TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã cơ bản chặn đứng làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Chỉ trong vài giờ đồng hồ nữa thôi, các lực lượng hỗ trợ đến tuyến đầu TP.HCM sẽ trở về Hà Nội để tiếp tục với công tác mới. Trong thời khắc này hay mai sau, người dân TP.HCM sẽ mãi không bao giờ quên những hình ảnh, tình cảm thắm thiết và những hy sinh đầy trân quý mà đội ngũ y bác sĩ, quân đội, công an chi viện cho thành phố này.
Trong lúc TP.HCM trở thành tâm dịch, ca bệnh bùng phát dữ dội, người dân TP.HCM đứng trước nhiều khó khăn, bệnh viện quá tải và nhân lực phục vụ cho tuyến đầu thiếu hụt trầm trọng. Thì thông tin cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ tại Thủ đô viện trợ cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam như những ngọn đuốc thắp lên trong đêm. Không chỉ đơn thuần là giúp tăng thêm nguồn nhân lực cho tuyến đầu, tiếp sức đồng đội tại TP.HCM mà còn là tinh thần tương thân, xả thân và hy sinh cao cả.
Người dân TP.HCM sẽ không bao giờ quên hình ảnh bác sĩ quân y Hà Nội chi viện, bất kể là ngày hay đêm, khi dân cần đều ôm những bình ôxy chạy đua thời gian, leo lên những bậc thang cao vút ở tầng 3, tầng 4 để kịp thời cứu các bệnh nhân F0. Sẽ không thể quên hình ảnh y bác sỹ và các bạn sinh viên trường Y chi viện, phải trú mưa hàng giờ dưới hiên nhà trong quá trình thực hiện truy vết F0, hỗ trợ y tế phường chống dịch. Và rất nhiều hình ảnh y bác sĩ lã người đi trong bộ trang phục bảo hộ vì nhiều giờ liền cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân.
Những ngày dịch dã khốc liệt đó, khi thân nhân gia đình cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ chi viện mất – những bàn thờ vọng được lập nên ngay giữa bệnh viện dã chiến. Nỗi đau mất người thân là vô biên nhưng liền sau đó họ gác lại, vì bệnh nhân đang chờ cứu chữa phía trước. Vợ đi hỗ trợ TP.HCM chống dịch, đám cưới online được tổ chức giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, những khoảnh khắc đó ai thấy cũng thương. Hình ảnh lan tỏa đủ để mọi người nhắc nhau, đằng sau những ca bệnh được chữa lành là biết bao sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ ở tuyến đầu, với trái tim từ mẫu.
Người dân TP.HCM cũng sẽ không bao giờ quên hình ảnh các chiến sĩ công an và quân đội trực chiến đêm ngày ở các chốt chặn kiểm soát dịch, đi chợ giúp dân, vận chuyển túi an sinh xã hội đến với từng người dân. Ở một hành trình đặc biệt, các chiến sĩ ấy là lực lượng tiên phong đưa tro cốt người không may mắn qua đời vì Covid được về với gia đình, hương khói ấm áp bên người thân. Nghĩa tử là nghĩa tận, ở cuối chặng đường của kiếp người, trong chính lúc dịch bệnh khốc liệt nhiều khổ đau thì chính các chiến sĩ đã trở thành “người đưa tiễn”, giúp người mất an nghỉ và người ở lại an ủi, ấm lòng.
Dịch bệnh êm lắng và bắt đầu được kiểm soát, các chiến sĩ ấy từ quân đội đến công an vẫn dấn thân, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng dẫn đường và hỗ trợ người dân được trở về quê nhà. Đặc biệt, trước làn sóng người dân tự phát mong muốn về quê, hình ảnh lực lượng tuyến đầu “chịu trận”, kiên nhẫn tuyên truyền mong người dân hợp tác để xử lý vấn đề ổn thỏa nhất, tránh dịch bùng phát – tất cả những nỗ lực ấy, người dân xin cảm ơn và nhớ mãi. Những hình ảnh chiến sĩ gồng mình chống dịch, tất cả vì nhân dân nên góc nào cũng chạm vào lòng người bằng sự yêu thương và để lại nhiều tình cảm tốt đẹp.
Để nói lời cảm ơn và tri ân với lực lượng y bác sĩ, chiến sĩ đã hỗ trợ, đến với TP.HCM trong lúc ngặt nghèo nhất, giúp TP bước qua những ngày khốc liệt thì có lẽ không một ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn, chỉ có thể hiểu nhau bằng tấm lòng. Trong buổi lễ tri ân, tuyên dương và chia tay đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào sáng 8-10, nhiều lần Bí thư Nguyễn Văn Nên đã xúc động khi bày tỏ lòng biết ơn với các lực lượng chi viện cho TP phòng, chống dịch hơn 100 ngày qua.
“Các đoàn chi viện đã đến với TP.HCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh. Những cống hiến thầm lặng của các lực lượng đã góp phần quan trọng giúp TP làm nên kết quả trong công tác phòng chống dịch…. Xin được gọi hai tiếng ân nhân” – chia sẻ của Bí thư TP.HCM gói trọn trong đó lòng biết ơn chân thành. Mà đã là “ân nhân” thì xin khắc cốt ghi tâm và nhớ mãi. Cổ nhân cũng đã dạy, một trong những điều con người ta không thể quên là người đến với mình trong lúc khó khăn nhất.
Dịch bệnh khốc liệt nhưng sau tất cả, dù khốc liệt và nguy hại đến cỡ nào cũng không thể cuốn đi tình người, không thể trở thành hàng rào ngăn cách người Việt đến với nhau. Đại dịch đã đến, hiện hữu và chắc chắn sẽ chóng qua đi, nhưng dù ở diễn biến nào, thì tình người luôn là yếu tố vẫn sẽ còn mãi ở lại. Tất cả đều được ghi nhận qua từng hình ảnh, đóng góp, hy sinh mà tất cả những người cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ đã đến và lưu lại với TP này.
Thái Thanh
Nguồn: Cánh cò