Xung quanh vấn đề quy hoạch nhiệt điện than tại Việt Nam, một số đối tượng xấu núp dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường đã tung ra các báo cáo, nhận định, đánh giá, kiến nghị vô căn cứ nhằm mục đích gây nhiễu loạn dư luận.
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Anh nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường đã được thảo luận. Theo thông báo, tại Hội nghị COP26, các lãnh đạo thế giới đạt “cam kết thay đổi cục diện” về việc cắt giảm khí thải methane nhằm bảo vệ trái đất khỏi sự biến đổi khí hậu. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm của Việt Nam là sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Bắt sóng” sự kiện COP26, không ít đối tượng xấu đã móc nối, bình luận, hướng lái tiêu cực vấn đề biến đổi khí hậu với câu chuyện phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam. Trong một bài viết mới đăng tải có tiêu đề “Từ hội nghị COP26 đến nhiệt điện than của Việt Nam”, Việt Tân tung ra luận điệu rằng việc quy hoạch nhiệt điện than tại Việt Nam là “đẩy đất nước đi ngược với xu thế tiến bộ của thế giới và lún sâu hơn nữa vào gọng kềm của Trung Quốc”, “khoa học quy hoạch ngành điện đất nước mình ngộ quá phải không các bạn?”…
Liên quan đến vấn đề phát triển các nguồn năng lượng tại Việt Nam, những “chiếc lưỡi có gai” vẫn liên tục đay nghiến, đả phá, xuyên tạc. Không chỉ với nhiệt điện than mà với các hình thức sản xuất điện khác cũng từng hứng chịu không ít “gạch đá”. Đơn cử: Với thuỷ điện, các đối tượng tung ra nhận định cho rằng việc xây dựng các hồ thuỷ điện là phá huỷ môi trường sinh thái, là nguyên nhân khiến cho thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Với dự án phát triển điện hạt nhân, họ lại rêu rao điều này không an toàn, có thể xảy ra rò rỉ chất phóng xạ, tạo thành thảm hoạ. Với điện mặt trời, họ cho rằng việc xử lý các tấm pin năng lượng khi hết thời gian sử dụng là khó khăn, sẽ tạo ra việc ô nhiễm môi trường. Với điện gió, họ lại rêu rao việc các turbin hoạt động sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn, tạo ra tần số rung gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hay như với việc tái chế rác thải làm nhiên liệu cho nhà máy điện, các đối tượng cũng rêu rao điều này gia tăng phát sinh khí thải, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân…
Đúng là lạ kỳ! Việc phát triển loại hình năng lượng nào cũng gặp phải sự phản đối, công kích của các “nhà sinh thái”, “nhà bảo vệ môi trường”. Thế mới thấy, “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”. Thông qua lăng kính, nhận định chủ quan của các đối tượng xấu, mọi thứ đều bị bẻ cong, biến tướng, trở thành “con ngáo ộp” để hù doạ mọi người.
Chúng ta cần hiểu rõ, bất cứ loại hình sản xuất điện nào cũng tồn tại mặt tích cực và hạn chế. Vấn đề là chúng ta quy hoạch, phát triển ra sao để nó phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đưa ra. Mặt khác, việc phát triển các loại hình năng lượng cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển. Vì vậy, không thể một sớm một chiều để thay đổi định hướng phát triển năng lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của quốc gia.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta dễ dàng thấy được các đối tượng xấu đang cố tình dựng chuyện, cho rằng việc phát triển điện than là “lún sâu hơn nữa vào gọng kềm của Trung Quốc”. Đây là một luận điệu phi lý và cực kỳ khôi hài. Việc Việt Nam phát triển điện than hay bất cứ loại hình điện nào khác đâu có quan hệ gì với Trung Quốc. Việt Nam phát triển các loại hình sản xuất điện là để bảo đảm an ninh năng lượng. Chỉ khi nào Việt Nam không tự chủ được năng lượng điện, chịu sự chi phối hoàn toàn từ phía Trung Quốc thì khi đó các “nhà bình loạn” mới có cớ để vu khống Việt Nam lệ thuộc.
Xin nhắc lại, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Việt Nam luôn ý thức được vai trò của vấn đề bảo vệ môi trường. Ngay tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam đã đưa ra cam kết: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″.
Bảo An
Nguồn: Cánh cò