Hàng loạt các nghệ sĩ quyên góp từ thiện, cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào miền Trung từ “công chúa lũ lụt”, “hoàng tử trấn ở cổng thành”, “anh thợ hớt tóc không chuyên”, “chị khàn bán bún đậu mắm tôm”, cho đến “Zang Kim Cúc” – bà chủ shop “mai táng 0 đồng” đều sử dụng mọi chiêu trò để né tránh việc sao kê cho minh bạch. Tại sao lên tiếng kêu gọi quyên góp thì mạnh miệng nhưng lại rụt rè khi công bố khoảng thu, chi? Hay sao kê chính là “tử huyệt” của chính họ?
Khi ngày càng có nhiều chứng cứ, nghi vấn đặt ra với các khoản kêu gọi từ thiện nhưng không minh bạch của các “chủ tài khoản” thì niềm tin người dân càng thêm hao mòn. Vì sao việc sao kê, minh bạch từ thiện rất dễ dàng nhưng có người thì sao kê che đầu giấu đuôi trưng ra bảng sao kê chấp vá “cho có” với thiên hạ; có người mạnh miệng tuyên bố “không có nhiệm vụ giải trình”, người thì hứa hẹn sau đó “lật kèo” thách thức cộng đồng “tiền vào tài khoản Cúc là của Cúc. Cúc muốn chi thế nào là quyền của Cúc”.
Phải chăng họ không dám sao kê vì sợ sẽ lộ ra số tiền kêu gọi quyên góp được nhiều hơn số đã công bố rất nhiều lần. Hay là, nguồn tiền nhận được từ tổ chức mờ ám nào đó núp bóng dưới danh nghĩa “từ thiện” tuồng về?
Cả hai yếu tố trên đều có cơ sở khi chính bà chủ shop mai táng 0 đồng “Zang Kim Cúc” luôn kêu than hết tiền quỹ nhưng lần lượt lộ các khoản tiền khủng “yên vị” trong tài khoản lúc thì 16 tỷ đồng, lúc thì gần 36 tỷ. Chưa kể số lượng những người được nhận “5 triệu đồng” từ quỹ của họ “Zang” tên Cúc chỉ chưa bằng 1/3 trong số mà Cúc kê lên, công bố trước các nhà hảo tâm đã trót tin mà chuyển tiền cho bà chủ shop “mai táng”.
Chưa đầy 2 tháng dấn thân vào lĩnh vực “Mai táng 0 đồng”, Cúc cầm trong tay 2 quyển sổ đỏ và hàng loạt các giấy tay mua đất, chồng tiền cọc chưa sang tên. Bất kể tiền chi cho hoạt động mai táng từ xe cấp cứu, container lạnh, băng vệ sinh…. tất tần tật Cúc đều có % huê hồng “thặng dư” chuyển vào tài khoản sau đó. Đó là chưa tính đến tiền USD, có đợt cả chục ngàn USD được chuyển về – chỉ Cúc biết rõ nó đến từ đâu, từ ai và được gửi gấm sứ mệnh gì! Làm sao chủ tài khoản này dám sao kê, chứ đừng nói gì đến minh bạch – đàng hoàng.
Có lẽ hai chữ “Từ thiện” đem đến quá nhiều lợi ích mà “Cô Zang” còn vẽ ra hàng tá chuyện, để quyên góp “niềm tin” thu tiền từ chính những người nhẹ dạ, mù mờ kiến thức. Không chỉ kêu gọi tiền cho “Mai táng 0 đồng”, luôn để số tài khoản ghim lên đầu trang mạng xã hội cá nhân, “Cô Zang” còn nỉ non mọi người hãy chuyển tiền cho mình làm các công trình tôn giáo xây tháp cho một ngôi chùa mặc dù ông Thầy trụ trì cơ sở tôn giáo ấy chưa có một giấy phép, cơ quan chức năng chưa hề hay biết, quan trọng hơn là Giáo hội chưa có chủ trương. Vậy nguồn tiền mà “Cô Zang” kêu gọi ấy, nếu tháp không xây thì hàng tỷ đồng sẽ đi đâu về đâu, hay bay vào túi “Cô Zang”?
Nguồn tiền minh bạch là điều mà tất cả người dân muốn biết. Người nhận càng muốn biết mạnh thường quân cho mình bao nhiêu, được người quyên góp đưa bao nhiêu, có đúng với số tiền xứng đáng được nhận hay đã bị “cắt xén” đi 1/2 mất rồi. Hơn nữa, người dân thuộc đối tượng nhận hỗ trợ cũng muốn biết mình nhận tiền từ đâu, từ ai và có sự “mang ơn” ràng buộc nào không. Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt các “điểm nóng” gióng lên hồi chuông cảnh báo khi thành viên tổ chức phản động dưới danh nghĩa từ thiện “tặng tiền” cho người có hoàn cảnh khó, sau đó chiêu dụ để trở thành thành viên của tổ chức, hoạt động chống phá và cuối cùng trở thành “con cờ”, rơi vào tù tội.
Theo dõi diễn biến an ninh trật tự tại Việt Nam, chẳng ai lạ gì với việc tổ chức phản động Việt Tân núp bóng từ thiện chuyển tiền về nước. Đối tượng Nguyễn Thúy Hạnh từng lập ra quỹ “50K” nhân danh “hỗ trợ chia sẻ” cho người có hoàn cảnh khó khăn nhưng thật chất là duy trì hoạt động nhằm tài trợ, cổ vũ những kẻ bất đồng chính kiến, chống phá chính quyền của nhân dân. Rồi trong những bức hình hiếm hoi được các đối tượng nhân danh “hỗ trợ nhân đạo” gia đình Lê Đình Kình, ai cũng thấy bà Dư Thị Thành, vợ ông Kình nhận cọc tiền “rõ dày” từ các đối tượng nằm trong top các tổ chức thường xuyên chống phá chính quyền Việt Nam. Cái ác đã ẩn mình tinh vi dưới danh nghĩa, tấm khăn che của hai chữ “Từ thiện”.
Bản chất của “từ thiện” mang ý nghĩa rất nhân văn, là tình thương – tinh thần tương thân tương ái giúp người đang khắc khổ vượt qua khó khăn. Từ thiện là việc làm thiện tâm, cho không vụ lợi, không cần ghi ơn – báo đáp.
Với ý nghĩa nhân văn của từ thiện như vậy, không thể chấp nhận được khi ngày hôm nay đã nhen nhóm lên những sự kiện mà cộng đồng đặt tên “nghề từ thiện”, “start-up mùa lũ, mùa dịch thành công” – những ngôn từ nghe rất đau lòng. Càng không thể để những cá nhân núp bóng từ thiện để thực hiện các ý đồ đen tối, trục lợi trên chính nỗi đau, sự thiếu kiến thức của người dân nhẹ dạ, cả tin.
Rất mong chờ hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng, làm rõ những hoài nghi trong nhân dân, để vực dậy niềm tin và trả lại cho hai chữ “Từ thiện” về đúng vị trí, ý nghĩa của nó, mà thời gian qua đã bị những kẻ đội lốt đánh cắp, trục lợi, làm đau lòng không ít người.
Thái Thanh
Nguồn: Cánh cò