Trang chủ Tin tức Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' – Bài 1: Xây...

Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' – Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lại

139
0

Diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước đang từng bước được kiểm soát, nhiều địa phương bắt đầu triển khai lộ trình khôi phục ngành du lịch theo hướng thích ứng an toàn.

Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lạiDu lịch TP Hồ Chí Minh đang hồi phục với các tour du lịch tri ân lực lượng tuyến đầu đã tham gia chống dịch tại địa bàn từ 3-4 tháng qua. 

“1 cung đường – 2 điểm đến”

Sau các đợt dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ngành du lịch gần như “đóng băng”. Tuy nhiên, để từng bước mở lại thị trường du lịch nội địa, các doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã chọn các đường “tour xanh” để đưa khách trở lại.

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Quảng Bình đã thí điểm tour du lịch trọn gói “1 cung đường – 2 điểm đến”. Từ “đốm lửa” này, các doanh nghiệp lữ hành cũng mạnh dạn chuẩn bị kết nối với các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh để “nhóm lửa” cho ngành du lịch khôi phục trở lại. 

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tình hình dịch bệnh tại địa phương cơ bản đã được kiểm soát. Để tạo yên tâm và thoải mái cho du khách trở lại Quảng Bình ngay khi làn sóng dịch bệnh tạm lắng, tỉnh đã ngay lập tức mở cửa và khôi phục du lịch theo hình thức tour trọn gói “1 cung đường – 2 điểm đến”.

Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lạiHiện nay, du khách đi du lịch phải tuân thủ các quy định phòng dịch như: đeo khẩu trang, tiêm 2 mũi vaccine…

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản khung về khôi phục vụ du lịch trong trạng thái bình thường mới cùng với các hướng dẫn an toàn y tế theo tinh thần của Chính phủ. “Tour du lịch trọn gói theo “đường tour xanh” đang được Quảng Bình triển khai do công ty Oxallis thực hiện. Tất cả du khách đi tour này đều phải có “thẻ xanh COVID-19″ và  nếu từng là F0, phải có giấy chứng nhận khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Trên suốt hành trình du lịch, du khách phải tuân thủ các quy định phòng dịch của ngành y tế…”, ông Hồ An Phong cho biết thêm.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cho biết, tỉnh vừa gỡ bỏ quy định cách ly đối với du khách đến Huế. Theo đó, hành khách đi máy bay đến Huế sẽ không bị cách ly nếu đủ điều kiện. Hiện nay, đã có 3 chuyến bay đến Huế, khách có thể đăng ký lưu trú dịch vụ nếu không có điều kiện theo dõi tại nơi cư trú.

Vừa qua, du lịch Thừa Thiên Huế vẫn hoạt động nhưng chủ yếu đón khách nội tỉnh. Với các quy định  4 mức độ an toàn vừa được ban hành tạm thời theo Nghị quyết 128 của Chính phủ như: xanh, vàng, cam, đỏ, tỉnh đang xem xét để áp dụng sao cho linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Dựa vào quy định này, tỉnh cũng đã kết nối du lịch lại với các tỉnh, thành trên cả nước với điều kiện ưu tiên chọn đường tour xanh, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến tỉnh du lịch. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Thùy Giang, trước mắt các tỉnh, thành vẫn cần tăng tốc phủ vaccine, trước hết là cho lực lượng phục vụ trong ngành du lịch, dịch vụ và người dân ở điểm đến. Các điểm đến cũng cần đẩy nhanh hoàn thành thẻ QR liên thông quốc gia. Về lâu dài, cần một lộ trình liên kết liên vùng cụ thể giữa các tỉnh, thành để chuẩn bị các kịch bản ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. 

Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lạiCác tỉnh, thành phố muốn tăng độ phủ vaccine để mở cửa ngành du lịch. 

Tương tự, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh rất quan tâm phục hồi du lịch nhưng cũng phải đáp ứng và phù hợp với thực tiễn của địa phương trong phòng chống dịch. Chúng tôi sẽ mở cửa nếu tỉ lệ tiêm phủ vaccine đạt cao, hiện việc tiêm vaccine tại tinh chỉ mới đạt 33%. Do đó, việc phục hồi kinh tế, trong đó có du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm ngừa vaccine cho người dân và người làm ngành du lịch. 

“Sắp tới, để mở cửa ngành du lịch, chúng tôi sẽ tập trung phủ vaccine, nhất là ở Hội An và các điểm đến đặc trưng khác của tỉnh để thu hút du khách đến du lịch. Trước mắt, tỉnh sẽ liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành lân cận như Đà Nẵng, Huế và TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để tổ chức khai thác du lịch nội địa an toàn, tiến tới tháng 12 sẽ mở cửa cho du khách cả nước đến Quảng Nam. Đối với khách quốc tế, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho khách nước ngoài về nhập cảnh, nới lỏng cho khách tiêm 2 mũi vaccine hoặc khách đã khỏi bệnh được đến tỉnh du lịch”, ông Lê Trí Thanh nói.

Áp dụng tiêu chí “Hàng không xanh”

Nắm giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách của mảng du lịch, hiện nay ngành hàng không đã triển khai tiêu chí “Hàng không xanh” để phát triển du lịch bền vững. Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng phòng vận tải Hàng không – Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để có tiêu chí “Hàng không xanh” ngành đã có sự chuẩn bị trước cả năm. Theo đó, tất cả các chuyến bay đi, đến đều có quy định cụ thể về tổ bay, tàu bay trước, trong và sau chuyến bay. Tất cả cảng đều khẳng định là “xanh”, khi khách khi bước vào cảng đã được kiểm soát chặt chẽ về dịch cho đến khi ra. Với sự kiểm soát chặt chẽ, kể cả sự ra vào của taxi, hàng không sẵn sàng cho các chuyến bay. 

Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lạiNgành hàng không đang áp dụng tiêu chí “Hàng không xanh”. Ảnh tư liệu CTV

Ông Vũ Hồng Quang cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đã có bước triển khai cho giai đoạn sau thí điểm với đúng tính chất bay thương mại, điều kiện nới rộng hơn với mọi đối tượng người dân. Sau đó, tiếp tục mở rộng nhiều đường bay để đối tượng khách đa dạng hơn. Vừa qua, các địa phương và doanh nghiệp cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không trong việc duy trì mức tối thiểu nhất các hoạt động hàng không, từng bước khôi phục lại ngành du lịch ở các tỉnh, thành trong cả nước”. 

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines cho biết: “Để đồng hành cùng ngành du lịch, chúng tôi đã có sự chuẩn bị và duy trì độ sẵn sàng của máy bay theo tiêu chuẩn quốc tế. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn bỏ nguồn lực lớn triển khai phương pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới”.

Hiện nay, Vietnam Airlines là hãng thứ 13 trên thế giới đạt chứng chỉ 5 sao về an toàn phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Vừa qua, đơn vị cũng đã làm việc với các địa phương để chuẩn bị cho việc phục hồi các đường bay. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đơn vị đã ký hợp tác với 16 tỉnh, sắp tới có thêm Đồng Nai. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đề xuất khi các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour, tuyến cần có tiêu chí chung với điều kiện điểm đến phải xanh. 

Theo khảo sát của Vietnam Airlines, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đa số hành khách vẫn đi du lịch biển, sau đó là đến vùng núi cao, ngoài ra du khách sẵn sàng đi những điểm mới khai phá, ít người biết để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì vậy, Vietnam Airlines với các công ty du lịch đã triển khai thí điểm tour Côn Đảo – Hồ Tràm cùng với các đơn vị lữ hành Saigontourist, Vingroup, Sungroup… để có thể kéo du khách trở lại trong điều kiện có dịch bệnh. 

 Nhìn nhận ngành du lịch đang hồi phục trong điều kiện mới, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết. Vì vậy, câu chuyện khôi phục lại ngành du lịch cũng được bàn thảo nhiều nhất trong các cuộc họp gần đây của ngành. Theo đó, muốn khôi phục lại ngành du lịch, các tỉnh thành phố trên cả nước cần có cái “bắt tay” thật chặt trong việc liên kết đưa khách đi và đến các tỉnh, thành phố khác nhau trong điều kiện có dịch bệnh. 

Ngoài ra, theo ông Hà Văn Siêu, hiện tình hình dịch bệnh đã tạm lắng tại các địa phương, vì vậy nhiều nơi cũng đã rục rịch mở cửa nền kinh tế, trong đó tiên phong là mở cửa dần ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch là ngành có tính liên kết cao, dễ bị tổn thương… Vì vậy, các cơ quan quản lý, các địa phương khi liên kết khôi phục lại ngành du lịch cần có sự đồng bộ, thống nhất để ban hành các tiêu chí mới an toàn với dịch và hướng đến sự phát triển du lịch bền vững hơn. 

Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, 2 năm 2020-2021 doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2020 có gần 400/2.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Năm 2021, doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách cũng không nằm ngoài tác động, thiệt hại này.

Đối với lĩnh vực lưu trú, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm 2021 dưới 10%, đặc biệt những nơi trung tâm du lịch công suất rất thấp. Từ năm 2021, số hoạt động của doanh nghiệp này chỉ chiếm 25% so với 2020; lao động tạm nghỉ việc, lao động cầm chừng, chỉ chiếm 10% làm khách sạn. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng…

Bài cuối: Nỗ lực “phá băng” để phục hồi bền vững

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lại

Khôi phục du lịch trong ‘bình thường mới’ – Bài cuối: Nỗ lực ‘phá băng’ để phục hồi bền vững

Theo các doanh nghiệp lữ hành, đây là lúc cần kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp để “phá băng”, phục hồi và phát triển ngành du lịch bền vững. Trong đó, ngoài việc tập trung đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch nội địa, các tỉnh, thành phố cũng chuẩn bị mở cửa việc đón khách quốc tế trở lại.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây