Trang chủ Luận bàn - Phản biện Luận điệu tấn công bí mật nhà nước

Luận điệu tấn công bí mật nhà nước

188
0

Bất cứ quốc gia nào cũng có những thông tin mang tính bí mật để phục vụ yêu cầu quản lý, phát triển đất nước. Ấy thế nhưng khi Việt Nam ban hành danh mục các thông tin thuộc phạm vi bí mật thì các đối tượng xấu lại tô vẽ tiêu cực, tiến hành công kích, đả phá.

Luận điệu tấn công bí mật nhà nước

Những thông tin bí mật nhà nước vẫn luôn là đối tượng được các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị ra sức thu thập. Thông qua đó, các đối tượng tìm cách hướng lái, can thiệp, tác động đến công việc nội bộ của Việt Nam. Mặt khác, từ những thông tin mật này, các đối tượng có thể móc nối, cài cắm “tay chân” vào nội bộ, hình thành mầm mống chống phá ngay trong các cơ quan nhà nước.

Dĩ nhiên, mong muốn của các đối tượng là thế nhưng để đạt được không phải dễ dàng. Việt Nam vẫn luôn siết chặt công tác quản lý bí mật nhà nước. Trong đó, ngày 03/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Sau một năm Quyết định số 1722 được ban hành, các đối tượng xấu vẫn tiếp diễn các hoạt động công kích, hướng lái. Trong một bài viết được Tiếng Dân news đăng tải ký tên Trương Nhân Tuấn với tiêu đề “Một năm sau quyết định về danh mục bí mật độ tuyệt mật của đảng có hiệu lực…”, nhiều luận điệu phi lý, độc hại, sai trái đã được tung ra. Các đối tượng bao biện rằng, “Quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật của đảng đã khóa miệng tất cả”, “quy định về bí mật nhà nước là vi hiến”, “Đảng cộng sản chỉ là một đảng, không có quyền giữ bí mật nhà nước”…

Về vấn đề bí mật nhà nước, cần hiểu rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, không chỉ với Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều tồn tại các thông tin bí mật. Tuỳ vào từng điều kiện chính trị – xã hội cụ thể mà các quốc gia xây dựng cho mình những danh mục bí mật nhà nước với các cấp độ khác nhau. Quy định về bảo vệ bí mật nhà nước là để bảo vệ những thông tin nhạy cảm, chưa được công khai. Nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Và ở chiều ngược lại, việc thu thập thông tin tình báo, bí mật nhà nước của quốc gia khác cũng được nhiều nước thực hiện. Chắc hẳn cái tên CIA không còn xa lạ gì với mọi người. Đây là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ – một trong những cơ quan tình báo khét tiếng nhất thế giới. Hay như ở Anh, cơ quan tình báo có mật hiệu MI-5 và MI-6; ở Canada có CSIS; ở Nga có SVR; ở Trung Quốc có MSS… Việc bảo vệ bí mật nhà nước và việc thu thập bí mật nhà nước của quốc gia khác là hai mặt trong cùng một vấn đề. Nói điều này để thấy, việc Việt Nam ban hành danh mục bí mật nhà nước cũng là điều hiển nhiên, phù hợp.

Thứ hai, bí mật nhà nước không phải để “khoá miệng”, “bịt miệng” của người dân như luận điệu độc hại được rêu rao. Nếu như theo lập luận của các “nhà bình luận” thì phải chăng tất cả các nước trên thế giới đều đang “bịt miệng” người dân bằng các thông tin mật? Tôi xin nhấn mạnh, thông tin bí mật nhà nước là những thông tin chưa được công khai nhưng không có nghĩa là nó không được công khai. Thông tin mật sẽ được giải mật khi hết thời hạn được quy định hoặc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập, hợp tác quốc tế. Nói tóm lại, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước là để bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thứ ba, về nội dung các đối tượng vu khống việc ban hành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của Đảng là vi Hiến, xin nói thẳng, đây là luận điệu lộng ngôn, xảo trá và vô căn cứ. Tại Việt Nam, Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng – Nhà nước – Nhân dân đã kết hợp thành một chỉnh thể không thể tách rời. Để lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chiến lược, quyết sách quan trọng. Trong đó, có nhiều không tin nhạy cảm, nếu công bố sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Do vậy, việc quy định danh mục bí mật nhà nước của Đảng là điều cần thiết.

Thông tin bí mật nhà nước có ở tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá, xã hội đến ngoại giao… Thời gian qua, không ít thông tin bí mật nhà nước đã bị lộ, lọt và bị các thế lực thù địch, phản động, chống phá sử dụng vào mục đích xấu. Vì vậy, việc tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc.

Bảo An 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây