Quyết định phân công mới nhiệm vụ của Ban chỉ Quốc gia phòng chống dịch do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban cho thấy quy mô và tính chất cuộc chiến chống dịch đã thay đổi.
Ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19, ngày 31-01-2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng Ban, hai Thứ trưởng Y tế làm Phó ban.
Tại cuộc họp ngày 24-8-2021, lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.
Bốn phó trưởng Ban là Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Tám tiểu ban là: Y tế; An ninh trật tự xã hội; An sinh xã hội; Tài chính, hậu cần; Sản xuất và lưu thông hàng hóa; Vận động và huy động xã hội; Dân vận và Truyền thông.
Trưởng các tiểu ban là hai Đại tướng, Bộ trưởng Công an và Quốc phòng, Chủ tịch MTTQ VN, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp.
Quyết định phân công mới nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cho thấy quy mô và tính chất cuộc chiến chống dịch đã thay đổi. Huy động tổng lực chiến đấu với đại dịch.
Điều này một lần nữa khẳng định chống dịch không chỉ là câu chuyện của chính quyền, nó là nhiệm vụ lớn nhất trước mắt của toàn hệ thống chính trị. Khả năng điều hành – chấp hành ở mức cao nhất và quy mô huy động là tổng lực.
Nó cũng đặt mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức viên chức ở mọi lĩnh vực vào vị trí trong cuộc chiến chống dịch. Mỗi cơ quan đều tự mình xác định nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn này là chống dịch. Hiệu quả chống dịch sẽ là một thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, tập thể. Đánh giá, chế tài, điều động cũng sẽ dựa trên căn cứ đó.
Quyết định phân công của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID- 19 không chỉ là văn bản hành chính đơn thuần, nó chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ, cứng rắn, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất.
Nó đòi hỏi từng thành viên của Bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và từng công dân xác định rõ tâm thế và hành vi của mình để đồng hành có trách nhiệm cùng đất nước trong cuộc chiến này.
ĐỨC HIỂN
Nguồn: Cánh cò