Trang chủ Luận bàn - Phản biện Việt Nam Thời Báo nên đọc lại Nghị quyết 128

Việt Nam Thời Báo nên đọc lại Nghị quyết 128

181
0

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP (NQ128) để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu kép vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội. Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nghị định ra đời bước đầu đã tạo thuận lợi cho đời sống người dân, được Nhân dân nhiệt tình ủng hộ, đơn cử là đã có hàng nghìn người dân từ các tỉnh Tây Nguyên quay trở lại các tỉnh phía Nam để tiếp tục làm việc. Ngay một trang mạng có thói quen “ném đá hội nghị” như Việt Nam Thời Báo dù rất tức tối nhưng cũng phải công nhận sự thật này, dù rằng vẫn cố vớt vát bằng vài thông tin nhạt nhẽo.

Việt Nam Thời Báo nên đọc lại Nghị quyết 128
Hàng nghìn người dân từ các tỉnh Tây Nguyên quay trở lại các tỉnh phía Nam để tiếp tục làm việc.

Nghị quyết 128 là một bước tiến để thích ứng với tình hình mới trên phương châm “sống chung an toàn với dịch bệnh”, giúp người dân đi lại thoải mái, hàng hóa lưu thông thuận tiện hơn, chính Việt Nam Thời Báo cũng phải công nhận như vậy. Cần hiểu rõ, đây là một chính sách giúp nới lỏng giãn cách, nhưng vẫn phải trên tinh thần bảo đảm tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, đó mới là yếu tố quan trọng nhất. Trọng tâm của Nghị quyết này là việc phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch để đưa ra các biện pháp áp dụng phù hợp, trong đó điều 2, mục III ghi rõ “Đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.” Điều 4 mục III cũng nói thêm: “a) Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; b) Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.” Như vậy việc xác định cấp độ dịch để đưa ra các biện pháp tương ứng là do UBND mỗi tỉnh, thành phố quyết định.

Vậy mà mới đây, Việt Nam Thời Báo lại “dẫn lời” một nhân vật tự xưng là “nhà báo” phát ngôn như sau: “Nghị quyết 128 ban hành, đã có hướng dẫn, nhưng mỗi tỉnh lại thực hiện mỗi khác nhau, thực sự là gây hoang mang”. Không biết nhân vật này đã đọc chữ nào trong NQ128 chưa, hay là chỉ đọc cái tiêu đề rồi “hoang mang”? “Nhà báo” này lại tiếp tục than thở: “Muốn lên Bình Dương nhưng không rõ có yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính không, có người bảo hay cứ làm sẵn giấy xét nghiệm cho chắc ăn thì lại lo “sức khỏe lỗ mũi”… Kế đó, vị này rêu rao “đi xét nghiệm và lấy giấy xác nhận âm tính là không đúng NQ128”, kèm theo những câu từ xúc phạm: “Việc tốn một khoản tiền cho công tác xét nghiệm COVID-19 để đi đường là một điều vừa tốn kém, vừa vi phạm pháp luật”. Không đọc một chữ nào trong Nghị quyết 128 nhưng lại lấy dẫn chứng như đúng rồi kèm theo những phân tích kiểu trẻ con, thật không biết nói gì với “nhà báo” này nữa.

Việt Nam Thời Báo nên đọc lại Nghị quyết 128
Luận điệu xuyên tạc của Việt Nam Thời Báo.

Để có vẻ “uy tín” hơn, Việt Nam Thời Báo lại dẫn lời một người khác tự xưng là “luật sư” rằng: “Tự do đi lại là quyền cơ bản của người dân, là nhân quyền. Tui không vi phạm pháp luật, không bị tòa án đưa ra quyết định hạn chế quyền đi lại, anh không thể vì lý do này lý do nọ để ngăn cản tui tự do lưu thông trên đường ở Việt Nam. Cho dù người đó là Phó Thủ tướng đi nữa. Nhớ rằng, Việt Nam chưa bao giờ ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia, điều đó đồng nghĩa anh không có quyền giới hạn quyền tự do đi lại của tui”.

Xin thưa “luật sư”, có vẻ như ông chưa từng đọc Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Điều 14 của Hiến pháp quy định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, bên cạnh việc khẳng định công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp cũng trù liệu khả năng hạn chế quyền con người, quyền công dân trong một số trường hợp nhất định, trong đó có việc đảm bảo sức khỏe của cộng đồng. Dịch COVID-19 có phải là trường hợp liên quan đến “sức khỏe của cộng đồng” hay không, thưa “luật sư”?

Dịch bệnh đã gây ra quá nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội, cần phải biết những quy định và biện pháp quản lý đưa ra là để bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân, như người Việt Nam có câu “còn người là còn của”. Vậy mà có vẻ Việt Nam Thời Báo cố tình coi các biện pháp chống dịch của Việt Nam là “trói buộc người dân, cần cởi trói nếu không thì người dân sẽ hoang mang, lo lắng”. Thật là một suy nghĩ quái đản, không thể hiểu nổi.

Nghị quyết 128 đã là một cố gắng lớn của Chính phủ để bảo đảm đời sống cho người dân trong tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn luôn lắng nghe các tiếng nói phản biện để có thể tiếp tục tháo gỡ thêm các khó khăn, tạo thêm thuận lợi cho người dân làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, Chính phủ chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận kiểu “góp ý” xấc xược như: “Không biết rằng, khi gửi câu hỏi cũng như phản ánh, liệu rằng, sẽ thật sự được giải quyết triệt để hay không khi trong Chính phủ, luôn có một người rất thích xét nghiệm – cách ly tập trung, tựa như luôn theo chủ trương “zero COVID” lỗi thời vậy…” Khi những kẻ chống phá luôn coi những chủ trương vì dân như “zero COVID”, xét nghiệm – cách ly, những thứ đã từng giúp Việt Nam trở thành hình mẫu chống dịch thành công được cả thế giới ngưỡng mộ, là “lỗi thời”, “vớ vẩn” thì thiết nghĩ việc họ ngậm miệng lại sẽ làm thế giới tốt đẹp hơn.

An Diễm


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây