợi ý và ý tưởng du lịch để lên kế hoạch, dự trù chi phí cho chuyến đi của bản thân, gia đình… Hơn thế nữa, chiếc điện thoại di động của du khách đã dần dần trở thành “hộ chiếu di động”, với việc tích hợp thông tin tiêm chủng vaccine, xét nghiệm COVID-19… Các ứng dụng di động có thể thay thế hàng loạt hoạt động tương tác trực tiếp tại những điểm đến, đại lý du lịch hoặc biên giới quốc gia, giúp du khách tiết kiệm thời gian trong khâu thực hiện thủ tục trên hành trình du lịch.
Khi chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh trong ngành du lịch toàn cầu, cũng như tại Việt Nam, không chỉ các chuyên gia mà du khách cũng hy vọng có nhiều dịch vụ du lịch được ứng dụng di động đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường hơn. Vì vậy, những thương hiệu hoạt động trong ngành du lịch nên nhanh chóng bắt kịp xu hướng và đầu tư ứng dụng di động trong hoạt động doanh nghiệp, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách mới nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Công ty Traveloka Việt Nam trong kế hoạch chuyển đổi số ngành du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch “không chạm” và triển khai những chiến dịch giới thiệu sản phẩm du lịch đến với khách du lịch trong và ngoài nước; thực hiện hoạt động marketing, sản xuất clips và ấn phẩm quảng bá các điểm đến du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), mặc dù du lịch quốc tế khó có thể phục hồi như mức trước đại dịch cho đến năm 2023, nhưng ngành công nghiệp không khói này phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ tiêm chủng phòng ngừa dịch COVID-19. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước, đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo hoạt động.
Trong đó, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đẩy mạnh thiết kế, xây dựng sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới. Song song đó, ngành du lịch thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp tục thêm nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ để sớm phục hồi và phát triển cả thị trường du lịch nội địa lẫn quốc tế trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Tin tức