Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận là nơi giao hòa của cả ba không gian rừng, biển và bán sa mạc với hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng là điểm đến cho những nhà khoa học tới nghiên cứu và du khách muốn khám phá, tận hưởng khí hậu trong lành của thiên nhiên hoang sơ. Ngày 15/9/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đặc sắc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đi theo tuyến đường ĐT 702 với khung cảnh ven biển đẹp tựa như tranh, chúng tôi đến Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa nằm trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc. Thật sự ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp của khu dự trữ sinh quyển gồm cả rừng và biển có tổng diện tích lên đến trên 106.646 ha, nơi đây có tới 6 kiểu rừng khác nhau phân bố từ sát bờ biển lộng gió cho đến nơi cao nhất là đỉnh Núi Chúa với độ cao 1.039 mét so với mực nước biển.
Theo khảo sát mới nhất của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 766 loài được biết đến, trong đó có 48 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có nhiều loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc đang được bảo tồn nghiêm ngặt.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700 – 800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng. Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Chính tại nơi khô hạn này, thiên nhiên lại phô diễn sức mạnh tuyệt diệu khi từng mầm cây, chồi cỏ vươn mình khỏi mặt đất bỏng rát để hòa chung cùng màu xanh của núi rừng.
Điển hình của hệ sinh thái này là các loại thực vật có khả năng chịu hạn với các đặc điểm như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn, lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như: xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn… Với những đặc trưng rất riêng này, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn được xem là “thảo nguyên cây gai” có một không hai ở Việt Nam.
Không chỉ có rừng, ở đây còn rất giàu có về động vật biển khi sở hữu tới 40 km đường biển bao quan khu vực. Nơi đây có quần thể rùa biển lên đẻ trứng mỗi năm và rạn san hô ven bờ lớn nhất nước ta với 350 loài. Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn nổi tiếng có hàng loạt các bãi biển đẹp và hoang sơ nhất khu vực miền Trung hiện nay như Bình Tiên, Nước Ngọt, bãi Chuối, bãi Thùng, bãi Kênh…với những doi cát uốn lượn ôm sát vào chân núi, cát trắng, nắng vàng mang lại vẻ đẹp đặc biệt cho phong cảnh nơi đây.
Trên hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở Hang Rái. Kiến tạo địa chất hàng ngàn năm tạo nên quần thể đá san hô cổ ở Hang Rái có lớp bề mặt lồi lõm, nhấp nhô, sắc nhọn với nhiều hình dáng kỳ thú tựa như bề mặt sao Hỏa. Mỗi khi sóng đánh vào dốc đá, nước biển sẽ dội ngược xuống đại dương, tạo nên những “thác nước trên biển” tuyệt đẹp khiến ai cũng ngẩn ngơ khi lần đầu tiên đặt chân đến.
Cách Hang Rái không xa, vịnh Vĩnh Hy là địa điểm ghi dấu ấn đặc biệt trong bản đồ du lịch Việt Nam. Một mặt hướng biển còn lại là ba bề là bãi cát trắng cùng núi rừng với những vách đá sừng sững dựng đứng bao quanh tạo nên một quần thể tuyệt đẹp, khiến Vĩnh Hy hầu như tách biệt khỏi dòng chảy đô thị hóa để giữ cho mình nét đẹp hoang sơ. Xuôi về phía Nam, những dãy núi đâm ra biển tạo nên một công viên đá độc đáo với hàng nghìn tảng đá có nhiều hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau như thách thức thời gian, gió cát mà đứng vững từ ngàn đời nay.
Không chỉ đa dạng về các hệ sinh thái, cảnh quan, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa Chăm, Raglai sinh sống tại đây đang chờ được khám phá.
Bảo tồn kết hợp với phát triển
Theo ông Trần Văn Tiếp, đại diện Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ tạo điều kiện quan trọng giúp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này. Đồng thời, mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Đây cũng là cơ sở để địa phương lập quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng bảo tồn và vùng được phép đầu tư phát triển ở các mức độ khác nhau.
Để bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bền vững, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, triển khai các đề tài nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật mới. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, khu vực cứu hộ sinh vật biển để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng, phát triển diện tích rừng trồng tự nhiên.
Ông Trần Văn Tiếp chia sẻ thêm, cùng với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa triển khai các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm thông qua các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng, phát triển tổ thủ công mỹ nghệ làm đồ trang sức từ hạt cây rừng, tổ múa Mã-la của đồng bào Raglai biểu diễn trong các chương trình du lịch của khu dự trữ sinh quyển nhằm giúp người dân từng bước có thu nhập ổn định để giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng, biển.
Ông Mang Tàu, Tổ trưởng của 20 thành viên tham gia mô hình giao khoán bảo vệ rừng của đồng bào Raglai (xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) cho hay: Mỗi hộ tham gia nhận khoán khoảng 50 ha rừng với đơn giá nhận khoán 12,5 triệu đồng/năm. Nhờ tham gia nhận khoán, các hộ dân có thêm nguồn thu nhập để phát triển chăn nuôi bò, dê, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống trong bối cảnh dịch COVID-19. Khi Núi Chúa được công nhận khu dự trữ quyển thế giới, chúng tôi rất vui mừng và thấy trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng càng phải được nâng cao hơn nữa.
Một góc rừng của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.
Với phần lớn diện tích của khu dự trữ sinh quyển nằm trên địa bàn quản lý, ông Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Trong thời gian tới, huyện phối hợp với Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy tối đa lợi thế tiềm năng to lớn của khu dự trữ sinh quyển thế giới trong công tác bảo tồn nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái gắn với các chương trình hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân bản địa. Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa sẽ trở thành là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Qua đó, địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người và văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè thế giới.
Để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng phát huy các giá trị sinh thái, nhân văn của khu dự trữ sinh quyển thông qua các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng.
Việc phát triển này tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Nguồn: Báo Tin tức