Trang chủ Tin tức Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì...

Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021

183
0

Ngày 29/9/2021, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 – 2021 đã họp phiên thứ 2 và thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng. Trong đó, có 3 đề cử “Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội”.

1. Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hà Nội 1967 – 1975” của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt

Được tổ chức vào đầu tháng 10, triển lãm ảnh “Hà Nội 1967 – 1975” do Viện Goethe Việt Nam, Công ty Nhã Nam và Manzi Space Art tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Nối dài những cảm xúc về một thời thương nhớ đó, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành vào tháng 10/2020.

Từ năm 1967 – 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.

Theo ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam: “Đến Việt Nam vào thời chiến, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn đứng về phía lẽ phải. Nhiệm vụ Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình là những thứ ông đem trở về nước Đức không chỉ là những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim mà ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam”.

Được triển lãm và in sách lần này là những bức ảnh xuất sắc nhất của Thomas Billhardt về Hà Nội, giống như một biên niên sử bằng hình ảnh về Hà Nội thời chiến.

Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021Cuốn sách “Hà Nội 1967 – 1975” (NXB Thế giới, Nhã Nam) của Thomas Billhardt.
Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021Hầm tránh bom trên đường phố Hà Nội qua ống kính của Billhardt.

Cho đến ngày hôm nay, khi chiến tranh đã mãi lùi xa, Thomas Billhardt vẫn luôn tự giao cho mình một nhiệm vụ đặc biệt. Nhiệm vụ của một người chụp ảnh đất nước và con người Việt Nam bằng tình nghĩa sâu nặng. “Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục trưng bày những bức ảnh mà tôi chụp để mọi người biết Việt Nam thực sự như thế nào. Tôi hy vọng khi nhìn thấy những bức ảnh tài liệu của tôi, họ sẽ hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam như chính tôi là người đã qua Việt Nam nhiều lần, từ đó mà yêu người Việt Nam”.

2. Bộ sách “Thăng Long Kinh Kì – Kẻ Chợ” (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng – Nguyễn Quốc Tín

Đây là bộ sách gồm 2 tập (tập 1 về Thăng Long thời Lê – Trịnh, tập 2 là thời Tây Sơn và nhà Nguyễn) đã tiếp cận lịch sử gần 350 năm của Thăng Long – Hà Nội (1527 – 1873) từ những giao thoa của chất chắt lọc giữa “kinh” và “tỉnh”, “thị” và “đô”, dưới một góc nhìn hòa trộn giữa “sử” và “truyện”, đủ chính xác và đầy cuốn hút.

Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021“Thăng Long Kinh Kì – Kẻ Chợ” của Nguyễn Huy Thắng – Nguyễn Quốc Tín.

Thu thập thông tin từ nhiều nguồn, từ sử sách chính thống của các triều đại xưa (Đại Việt sử ký toàn thư) đến các tác phẩm văn học dân gian (ca dao, tục ngữ…), tác phẩm văn học viết (Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút…), từ ghi chép của người trong nước (Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú) đến các ghi chép của người nước ngoài (Một chuyến du lịch đến Đàng Ngoài năm 1688 của W. Dampier…), công trình Thăng Long Kinh Kì – Kẻ Chợ của Nguyễn Quốc Tín – Nguyễn Huy Thắng viết theo lối đan cài, nhẹ nhàng, vừa rõ là “sử” nhưng cũng đầy chất “truyện”, nhẹ nhàng và gần gũi, vừa có phong khí trầm lắng của sử cũ nhưng cũng có sự thân thương của lời kể bình dân, có say sưa, có tiết chế, khách quan và tràn đầy xúc cảm.

Kể lại những câu chuyện lịch sử về Thăng Long – Hà Nội, cuốn sách trở thành một công cụ giáo dục lịch sử gần gũi và thiết yếu cho lớp trẻ hôm nay.

3. Cuốn sách “Tay chơi” (NXB Trẻ) của Mai Lâm

Gồm một truyện dài cùng tên mang tính tự truyện và các ghi chép nhỏ mang tính “hoạt kê”về những con người, những thú chơi, những sở thích… của một lớp người, thường được gọi là “Con giai phố cổ”.

Trải dài từ thời còn là học sinh đi sơ tán, đến những năm tháng chiến tranh, rồi những năm bao cấp đói nghèo. Mỗi người một sở thích, tính cách, có chất nghệ, thậm chí có thể coi là có tài năng hay tài lẻ nhưng phần lớn đều ham chơi, ham vui, ham trải nghiệm cuộc đời và cuối cùng… trôi nổi theo thời thế. Họ gắn bó với nhau một cách tự nhiên như hơi thở, kể cả khi mỗi người một xứ biền biệt.

Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021Cuốn “Tay chơi” của Mai Lâm.

Qua Tay chơi, ta thấy hiện lên những mẩu ký ức thân thương về một Hà Nội, thấy cả những góc khuất lấm lem của cuộc đời, nhưng trên hết vẫn là những những suy ngẫm nhân văn về cuộc đời, là cách sống ân tình, đậm tinh thần huynh đệ hào sảng. Đó là những người Hà Nội xa xứ nhưng “cứ gọi là trở về”, dù mẹ già mất rồi, bạn bè dần rơi rụng, và cũng chẳng có nhà ở Hà Nội. Đó là một mảnh đời đậm chất Hà Nội như Phúc “què” cô đơn, suốt đời sống chỉ trong căn nhà nằm trong bán kính 500m, tính từ tháp Rùa. Nhưng người đàn ông này cương quyết không rời phố cổ vì: “Sống hơn 60 năm trong cái nhà này rồi. Đến cái vết vữa tường lở cũng thuộc, cũng là của mình. Bây giờ bán đi, rồi đi ở nhà khác nó chán!”.

Truyện viết theo dạng hồi ức, nhớ đâu viết đó, nên đường dây câu chuyện và nhân vật có chỗ rời rạc, khó theo dõi, nhưng Tay chơi có ưu điểm là vẫn thật “chất” trong cái chất đời, chất văn tự nhiên của nó, tưởng như không phải dụng công gì, cứ từ trong ký ức tự nhiên mà viết ra.

Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021Tác giả Mai Lâm – “cứ gọi là trở về” với Hà Nội. Ảnh do nhà văn Đỗ Phấn cung cấp.

Nhà văn Đỗ Phấn nhận xét: “Mai Lâm xa Tổ quốc đã 30 năm có lẻ nhưng cảm giác như anh chưa từng vắng mặt ở nơi này. Đây đó vẫn những con đường kí ức, những bạn bè một thưở hàn vi, những món ăn, đồ uống… mà ngay chính người Hà Nội đương thời không phải ai cũng biết. Tất cả hiện lên mồn một như câu chuyện mới chỉ xảy ra hôm qua. Những phận người lang bạt, những công việc lao động chân tay nặng nề, những trò chơi và đồ chơi nơi đất khách với một người từng sinh ra lớn lên ở Hà Nội đều mang nét đặc thù của những ông “con giai phố cổ” kĩ lưỡng, tỉ mẩn đến kinh ngạc. Hóa ra cái phẩm chất “Con giai phố cổ” là có thật cho dù họ ở bất cứ đâu trên trái đất này”.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.

Trải qua 13 mùa giải, Giải thưởng đã ghi nhận gần 150 đề cử và trao khoảng 50 giải thưởng trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.

PV

Ba đề cử 'Tác phẩm' của Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14- 2021

Công bố đề cử giải thưởng ‘Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội’ lần thứ 14-2021

Ngày 29/9/2021, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 – 2021 đã họp phiên thứ 2 và thông qua 11 đề cử cho 4 hạng mục giải thưởng.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây