Câu ca dao xưa cứ vương vấn trong tôi mỗi lần thăm lại Cao Bằng, vùng đất mà vẻ đẹp đã cuốn hút nhiều thế hệ người Việt Nam, nơi được vinh danh là một trong những điểm đáng đến nhất trên bản đồ du lịch thế giới. “Mình về nuôi cái cùng con/Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”.
Năm 1985, khi cuộc chiến tranh biên giới còn dai dẳng, tôi đã có chuyến đi Cao Bằng không thể quên cùng các nhà nhiếp ảnh Trần Định, Kim Sơn của Báo Ảnh Việt Nam. Chúng tôi đã cùng các nghệ sĩ của ngành văn hóa Cao Bằng lên tận các điểm chốt ở Trùng Khánh, Hà Quảng, đến Pác Bó, thác Bản Giốc thăm và biểu diễn cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương ngay trong tầm pháo đối phương. Một chuyến đi không thể nào quên, như tôi từng viết trong bài thơ “ Gửi người hát then”:
Điểm tựa năm xưa em hát
Điệu then mềm mại chơi vơi
Áo chàm xanh màu biên giới
Người nghe kín một vùng đồi
Những chàng trai từ muôn ngả
Lên đây giữ đất Cao Bằng
Vỗ nhịp theo từng câu hát
Chiến hào lá ngụy trang rung
Những hình ảnh về Cao Bằng một thời gian khó hiểm nguy trong chuyến đi ấy vẫn trở về trong tôi mỗi lần có dịp thăm lại vùng đất này. Trong các chuyến đi sau, tôi có thêm điều kiện khám phá những vẻ đẹp khác nhau mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống và con người nơi đây.
Công viên địa chất Cao Bằng là một hình ảnh tiêu biểu cho cảnh sắc thiên nhiên và những giá trị văn hoá, lịch sử của Cao Bằng. Công viên này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2018, với diện tích hơn 3.000 ki lô mét vuông, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Công viên bao gồm 130 điểm di sản địa chất và danh thắng, trong đó có các khu bảo tồn quốc gia, khu bảo tồn loài sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan và hành lang đa dạng sinh học. Trong phạm vi công viên có 215 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó các di tích hạng đặc biệt như khu tưởng niệm Pắc Bó, khu rừng Trần Hưng Đạo; nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như thác Bản Giốc, các ngọn núi Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao và nhiều điểm đến khác.
Khu di tích Pắc Bó trên đất Hà Quảng ngày nay đã khang trang hơn nhiều. Lần lên Pắc Bó gần đây nhất, tôi nhận thấy mảnh nguồn cội này vẫn giữ được vẻ yên bình của núi của rừng với sắc xanh thân thuộc, nơi lưu giữ những dấu ấn về Bác Hồ trong những năm 1941-1945, sau mấy chục năm lưu lạc lạc trở về Tổ quốc. Núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm, bàn đá nơi bác ngồi bên suối dịch sách, làm thơ… được lưu giữ, tôn tạo trong một quần thể hài hoà. Đền thờ Bác Hồ được xây dựng để du khách về nguồn bày tỏ sự tưởng nhớ Bác. Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh như biểu tượng cho một thời kỳ phát triển mới. Khu tưởng niệm liệt sĩ Kim Đồng cách đó không xa tạo nên bức tranh chung cho quần thể di tích đặc biệt Pắc Bó.
Lần nào lên Bản Giốc, tôi cũng bị hấp dẫn trước cảnh quan của nơi được coi là một trong những ngọn thác đẹp của thế giới. Nhìn từ xa, màn nước mảnh giăng hàng giữa đất trời núi non trùng điệp bên dòng sông Quây Sơn thơ mộng. Đến gần, những ngọn nước từ triền núi cao đổ xuống tung bọt trắng xoá rất ấn tượng. Không xa khu vực thác là chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên xây dựng trên biên cương phía bắc, kiến trúc đẹp, nằm trên núi cao như một dấu ấn tinh thần của văn hoá Việt nơi mảnh đất địa đầu thiêng liêng. Không xa khu vực thác là động Ngườm Ngao, một cảnh đẹp hang động kỳ ảo và cũng là một di tích độc đáo .
Một trong những điểm đến đáng chú ý ở Cao Bằng là làng nghề rèn Phúc Sen của đồng bào Nùng ở huyện Quảng Uyên. Nghề rèn ở đây có lịch sử hơn 300 năm. Sau những thăng trầm, nghề rèn Phúc Sen với các loại sản phẩm phong phú đa dạng hơn mang thương hiệu Phúc Sen đến với nhiều nơi trong cả nước. Tôi đã đến Phúc Sen hai lần. Qua những cuộc trò chuyện với người dân, thăm các cơ sở sản xuất càng thêm khâm phục sự cần cù, tài hoa và sức sáng tạo của người dân ở đây. Nghề rèn Phúc Sen là nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ trên đất Cao Bằng, vẫn đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.
Đỉnh Phia Oắc, độ cao 1931 mét, là một biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên Cao bằng. Đây là nơi có giá trị đa dạng sinh học và địa chất với hàng trăm loài động vật,hàng ngàn loài thực vật trong đó nhiều loài quý hiếm trong danh sách đỏ. Khu vực này có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, được coi là một “ tiểu Sa Pa”. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã bắt đầu xây dựng một khu nghỉ mát ở đây. Gần trên đỉnh núi, không xa ngôi miếu cổ thờ thần núi Phia Oắc, vẫn còn dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ đang xây dở, bỏ hoang từ thời ấy.
Hiện nay trên đỉnh Phia Oắc có cột tiếp sóng của đài Tiếng nói Việt Nam đang hoạt động. Cách đây không lâu , trên đường qua Nguyên Bình, chúng tôi lên thăm Phia Oắc. Đúng ngày trời mù sương, cảnh vật rất huyền ảo. Chúng tôi vào viếng đền thờ thần núi Phia Oắc, thăm các cán bộ của trạm tiếp sóng, lên điểm cao nhất của ngọn núi. Được biết, những ngày băng tuyết, nhiều người từ các vùng lên đây ngắm cảnh và chụp ảnh. Vào những ngày trời quang, tầm nhìn xa, từ đỉnh núi, cảnh quan thiên nhiên rất hùng vĩ. Rất tiếc cây phong ba, một cây lâu năm lên bên cột phát sóng, một điểm check-in quen thuộc, đã bị đổ đầu năm nay.
Cùng với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen…, Phia Oắc góp phần làm nên vẻ đẹp non nước Cao Bằng. Trong tương lai không xa, khu du lịch danh thắng Phia Oắc – Phia Đén sẽ sớm trở thành một địa chỉ du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Xin chia sẻ lại bài thơ tôi viết trong một lần “trẩy nước non Cao Bằng” trước đây:
Núi ở Cao Bằng
Ở đây núi cũng như người
Cũng đi đứng cũng nói cười ríu ran
Phia Đen gió lộng đại ngàn
Ngườm Ngao bóng hổ vẫn còn đâu đây
Phia Oắc trốn ở trong mây
Bao nhiêu khăn gió thổi bay ngang trời
Thang Hen trong trẻo hồ đầy
Núi lớn núi nhỏ về đây hẹn hò
Khau Pàu thấp thoáng sương mờ
Bóng ai qua núi ngẩn ngơ rừng chiều
Áo chàm em gái về đâu
Pù Tang Lam vẫn một câu đợi chờ.
Nguồn: Báo Tin tức