Những tín hiệu tích cực từ việc mở lại các tour đến “vùng xanh” trên địa bàn đã giúp các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh mạnh dạn chuẩn bị mở các tour liên tuyến, liên tỉnh, từ đó đã tạo đà cho ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khôi phục trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch COVID-19.
Nối lại tour du lịch đến Tây Ninh
Ngày 14/10, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19” do Báo Người lao động tổ chức, nhiều ý kiến của các đơn vị, sở ngành trên cả nước vẫn tập trung vào việc cần đẩy nhanh việc kết nối các tour liên tuyến đến “vùng xanh” (vùng an toàn) để có thêm điều kiện khôi phục lại ngành du lịch sau một thời gian dài “đóng băng”.
Ngành du lịch đang khôi phục mạnh mẽ tại các điểm đến “vùng xanh”, vùng an toàn.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, vừa qua, Thành phố đã tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm tại 2 “vùng xanh” là Cần Giờ và Củ Chi cho lực lượng y tế để tri ân, cũng như tái khởi động lại ngành du lịch đã trải qua nhiều tháng “đóng băng”. Sau thành công trên, dự kiến ngày 16/10, Tây Ninh sẽ thí điểm mở cửa đón du khách TP Hồ Chí Minh tham quan liên tuyến “du lịch xanh” Củ Chi – núi Bà Đen.
“Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên mà TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình du lịch liên kết theo hình thức khép kín để nối lại tour du lịch liên tuyến. Sau tháng 11, tùy tình hình dịch bệnh giữa 2 địa phương sẽ có những tính toán phù hợp để việc mở cửa du lịch giữa 2 tỉnh mạnh mẽ hơn. Dự kiến tuần sau, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục xúc tiến du lịch với các tỉnh miền Trung để nối lại các đường tour du lịch trước kia bị đóng băng do dịch bệnh”, bà Phan Thị Thắng nói.
Du khách đi tham quan tại TP Hồ Chí Minh đều phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và chỉ du lịch đến các vùng an toàn như Cần Giờ, Củ Chi.
Đồng tình với việc TP Hồ Chí Minh mở dần liên kết du lịch đến các “vùng xanh”, vùng an toàn ở các tỉnh thành, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, ngay khi TP Hồ Chí Minh chuẩn bị trở lại cuộc sống bình thường mới, đơn vị cũng đã bắt tay vào việc khôi phục lại mảng dịch vụ du lịch, khách sạn bằng việc tổ chức hàng loạt tour du lịch đến “vùng xanh” Cần Giờ, Củ Chi dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Đơn vị cũng đã chuẩn bị tour du lịch đi từ TP Hồ Chí Minh đến Tây Ninh. Hiện nay, cả TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh đều có đủ điều kiện để sẵn sàng mở cửa du lịch. Tiêu chí đón khách vẫn là “an toàn đến đâu mở cửa đến đó” và “mở cửa thì phải an toàn”. “Đơn vị cũng có hệ thống liên kết với 40 tỉnh, thành trong giai đoạn trước đó nên việc tái khởi động lại ngành du lịch đến các “vùng xanh”, vùng an toàn ở các tỉnh, thành phố cũng rất thuận lợi”, ông Võ Anh Tài nói.
Trước khi lên và xuống xe, du khách luôn tuân thủ với việc sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách…
Tương tự, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho biết, Vietravel hoạt động trên cả 2 lĩnh vực hàng không và du lịch, trong đó hãng hàng không Vietravel Airlines vừa mới thành lập không lâu nên chịu thiệt hại nặng nề. Sức ép từ thị trường “đóng băng” hoàn toàn, duy trì nhân sự… nhưng công ty vẫn chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi, trong đó có quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch xanh, phù hợp tình hình mới. Từ đầu tháng 10, đã xuất hiện tín hiệu tích cực ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khi Chính phủ đã thay đổi quan điểm từ chiến dịch “Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn, nên TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã bắt đầu mở lại các tour du lịch liên kết liên vùng.
“Mới đây, công ty vừa có buổi họp trực tuyến về việc xây dựng kế hoạch và phát triển sản phẩm du lịch đến Hà Giang. Tour du lịch này sẽ được triển khai ngay khi các tỉnh, thành phía Bắc cho phép đón khách TP Hồ Chí Minh trở lại. Hiện nay, đa số các địa phương chỉ dừng lại ở việc mở cửa nội thành, nội tỉnh, nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Vì vậy, khi điều kiện cho phép, các tỉnh cần thống nhất các tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay để du khách và doanh nghiệp lữ hành có thể hồi phục nhanh chóng trong điều kiện mới”, ông Trần Đoàn Thế Duy nói.
Các cơ sở lưu trú đã sẵn sàng
Là đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống lưu trú đang chờ đón khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc khối SHG (Sun Hospitality Group) cho biết, ngay trong giai đoạn giãn cách, đơn vị đã tranh thủ lập chiến dịch “phủ áo mới” cho các cơ sở nghỉ dưỡng để chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế đến với Việt Nam.
Với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine COVID-19 đến Phú Quốc, đơn vị đã khai trương một resort mới với hơn 1.300 phòng và một khách sạn khác với quy trình phối hợp cùng chính quyền địa phương cho việc sẵn sàng đón khách bay charter (thuê bao nguyên chuyến) khi các điều kiện về an toàn dịch bệnh cho phép.
Ngày 13/10, trên 100 y, bác sĩ tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã có trải nghiệm đáng nhớ tại huyện Củ Chi.
Trong khi đó, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng cho biết, Vingroup có Vinpearl hoạt động trong lĩnh vực nghỉ dưỡng với 45 cơ sở lưu trú, khách sạn 5 sao và trung tâm vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, đơn vị hoàn toàn sẵn sàng đón khách trở lại với hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn, đảm bảo an toàn và các nhân viên cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 để mở cửa hoạt động trở lại bất kể khi nào.
“Ngoài ra, do hoạt động trong điều kiện có dịch bệnh nên Vingroup liên tục nâng cao trải nghiệm của du khách, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc đặt phòng khách sạn, lưu trú… Cụ thể, đơn vị đã cho ra mắt ứng dụng quản gia thông minh, hỏi đáp thông tin nhà hàng, cập nhật thông báo giúp khách tiện lợi, hạn chế tiếp xúc khi du khách đến các điểm lưu trú. Mặt khác, Vingroup cũng đang chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để đón khách du lịch trở lại như: tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển ở các điểm du lịch biển như Nha Trang, Phú Quốc…”, ông Lê Khắc Tiệp nói.
Các cơ sở lưu trú trên cả nước đã sẵn sàng đón du khách quay trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều sẵn sàng cho việc trở lại thông qua việc tuân thủ, đáp ứng những tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch đối với du khách, người làm du lịch. “Tuy nhiên, điều doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là sự đồng bộ trong áp dụng bộ tiêu chí an toàn, quy định đưa đón khách, nhất là liên quan đến việc cách ly người đến từ các địa phương khác”, ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
“Du lịch có yếu tố mùa và dịp cuối năm là cơ hội rất lớn để đón khách, tạo đà cho ngành du lịch hồi phục. Vì vậy, doanh nghiệp có kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ cũng cần có quy trình rõ ràng, nhất quán trong việc đón khách giữa các địa phương, cụ thể là việc khách du lịch ở TP Hồ Chí Minh có thể tới các điểm đến khác trên cả nước và ngược lại. Sau khi chấp hành giãn cách xã hội hơn 4 tháng thì nhu cầu đi du lịch của du khách TP Hồ Chí Minh rất lớn và họ sẵn sàng đi trở lại nếu đáp ứng yêu cầu về an toàn và thuận lợi trong di chuyển, không phải cách ly khi đi du lịch đến các tỉnh, thành trên cả nước”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm.
Hiện nay, khách du lịch muốn đến Phú Quốc cần phải có “thẻ xanh COVID-19”.
Theo bà Phan Thị Thắng, đối với việc liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thành, tuần trước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục làm việc với lãnh đạo các địa phương để hỗ trợ thông tin với các tỉnh, thành phố cùng nhau “bắt tay” đón du khách trong điều kiện mới.
Thực tế, TP Hồ Chí Minh đã có đủ điều kiện để đón du khách từ các tỉnh thành đến như: có trên 96% người dân TP Hồ Chí Minh đã tiêm mũi 1, người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 2 đạt khoảng 74% và các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định an toàn của Bộ Y tế… Tuy nhiên, khi đi du lịch các tỉnh, du khách TP Hồ Chí Minh vẫn mong có tâm lý thoải mái để có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi bên người thân và gia đình khi đi du lịch.
TP Hồ Chí Minh khôi phục ngành du lịch từ các tour tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Liên quan đến việc kích hoạt trở lại ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, các doanh nghiệp, đơn vị, sở ngành và các tỉnh cần tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản phục hồi ngành du lịch bài bản, cụ thể theo từng tình huống. Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi đó là cơ sở phát triển lại ngành du lịch theo hướng an toàn, các điểm đến an toàn. Đẩy mạnh khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của du khách từng tỉnh, thành khi khởi động du lịch với các sản phẩm gần gũi thiên nhiên…
Tiếp đến, Chính phủ cùng đồng hành với doanh nghiệp trong các chính sách cởi mở, tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khôi phục như có thể giảm tiền ký quỹ, có gói tín dụng giúp doanh nghiệp du lịch dễ tiếp cận…; các doanh nghiệp cần xem xét, ổn định nguồn nhân lực lao động sau thời gian giãn cách để không bị đứt gãy khi bắt tay vào khôi phục ngành.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng số hóa, ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc và là hướng đi mới trong tương lai của ngành du lịch khi xác định “sống chung với dịch bệnh” trong điều kiện mới.
Đối với việc đón khách liên tỉnh, liên tuyến, trong giai đoạn từ 2019-2020, Thành phố đã có liên kết với hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước nên việc kết nối lại các đường tour liên tỉnh cũng có nhiều thuận lợi hơn. Hiện nay, các địa phương cũng đang rà soát chọn điểm đến là các “vùng xanh” để kết nối tour, tuyến khi ngành du lịch được kết nối liên tỉnh, liên vùng, đáp ứng nhu cầu của du khách và ngành du lịch lại có thêm cơ hội phục hồi nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Tin tức