Trang chủ Chính trị Dân tộc dám ước mơ là dân tộc có tương lai

Dân tộc dám ước mơ là dân tộc có tương lai

187
0

Một đất nước, một dân tộc dám ước mơ, nuôi khát vọng là một đất nước, một dân tộc có tương lai, có cơ hội hạnh phúc.

Dân tộc dám ước mơ là dân tộc có tương lai
Ảnh minh họa.

Tính mãnh liệt của khát vọng về đất nước yên bình, giàu mạnh, tươi đẹp nơi mỗi người Việt Nam là quá hiển nhiên. Ước mơ và khát vọng bước ra “ánh nắng mặt trời” với thế giới không chỉ là của cả dân tộc mà còn mỗi người Việt hay gốc Việt trong và ngoài nước. (Tôn Nữ Thị Ninh)

Một đất nước, một dân tộc dám ước mơ, nuôi khát vọng là một đất nước, một dân tộc có tương lai, có cơ hội hạnh phúc. Ước mơ đó, khát vọng đó phải bắt nguồn từ và hướng đến đất nước, dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi cộng đồng, mỗi thành phố, mỗi làng xã, mỗi con người Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại lễ nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp tháng 2-2013, tôi nhấn mạnh khát vọng và nỗ lực “để Việt Nam sau những năm dài chiến tranh và đau khổ, có thể hồi sinh và tìm cho mình một chỗ đứng hoàn toàn xứng đáng trong cộng đồng quốc tế để Việt Nam tiến gần và mở cửa với thế giới, để cả thế giới biết rằng có một Việt Nam khác ngoài Việt Nam thời chiến tranh, một Việt Nam với lịch sử ngàn năm văn hiến, nước Việt Nam của hôm nay và ngày mai, với cả sức sống mãnh liệt và khát khao đi lên”.

Thước đo giàu đẹp không chỉ là GDP

Vậy Việt Nam muốn gia nhập, được đón nhận trong câu lạc bộ các quốc gia phát triển ở châu Á và rộng xa hơn, cần có gì, làm gì, như thế nào? Đồng thời phải nhớ rằng ta đi sau cho nên phải đi nhanh, nhưng phải đi đúng hướng để không lạc đường và phải đi đúng đường để không tiến chậm.

Cho nên cần hiểu nội hàm của ước vọng giàu đẹp và phát triển cho thật đúng và đầy đủ. Giàu mạnh không chỉ nói lên sự giàu có vật chất, về của cải làm ra và tiêu thụ, mà còn phải bao hàm lực rắn rỏi và thế vững vàng về độc lập chủ quyền, tự chủ kinh tế.

Sự phát triển chúng ta muốn vươn tới phải mang lại sự sung túc cho số đông, kiên trì thu hẹp khoảng cách giàu nghèo còn quá rõ ràng giữa một số vùng miền và ngay trong từng tỉnh thành.

Khái niệm giàu đẹp còn bao hàm nhiều ý, đó là chất lượng cuộc sống của chúng ta bao gồm mọi dịch vụ phục vụ cộng đồng và từng cá nhân, hàng đầu là giáo dục, y tế – sức khỏe, giao thông, an ninh, an toàn, môi trường, ẩm thực, giải trí, thưởng thức nghệ thuật…

Đẹp ở đây còn hàm ý cuộc sống tinh thần, văn hóa phong phú, vừa phát huy tính cộng đồng, bản sắc dân tộc, sắc tộc, vừa khuyến khích tính sáng tạo cá nhân.

Đẹp còn phải hiểu là xã hội nhân văn, có bình đẳng giới, nhân đạo, không để lại phía sau những nhóm người có hoàn cảnh khó khăn như người khuyết tật, người vô gia cư, người không nơi nương tựa, người cực nghèo…; là lối sống lành mạnh tôn trọng và bảo tồn môi sinh, môi trường.

Và giàu đẹp cuối cùng là để mang lại hạnh phúc cho mọi người, ít nhất là cho số đông.

Việt Nam muốn là quốc gia hiện đại, hòa đồng được với thế giới thì thước đo không thể chỉ là GDP hay GDP bình quân trên đầu người, mà phải tự đối chiếu với 17 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc cho sự phát triển bền vững. Phải chăng chúng ta cũng nên tham khảo Bhutan, quốc gia coi trọng Chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness Index) hơn là GDP?

Hướng tới cái mới, đột phá

Việt Nam đi sau thế giới và khu vực, muốn về trước phải hướng tới cái mới, cái đột phá, có sức tạo sự biến đổi lan truyền. Chúng ta cần phải sớm thoát khỏi nhãn hiệu “công xưởng gia công” dù là cho các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, phải đi lên chuỗi giá trị gia tăng bằng con đường vận dụng và phát huy công nghệ.

Người Việt Nam, được đào tạo trong và ngoài nước, làm được nếu Nhà nước và doanh nghiệp mạnh dạn tạo điều kiện. Trong thách thức nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 với biến thể Delta hoành hành, đó là cuộc chạy ngoạn mục của Công ty Nanogen – do anh Hồ Nhân từ Mỹ về thành lập tại SHTP (Khu công nghệ cao TP.HCM) – hợp tác với ngành quân y để phát triển vắc xin Nano Covax, đó là dự án hợp tác giữa VinBioCare thuộc Vingroup và Công ty Arcturus Therapeutics của Mỹ để sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam từ năm 2022.

Một ví dụ khác là game blockchain Axie Infinity của thanh niên Nguyễn Thành Trung đang gây sốt trong thế giới “gamers” toàn cầu, dù chưa biết tương lai thế nào khi nhớ đến cơn sốt Flappy Bird một thời của Nguyễn Hà Đông.

Điều có thể khẳng định là Việt Nam cùng TP.HCM, Hà Nội và các thành phố lớn của Việt Nam đáp ứng được một tiêu chí của môi trường hiện đại quốc tế, đó là kết nối trực tuyến.

Tôi nhớ lại câu chuyện cũng phải hàng chục năm trước khi dùng cơm trưa với ông Fareed Zakaria, một bình luận viên hàng đầu của CNN, đang lần đầu tiên đi tìm hiểu ba nước châu Á – Nhật Bản, Việt Nam và Singapore, theo sự sắp xếp của cố đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ Desaix Anderson. Sau khi đến Hà Nội từ Tokyo, ông Zakaria nhận xét rằng Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có vẻ “kết nối trực tuyến tốt hơn” nước Đông Á kia.

Kế đến, cần tăng cường kết nối TP.HCM với ĐBSCL, qua đó giúp kết nối hiệu quả hơn nông dân với doanh nghiệp, để dưới con mắt các đối tác nước ngoài, TP.HCM thật sự là cửa ngõ với ĐBSCL trù phú.

Một định vị tiếp theo đầy tiềm năng cho sự phát triển của Việt Nam đó là tiến vào kinh tế tuần hoàn (circular economy).

Thật là một tin vui khi Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (IECD) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM được thành lập tháng 7-2020 với vai trò tư vấn của Philip Rösler, cựu giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và sự ủng hộ của hai tập đoàn NutiFood và VinaCapital.

Việc phấn đấu tiến vào kinh tế tuần hoàn sẽ khẳng định quyết tâm đi tiên phong về thể hiện trách nhiệm đối với môi trường và xã hội trong sản xuất và dịch vụ.

Đây còn là một thông điệp ý nghĩa khi Việt Nam bị mang tiếng là đứng trong top đầu thế giới về chất thải nhựa. Ngoài ra, một thế mạnh đặc sắc của Việt Nam nói chung là nguồn con người với những phẩm chất được đối tác nước ngoài công nhận: năng động, ham học hỏi, học việc nhanh, thích nghi tốt và chủ động.

Nói tóm lại, cần nỗ lực xây dựng một Việt Nam với kinh tế kết nối – công nghệ mới – kinh doanh nông nghiệp – kinh tế tuần hoàn – nhân lực năng động, chủ động, thích nghi nhanh.

Xây dựng thương hiệu Việt Nam

Làm thế nào để thế giới cảm nhận, công nhận, và giao lưu tương tác với Việt Nam như chúng ta mong muốn? Cần phải xem xét và trả lời ba câu hỏi.

Một là, trong con mắt của thế giới, đối tác, bạn bè, Việt Nam nổi bật về những thế mạnh, nét đặc sắc, sức thu hút và tiềm năng nào?

Hai là, nhìn lại thực tế bản thân, Việt Nam cần củng cố, nâng cao, xây dựng bổ sung những thành tựu, thế mạnh, tính chất độc đáo, tiên phong nào?

Và cuối cùng: làm thế nào để quảng bá với thế giới thương hiệu đó của Việt Nam một cách hiệu quả?

Điều cần phải khẳng định rõ trước khi đi vào xem xét diễn giải những điều trên: không thể có thương hiệu đất nước, thương hiệu thành phố, thương hiệu tổ chức và thậm chí thương hiệu cá nhân thật sự thuyết phục lan tỏa rộng rãi và bền vững qua thời gian nếu thương hiệu đó không dựa trên những thành tựu, thế mạnh, giá trị thực chất vừa được phía Việt Nam và cả phía quốc tế khẳng định, công nhận.

Những điều cần điều chỉnh, phát huy

Dân tộc dám ước mơ là dân tộc có tương lai
Bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Về vai trò của lịch sử, quá khứ (chủ yếu là khía cạnh chiến tranh), nước ngoài thường nể phục nỗ lực của dân tộc Việt Nam xây dựng lại đất nước sau chiến tranh trong điều kiện hai thập niên đầu (1975 – 1995) chưa hoàn toàn hòa bình, bị cấm vận, không có viện trợ tái thiết kiểu kế hoạch Marshall.

Khách nước ngoài, đặc biệt là khách Mỹ, hết sức ngạc nhiên và cảm kích trước khả năng “gác lại quá khứ hướng về tương lai” của người Việt Nam.

Tuy nhiên, một số bạn bè quốc tế đã từng ủng hộ cuộc kháng chiến vì độc lập thống nhất đất nước của Việt Nam phần nào lo ngại tuổi trẻ Việt Nam có thể bị “mất trí nhớ lịch sử dân tộc”.

Về vai trò của tập quán và truyền thống trong lối sống và đời sống tại Việt Nam, một mặt người nước ngoài xót xa về nạn giết, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm, đi ngược với luật pháp quốc tế và hủy hoại đa dạng sinh vật của Việt Nam; mặt khác, họ quý trọng truyền thống đoàn kết cộng đồng, láng giềng, tinh thần nhân ái tương trợ lúc hoạn nạn của xã hội Việt Nam – như thể hiện hằng ngày mọi nơi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cuối cùng, tật quan liêu tiêu cực ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn có thể làm mất một số cơ hội kinh tế xuất hiện trong bối cảnh hiện nay của khu vực và thế giới.

Tôn Nữ Thị Ninh (Cựu đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây