Trang chủ Chính trị “Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính

207
0

Trang Sputnik của Nga vừa có bài viết nói về “vũ khí ngoại giao” đặc biệt của lãnh đạo Việt Nam – tinh thần ngoại giao lấy nhân dân làm gốc, “trong nhu có cương”, với lập trường vừa là bạn bè đối tác tin cậy, nhưng trước hết vẫn phải đảm bảo đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Sputnik, chưa bao giờ Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lúc gặp nhiều lãnh đạo thế giới và đối thoại với hàng loạt tổ chức, thể chế kinh tế, chính trị, thương mại đầu tư, năng lượng hàng đầu thế giới như chuyến công du Anh, Pháp, dự COP26 lần này.

Trong chuyến công du lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có loạt cuộc gặp với lãnh đạo nhiều nước bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh trước khi lên đường sang Pháp.

Thủ tướng Nhật muốn thăm Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kể từ khi vị cựu Ngoại trưởng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do năm 2021 và đã được Nghị viện bầu làm Thủ tướng vào ngày 4/10/2021.

Tại cuộc gặp ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng Thủ tướng Kishida Fumio được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do và Thủ tướng Nhật Bản.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Ông Phạm Minh Chính cảm ơn Nhật Bản hỗ trợ hàng triệu liều vaccine Covid-19 kịp thời cho Việt Nam thời gian qua và đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phòng chống hiệu quả dịch bệnh. Hơn nữa, Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Nhật Bản kiểm soát tốt Covid-19 và chính sách xây dựng “vòng tuần hoàn tốt giữa tăng trưởng và phân phối” nhằm duy trì phát triển của Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh.

Về quan hệ kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên mở cửa thị trường cho một số loại nông sản, hoa quả của nhau: “Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất”.

Về phần mình, phát biểu với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Kishida Fumio bày tỏ cảm tình đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản mong sớm thăm Việt Nam, đề nghị hai nước phối hợp duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh.

Ông Kishida Fumio khẳng định luôn quan tâm đến cộng đồng 400 nghìn người Việt hiện đang sinh sống, làm việc ở Nhật Bản, tiếp tục tạo thuận lợi cho sinh viên, thực tập sinh Việt Nam quay trở lại Nhật Bản, nhất là tăng thêm nhiều lao động tay nghề cao, ủng hộ đề xuất của Việt Nam về việc mở cửa thị trường cho một số loại nông sản.

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Nhật Bản cảm ơn và mong muốn Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Về các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, lãnh đạo hai Chính phủ khẳng định “có tiếng nói chung” liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của duy trì hoà bình ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.Đồng thời, lãnh đạo hai nước nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Hai bên nhất trí sớm thu xếp các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản, theo Sputnik.

Ấn Độ rất coi trọng Việt Nam

Cũng tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Theo Sputnik, tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Narendra Modi đã chia sẻ những tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời bày tỏ hài lòng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày nay đang phát triển trên cả 5 trụ cột chính trị-ngoại giao, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy tiếp xúc các cấp qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Nhân dân, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ năm 2022 và tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh.

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Đối với lĩnh vực kinh tế – thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất với Thủ tướng Modi các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đầu tư song phương, trong đó có việc giảm thiểu các rào cản thương mại và bảo hộ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam như nhãn, chôm chôm, sầu riêng vào thị trường Ấn Độ, trang Sputnik viết.

Nhà lãnh đạo Modi cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, tăng cường hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch bệnh, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư. Đặc biệt, Thủ tướng Modi đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sớm thăm chính thức Ấn Độ.

Anh luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

Trong cuộc hội kiến với Thái tử kế vị Vương Quốc Anh Charles, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thái tử Charles đã bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh, cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam với Hoàng gia Anh trong gần 50 năm từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thái tử Vương Quốc Anh Charles Philip Arthur George.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dù là nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, kinh tế còn khó khăn nhưng Việt Nam vẫn cam kết nỗ lực giảm phát thải ròng về “0”, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường Trái Đất.

Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát huy vai trò đối tác công tư, cũng như về thể chế, tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam triển khai các chương trình, dự án chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp để đạt được mục tiểu trên.

Theo Sputnik, Thái tử Charles cho biết ông đánh giá cao và cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp tại Hội nghị COP26 nói riêng và cho nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu nói chung.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có cuộc gặp gỡ với Hoàng tử Sabah Al-Khaled Al-Hamad Al-Sabah, Thủ tướng Kuwait, chuyện trò cùng Thủ tướng Ireland Micheal Martin và Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về chống biến đổi khí hậu John Kerry – người bạn cũ của Việt Nam.

Bên lề COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có cuộc gặp với Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi.

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thái tử Vương Quốc Anh Charles Philip Arthur George.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy bản sắc ngoại giao của Việt Nam

Theo Sputnik, chuyến thăm và làm việc tại Anh vừa qua của nhà lãnh đạo Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn với việc chứng kiến 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao của các bộ, ngành và doanh nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trị giá hàng tỷ USD, mà còn cho thấy đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa mang đậm bản sắc Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá cao về cam kết giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch, mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, không đánh đổi môi trường, tiến bộ xã hội lấy chỉ số tăng trưởng, đồng thời, tất cả các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao thế giới Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Australia, Scotland, Ấn Độ…đều giúp tăng cường hình ảnh, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Khác với chính quyền Trung Quốc với phong cách ngoại giao “chiến lang” được nhắc nhiều thời gian gần đây. Vũ khí ngoại giao của Việt Nam đặc biệt ở chỗ, dung hòa được thế đối đầu cạnh tranh giữa các cường quốc lớn và vị thế địa chính trị của Việt Nam, theo Sputnik.

“Vũ khí ngoại giao” của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cũng như các lãnh đạo khác của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nỗ lực không chỉ mang về cho đất nước những bản hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, triển vọng tiềm năng hợp tác lâu dài phục vụ quá trình hội nhập, mà còn giúp tạo dựng niềm tin vững chắc nơi bạn bè, cộng đồng quốc tế vào một Việt Nam kiên cường, năng động, không ngại bất cứ khó khăn thử thách nào, đất nước đang vươn mình mạnh mẽ, sẵn sàng mở cửa với thế giới nhưng vẫn luôn đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Theo Sputnik, bản sắc ngoại giao Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện rất rõ. Đó là lối ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “kiên quyết, kiên trì”, “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “cương nhu kết hợp”, “khoan hòa, linh hoạt” biến đổi thích nghi tùy vào đối tác và thời điểm. Những gì mà lãnh đạo Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thể hiện trong chuyến đi này không chỉ phục vụ mục đích chính trị, bảo toàn thể diện quốc gia, phát triển kinh tế, mà còn góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, tiến bộ của thế giới.

Bảo Trâm (Theo Sputnik)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây