Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nước Mỹ đã trở lại Đông Nam Á

Nước Mỹ đã trở lại Đông Nam Á

233
0

Với chuyến công du Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Nhà Trắng gửi thông điệp đến Đông Nam Á. Đó là “nước Mỹ đã trở lại” với một khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược của Mỹ.

Chiều 26/8, bà Harris lên máy bay trở về Washington, kết thúc chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên trên cương vị Phó Tổng thống.

Trong “hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” công bố hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia châu Á: “Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và cộng tác với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các thành viên khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), để thúc đẩy các mục tiêu chung”.

Nước Mỹ đã trở lại Đông Nam ÁPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Chính vì vậy, ở các cuộc gặp với lãnh đạo Singapore và Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ đã chia sẻ tầm nhìn của chính quyền Biden về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nêu các vấn đề thương mại và an ninh, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, và thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ sự hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao “rất giá trị” của Mỹ và rằng chuyến thăm của bà Harris là chỉ dấu cho thấy, Washington nhận thức được việc họ cần bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích thực chất và quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Triển vọng tích cực

Từ hai nước cựu thù, Việt Nam và Mỹ đã có tiếng nói chung và sự hiểu biết lẫn nhau trong quá trình hòa giải.

Hai bên thiết lập nhiều cơ chế đối thoại cấp cao, bao gồm cơ chế đối thoại an ninh chính trị nhằm trao đổi quan điểm và tăng cường hiểu biết.

Tại Hà Nội, Phó Tổng thống Harris tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, lành mạnh và kiên cường. Quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực khác nhau, từ chính trị – ngoại giao, cho đến thương mại – đầu tư và an ninh – quốc phòng.

Hợp tác trong thương mại đầu tư đang là điểm sáng trong quan hệ hai quốc gia. Thương mại song phương đã tăng 200 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Việt Nam trị giá trên 10 tỷ USD vào năm 2020 và nhập khẩu của Mỹ năm qua đạt 79,6 tỷ USD. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là 2,6 tỷ USD trong năm 2019.

Nước Mỹ đã trở lại Đông Nam ÁPhó Tổng thống Mỹ tại cuộc họp báo chiều 26/8 trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Nguyên Trí

Tại Hà Nội, bà Harris cam kết đẩy mạnh hoạt động kinh tế giữa hai bên, nhất là chủ đề xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Việt Nam giữ vai trò ngày càng quan trọng với chuỗi cung ứng sản xuất trên thế giới, nhưng vị trí này đang bị đe dọa bởi Covid-19.

Để giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch, Mỹ tiếp tục cung cấp vắc xin như đã cam kết thông qua cơ chế COVAX. Đây là việc làm rất có ý nghĩa với Việt Nam thời điểm này khi kinh tế bị đình trệ vì những biện pháp phong tỏa, giãn cách bởi số người mắc và tử vong vì Covid-19 ngày càng gia tăng. Nếu có đủ vắc xin, các hoạt động kinh tế tại Việt Nam sẽ sớm được khôi phục.

Ngoài ra, việc thành lập Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á có điều kiện để thực hiện các nghiên cứu trong việc chống lại bệnh dịch như Covid-19.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã cảnh báo đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hiện tượng nước biển dâng. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải có hành động đối phó. Chính phủ Mỹ đã cam kết giúp đỡ Việt Nam trong việc này. 

Trước mắt, thông qua USAID, Mỹ khởi động dự án Bảo tồn môi trường sống ven biển sông Mekong. Dự án mới kéo dài 3 năm trị giá 2,9 triệu USD với Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Sự hợp tác sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong khuôn khổ Sáng kiến hạ lưu sông Mekong mà Mỹ đã đề xuất thực hiện cùng các nước.

Hỗ trợ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập

Về lĩnh vực hợp tác an ninh, an ninh biển luôn là một vấn đề trọng tâm. Với nhu cầu bảo vệ hoạt động của các ngư dân, hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, Việt Nam đang cần đẩy mạnh năng lực của các cơ quan chấp pháp trên biển. Phía Mỹ đã và đang tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên cũng đã cam kết thiết lập các hợp tác y tế giữa Quân đội Việt Nam và Bộ Quốc phòng Mỹ để mở rộng năng lực ứng phó thảm họa và nhân đạo, đồng thời hợp tác thúc đẩy chăm sóc bệnh nhân cho binh lính, cựu chiến binh và người dân Việt Nam.

Đặc biệt, Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với tương lai của Việt Nam và bản chất lâu dài của quan hệ đối tác Việt – Mỹ. Theo đó, vấn đề giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu cho bất cứ quốc gia nào.

Chính vì vậy, Tổ chức Phát triển USAID đã công bố Đối tác cải cách giáo dục đại học, một dự án kéo dài 5 năm cung cấp tối đa 14,2 triệu USD nhằm tăng cường giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và quản trị trong 3 trường đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam.

Cùng với các trường đại học Mỹ và các đối tác khu vực tư nhân, dự án sẽ hỗ trợ các cơ hội kinh tế toàn diện cho gần 150.000 sinh viên Việt Nam. Đây cũng chính là mục tiêu nhằm hỗ trợ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập với tư cách là một đối tác quan trọng của Mỹ.

Việt Hoàng 

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây