Từ ngày 23/8, người dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, phường/xã/thị trấn cách ly phường/xã/thị trấn”. Đồng thời, lực lượng Quân đội nhân dân triển khai mô hình “đi chợ hộ” cho người dân và giao đến từng nhà theo địa chỉ và số điện thoại đã đăng kí.
Mô hình “đi chơ hộ” của lực lượng Quân đội nhân dân đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, xuất hiện cá nhân lại thiếu trách nhiệm, coi công tác này như “một trò giải trí”, cụ thể: khi có người dân chọn xong các mặt hàng cần mua, cán bộ, chiến sĩ quân đội đi chợ hộ mua xong, khi giao thì người dân lại không nhận vì “chỉ đặt thử xem thật không” hoặc là “đặt cho vui” và “tưởng miễn phí chứ lấy tiền thì thôi”.
Đơn cử, mới đây một chiến sĩ làm công tác “đi chợ hộ” bị một người dân “bom” đơn hàng có giá trị hơn 400.000 đồng, khi đứng trước cổng chung cư của người đặt hàng, dù chiến sĩ phụ trách gọi điện hàng chục cuộc nhưng vẫn không được phản hồi. Mãi đến chiều cùng ngày, người đặt đơn mới nhắn tin xin lỗi với lý do “đặt thử xem có được đi chợ hộ thật không”, chứ không muốn mua hàng.
Khi nhận “đi chợ hộ”, cán bộ phụ trách sẽ tự trả tiền trước cho các đơn hàng. Đến khi người dân nhận được, họ mới chuyển khoản trả lại. Vì thế, nguy cơ bị “bom” đơn hàng là vấn đề thường trực. Hơn nữa, các đơn hàng thường có giá trị cao. Tại phường Bình Trưng Đông, đa số các từ 500.000 – 700.000 đồng, với những hộ có nhiều thành viên thì đơn hàng có thể lên đến hai triệu đồng.
Việc làm đó của một số cá nhân, tưởng chừng đơn giản nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến công tác hỗ trợ phòng, chống dịch của các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ tại thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:
Thứ nhất, những người “bom” hàng nghĩ chỉ là trêu đùa bình thường nhưng họ có thể không biết được rằng có rất nhiều người đang chờ từng bữa ăn qua ngày ở ngoài kia, có những gia đình họ mong muốn được nhận lương thực, thực phẩm đến mức nào. Bởi vì sau 4 ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, thực phẩm dự trữ của người dân cạn dần khiến nhu cầu mua sắm tăng vọt trở lại, số lượng đơn hàng “đi chợ hộ” liên tục quá tải. Vì ý thức kém của một số người mà nhiều hộ gia đình không nhận được đồ như mong muốn do hết hàng hoặc nhận đồ chậm trễ.
Thứ hai, khi giao một túi hàng đến nhà của người dân, gọi hàng chục cuộc không nghe máy nhưng với tâm lý giúp dân, đâu có ai dám nghĩ rằng “người dân bom hàng” mà họ vẫn chờ đợi rồi thất vọng khi nhận được những dòng tin nhắn xin lỗi vô cảm. Vài đơn hàng “trêu đùa” như vậy chắc các đồng chí cũng buồn lắm, cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần của các chiến sĩ. Hơn nữa, các chiến sĩ quân đội thực hiện nhiệm vụ “đi chợ hộ” phải bỏ tiền ra trước để mua đồ cho người dân, đến khi giao tận nơi mới được trả lại tiền, có thể các đồng chí phải bỏ tiền túi ra để chịu việc bị “bom” hàng này.
Thứ ba, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh rất rộng, lại có nhiều ngõ sâu, hẹp khiến cho việc di chuyển của các chiến sĩ gặp không ít khó khăn. Vì thế, những đơn hàng “giả” hay “cho vui” sẽ làm mất rất nhiều thời gian, công sức của các tổ, đội thực hiện nhiệm vụ, gây gián đoạn công tác vận chuyển lương thực cho những hộ gia đình cần thiết.
Thời tiết ở thành phố Hồ Chí Minh vào thu cũng khá rất thường, lúc nắng lúc mưa nhưng người chiến sĩ vẫn không quản mưa nắng để có giao từng túi đồ đến nhà người dân, dẫu áo có ướt đẫm thì họ vẫn nở nụ cười tươi, hiền hòa với quần chúng. Họ đã vất vả, hy sinh như thế thì chúng ta, những người dân “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” cần thông cảm, thấu hiểu cho công việc của những chiến sĩ, có nhận thức đúng đắn, không gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch, mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài. Cùng chung tay, cùng làm tốt và cùng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19. Việt Nam cố lên!
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ