Chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đáp xuống sân bay Orly, thủ đô Paris lúc 13h30 ngày 3-11 giờ địa phương (19h30 giờ Việt Nam), bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Chuyến thăm chính thức Pháp diễn ra sau khi Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, dự Hội nghị COP26.
Ngay khi đến Paris, Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác tới công viên Montreau đặt vòng hoa bên tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng nhớ Người.
Dự kiến khoảng 17h chiều (khoảng 23h giờ Hà Nội), Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex chủ trì lễ đón trang trọng Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác.
Cũng chiều tối nay, Thủ tướng sẽ đến chào xã giao và trao đổi với chủ tịch Thượng viện Pháp.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết các nhà lãnh đạo Pháp trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua khiến các chuyến thăm cấp cao chưa được thực hiện.
Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến một quốc gia châu Âu.
Pháp đón tiếp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với nghi thức lễ tân cao nhất. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng diễn ra từ 3-11 đến 5-11.
“Nội dung quan trọng các nhà lãnh đạo của chúng tôi cùng thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính là việc thúc đẩy thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) trên tất cả các nội dung đã được ký kết. Pháp – Việt là đối tác chiến lược quan trọng thực sự, chứ không chỉ trên câu chữ” – đại sứ Nicolas nói.
Trong khuôn khổ chuyến thăm có các dự án viện trợ được ký kết chính thức, như dự án mở rộng đập thủy điện Hòa Bình, dự án chống ngập úng tại khu vực Điện Biên Phủ, dự án kết nối mạng điện quốc gia từ các trạm phát điện bởi nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời…
Ngài đại sứ Warnery cũng cho biết Pháp và Việt Nam đang nỗ lực để có thể vận hành tuyến metro Nhổn – Thủ Lệ trong năm 2022; các thỏa thuận công nhận bằng cấp đại học của nhau cũng sẽ được ký kết.
Đại sứ Nicolas trông đợi việc hợp tác giáo dục này sẽ khích lệ thêm nhiều sinh viên Việt Nam đến Pháp du học. Đồng thời, việc tìm hiểu và hợp tác y tế cũng là nội dung hai bên đều quan tâm.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký kết và trao đổi văn bản thỏa thuận hợp tác kinh tế giá trị hàng tỉ USD của các tập đoàn lớn như Vingroup, Vietjet… với các đối tác nước ngoài; dự các diễn đàn, tọa đàm doanh nghiệp, tiếp doanh nghiệp tiêu biểu.
Trong hơn hai ngày thăm Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến có các cuộc thăm và hội kiến với tổng giám đốc UNESCO, tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF, tổng thư ký Tổ chức Hợp tác kinh tế OECD, giám đốc điều hành chương trình COVAX, làm việc với một số chính đảng Pháp, gặp các hội, đoàn hữu nghị Pháp – Việt, đồng bào Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp, cán bộ và nhân viên đại sứ quán.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò