Đây là những tấm ảnh chụp trên quảng trường Ba Đình trong buổi chiều ngày 2.9.1945. Tác giả những bức ảnh lịch sử về ngày độc lập này là những nhiếp ảnh gia đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Có một cuốn album ảnh chụp năm 1945 được đánh giá là sản phẩm đầu tiên của ngành truyền thông Việt Nam. Tác giả những bức ảnh lịch sử trong album này là những nhiếp ảnh gia đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Năm 1946, ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Thông tin, Tuyên truyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng tập ảnh này cho đại úy Sellon đang làm việc trong Phủ Cao ủy Pháp tại Hà Nội.
Nhiều năm sau, khi đã lên cấp tướng, ông Sellon tặng cuốn album cho GS Philippe Devillers – một nhà báo, sử gia có uy tín, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử hiện đại Việt Nam, cũng là người có mặt tại Hà Nội trong thời gian chụp những bức ảnh đó, với tư cách phóng viên báo Le Monde.
Ngày 13.7.2010, GS Philippe Devillers đã tặng bộ ảnh quý này qua thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, đến tay GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Nay bộ ảnh được lưu trữ và trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bộ ảnh quý đã giúp người xem sống lại những ký ức của những ngày độc lập đầu tiên 65 năm về trước. Cuốn anbum có 30 tờ, gồm 203 bức ảnh, mỗi trang dán 3 – 4 ảnh, cỡ ảnh không đồng nhất và có một số ảnh được ghép từ 2 hoặc 3 ảnh, tất cả đều là ảnh đen trắng.
Trong bộ ảnh cũng có bức chụp các sự kiện chính trị chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và một số địa phương miền Bắc Việt Nam trước và sau ngày độc lập. Đó là sự kiện trong khoảng thời gian từ ngày 17.8.1945 (cuộc mít tinh của Tổng hội công chức tại Nhà hát lớn) đến ngày 18.6.1946 (cuộc mít tinh tưởng niệm 2 liệt sĩ Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thái Học tại khu Đấu xảo Hà Nội, nay là Cung văn hóa Hữu nghị).
Những bức ảnh thể hiện nhiều chủ đề: về Chủ tịch Hồ Chí Minh (40 ảnh); về ngày tổng khởi nghĩa 19.8 và ngày Độc lập 2.9.1945 ở Hà Nội (7 ảnh); hoạt động của Chính phủ liên hiệp lâm thời, quốc hội và các đoàn thể (25 ảnh); về các hoạt động của quần chúng; các hoạt động văn hóa, giáo dục; các hoạt động tổng tuyển cử; các hoạt động ngoại giao; các hoạt động quân sự, chống xâm lược…
Phần lớn trong số các bức ảnh này không còn thấy trong nước do đã bị hỏng hay thất lạc. Đây là nguồn tư liệu lịch sử quý giá.
Kỷ niệm 76 năm ngày Độc lập, chúng tôi xin chọn giới thiệu những tấm ảnh chụp trên quảng trường Ba Đình trong buổi chiều thiêng liêng 2.9.1945.
Trí Hiên
Nguồn: Cánh cò