Chiều 28/10, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 14 năm 2021. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp; nhưng giải thưởng năm nay tiếp tục có một vụ mùa bội thu.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.
Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên: Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, KTS Hoàng Đạo Kính và Nhà báo Lê Xuân Thành – Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa.
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp; nhưng giải thưởng năm nay tiếp tục có một vụ mùa bội thu. Từ 35 “ứng viên” ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử chính thức của Giải thưởng năm nay vào ngày 5/10/2021, gồm 11 đề cử, trong đó có đề cử “Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội”.
Nhận “Giải thưởng Lớn” nhờ cống hiến xuất sắc cho âm nhạc Thủ đô
Theo quy chế của giải: “Mỗi năm, chỉ có duy nhất 1 đề cử Giải thưởng Lớn được công bố để trao giải”. Đây là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, được trao hàng năm cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình”.
Trải qua 13 mùa giải, đã có những tên tuổi sau được nhận Giải thưởng Lớn: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), và gần đây nhất, năm 2020 là nhạc sĩ Phú Quang. Rất nhiều những cái tên trong danh sách Giải thưởng Lớn đã hoặc hy vọng tới đây sẽ trở thành Công dân Thủ đô Ưu tú.
Bởi ý nghĩa trọng đại đó, mà “Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội” được xem xét, cân nhắc từ một danh sách gồm 12 tên tuổi lớn.
Kết quả, Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội lần 14 – 2021 được trao cho nhạc sĩ Hồng Đăng vì đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như “Hoa sữa”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”…
Quê gốc Yên Thành, Nghệ An, “ông đồ xứ Nghệ” Hồng Đăng ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 – dưới đũa chỉ huy của nhà chỉ huy Nguyễn Hữu Hiếu.
Cũng là sông Hồng, bên cạnh tác phẩm vạm vỡ nói trên, lại là một ca khúc mảnh mai xinh xắn Người sông Hồng: “Tôi yêu con sông, yêu từ thưở nhỏ, sông dài uốn mình, vắt ngang thành phố, những chiều tháng năm, con sông nắng chói… Người của sông Hồng dù đi đến đâu vẫn nhớ nhịp cầu Thăng Long yêu dấu…”.
Ông đã ý nhị giải thích cho quá trình Hà Nội hóa của người bốn phương bằng ca khúc Duyên Hà Nội: “Dù từ xa về, hay ở quanh đây, một sớm một chiều, em đã thành người Hà Nội. Những bước đầu tiên, ngập ngừng bối rối”.
Ông đã sống gắn bó cùng thành phố cả những năm tháng Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ca khúc Tiếng hát trên pháo đài thành phố được viết ra từ những tháng ngày khói lửa ấy: “Những bước đường hôm nay dù còn bao nhiêu gian khó/ Những khúc tình ca như vẫn còn ngân trên mỗi góc phố/ Hoa phượng vẫn nở đỏ trên những con đường quen/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào ấm áp mỗi đêm đêm…”.
Có lẽ “Hoa sữa” là ca khúc tình yêu đã được gạn chắt từ những giai điệu trên. Ca khúc này được ông viết trong nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau Tháng Chạp “Điện Biên Phủ trên không”.
Nhưng như nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới vốn là ca khúc trong phim, Hoa sữa đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ.
Ở “Hoa sữa” là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa. Còn ở Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thì thiên nhiên đã ùa chật vào ba lô của người lên đường ra mặt trận biên giới. Giai điệu của Hồng Đăng đã làm thổn thức những con tim trai trẻ không cách gì kìm nổi: “Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên”. Đây là tiếng ve của tuổi thơ thành phố, tuổi thơ Hà Nội.
Dâng hiến của Hồng Đăng với tình yêu Hà Nội không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà ông còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Hình như số phận đã rất gắn bó ông với sông Hồng từ thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm nên bây giờ tư gia của ông ở gần kề ngay bên bờ hữu ngạn sông Hồng, tựa lưng vào con đê gần cửa Hàm Tử. Đã qua tuổi bát thập gần tới “cửu tuần”, ông tuy đã yếu dần theo quy luật nhưng vẫn ung dung tự tại như ngày nào viết Hành khúc bình minh dành cho buổi phát thanh nhạc thể dục của Đài Tiếng nói Việt Nam mỗi sớm của một thời xa lắc. Tâm hồn ông vẫn trẻ trung như Hà Nội ngàn năm.
Những giải thưởng xứng đáng
Cùng với “Giải thưởng lớn”, BTC cũng đã chọn ra những giải thưởng rất xứng đáng ở mỗi hạng mục.
Giải “Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội” đã được trao cho Triển lãm ảnh và cuốn sách Hà Nội 1967 – 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Được tổ chức vào tháng 10/2020, triển lãm ảnh Hà Nội 1967 – 1975 do Viện Goethe Việt Nam, Camera Work, Manzi Art Space tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Cùng với triển lãm, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành.
Từ năm 1967 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.
130 bức ảnh màu và đen trắng đã được tuyển chọn và in sách với tiêu chí chỉ tập trung vào đời sống chân thật nhất, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh qua con mắt của một nhiếp ảnh gia nước ngoài, cụ thể là 3 serie: Hà Nội đời thường, Trẻ em thời chiến và Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.
Từ Đức, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chia sẻ: “Thật không may, tôi đã không thể đến tham dự triển lãm vì đại dịch Covid-19. Cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975 này đã được xuất bản để đồng hành với cuộc triển lãm. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất trong sự nghiệp của tôi về mặt thiết kế và chất lượng. Tôi cũng rất hài lòng với lời tựa tuyệt vời của nhà thơ Đỗ Phấn, người đã biến những bức ảnh của tôi thành lời rất đẹp. Giải thưởng tuyệt vời này không chỉ là một sự tôn vinh cho tôi, cho nhiếp ảnh của tôi mà còn cho các nhà thiết kế cuốn sách, nhà xuất bản, phòng trưng bày Berlin, Camera Work của tôi, Viện Goethe tại Việt Nam, tất cả những người có liên quan và đã thực hiện dự án này”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây Thomas Billhardt nhớ lại: “Việt Nam đã cuốn hút tôi ngay từ đầu. Sự dịu dàng của con người, âm nhạc nhẹ nhàng và tất cả những điều đáng yêu đó tương phản với ý chí mạnh mẽ và sự khô cứng của con người trong thời chiến. Văn hóa, tình yêu thơ ca và ẩm thực tuyệt vời đã nhanh chóng khiến tôi trở thành một người bạn và một người ngưỡng mộ Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên này được thể hiện lặp đi lặp lại trong tất cả các chuyến đi của tôi”.
Giải “Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội” được trao cho hai đề cử bằng phiếu: Đó là “Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của TP Hà Nội và sự phối hợp với các ban ngành liên quan và đề xuất “Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh” do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.
Giải “Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội” được trao cho “Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch COVID-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch”.
Nguồn: Báo Tin tức