Bài viết rất hay và sâu sắc. Bài rất dài, nhưng càng đọc càng thuyết phục. Bác nào không đọc được bài dài thì chỉ nên đọc cái tút rồi bỏ qua. Còn bác nào có tấm lòng với đất nước, quyết tâm chống dịch thì nên đọc, đặc biệt là các lãnh đạo cao cấp của đất nước từ Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Quân đội, Công An, các cơ quan ban ngành trong hệ thống chính trị lại càng nên đọc. Nhưng đã đọc thì đọc từ đầu đến cuối, đừng bỏ sót một từ một ngữ nào. Tôi cam đoan là hay đấy. Đọc xong nếu thấy hay mong các bác chia sẽ cho người khác cùng đọc.
***
QUỐC GIA HƯNG VONG, THẤT PHU HỮU TRÁCH
Người viết: KHẮC THÁI
Mấy hôm nay tui cứ cân nhắc mãi có nên viết những suy nghĩ này ra không? Sau những trằn trọc và day dứt, chợt nhớ một câu nói của người xưa: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Quốc gia có chuyện gì thì người dân cũng có phần trách nhiệm) mới nghĩ là, nếu ai cũng im lặng thì ai sẽ đóng góp tâm sức cho đất nước qua cơn bỉ cực.
Thôi thì cứ nói, ai nghe được thì nghe.
1. Trộm nghĩ, tình hình đại dịch covid-19 đã vào thời điểm nghiêm trọng. Tính chất nghiên trọng thể hiện ở chỗ: Nó tấn công vào Thủ đô Hà Nội, bộ não của cả nước; Nó tấn công vào Sài Gòn, nơi đóng góp tỷ lệ cao nhất cho ngân sách cả nước, có thể ví như cái dạ dày, nếu không nói là trái tim của cả nước; Nó tấn công vào các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Nình, Bình Dương, Đồng Nai,… nơi tập trung các cơ sở kinh tế lớn của đất nước; Nó bắt đầu lan tỏa ra các tỉnh thành trong cả nước, càng ngày càng tăng, chưa có dấu hiệu chững lại.
Vậy, liệu có nên công bố “TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP QUỐC GIA” hay chưa?
Hiện có xu hướng cho rằng, cần làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của dịch để tránh hoang mang. Đó là một nhận thức ấu trĩ, chỉ phù hợp với những chuyện nhỏ, của cái thời thông tin bằng miệng. Hiện nay, khả năng lan tỏa thông tin rất lớn, mặt bằng dân trí đã cao, nếu để thông tin nhiều chiều đến tai Nhân dân thì càng hoang mang hơn là công bố một sự thật để ai cũng cảnh giác. Công bố “Tình trạng khẩn cấp quốc gia” là việc nên làm, tương xứng với yêu cầu đối phó đại dịch.
2. Có nên thành lập “ỦY BAN QUỐC GIA VỀ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP” hay không?
Rất nên, mặc dù đã có các chức danh “Tứ trụ” nhưng mỗi chức danh đều bị không chế bởi quyền hạn cho phép được quy định trong Điều lệ và Hiến pháp.
Trong “Tình trạng khẩn cấp”, cần có những quyết định đủ nhanh, đủ mạnh, vượt quyền thông thường. Nhưng nếu theo lộ trình, đợi Chủ trương của hệ thống chính trị, đợi phê duyệt của Lập pháp, đợi triển khai các thù tục Hành pháp, đợi giám sát Tư pháp thì quá muộn (với tình thế cấp bách của 3 tình huống Thiên tai, Địch họa và Dịch bệnh). Ủy ban Quốc gia được quyền đặc biệt quyết định những giải pháp cấp bách mà không cần qua các thủ tục và lộ trình bình thường mới đối phó được đại họa dịch bệnh.
Ủy ban Quốc gia cũng sẽ khắc phục được những mặt yếu kém của từng cá nhân trong bộ máy, kể cả cá nhân người đứng đầu của cả hệ thống chính trị, Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
Ở một số nước có thực hiện tình huống Khẩn cấp, nhà nước có thể giao thẳng quyền điều hành cho người đứng đầu cơ quan Hành pháp (Thủ tướng), nhưng trong tình thế đó, cơ quan Lập pháp phải cho phép người đứng đầu cơ quan Hành pháp được vượt quyền so với luật định để quyết định vấn đề cấp bách (và cá nhân người đứng đầu cơ quan Hành pháp phải thật sự có năng lực nữa cơ).
Cần giải thể các Ban Chỉ đạo ở các cấp vì Ban chỉ đạo là một tổ chức rất hình thức, thường không sát thực tiễn, thông tin không đầy đủ bằng người tác chiến, không phải là một tổ chức hành động và lệ thuộc người đứng đầu. Có thêm ban Chỉ đạo lại thêm một cấp “xin ý kiến” mà chưa chắc có ý kiến gì để xin ngoài hiểu biết của người xin theo thủ tục.
.
3. CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC đã đúng cấp độ và đạt yêu cầu chưa?
– Chưa! …
Vì CHƯA CÓ THẾ TRẬN
Dám nói “Chưa” là bởi trong thời gian qua, chúng ta chống dịch theo kiểu ĐỐI PHÓ TÌNH HUỐNG chứ không có THẾ TRẬN.
Dấu hiệu của chưa có thế trận, trước hết phải nói ngay ở địa bàn TP. HCM là nơi đã để bùng phát dịch. Trong khi nơi khác như Bắc Ninh, Bắc Giang dịch bùng phát rất mạnh nhưng đã khống chế được dịch thì việc TP. HCM bùng phát mạnh như hiện nay là do TP. đã đánh mất thế trận. Việc đánh mất thế trận thuộc trách nhiệm của ai thì chúng ta biết rồi, nếu coi “chống dịch như chống giặc” thì trách nhiệm này cần xem xét, xử lý nghiêm túc để lấy lại động lực chống dịch. Thời gian qua chúng ta chỉ mới hành động (dù rất quyết liệt, mạnh mẽ) nhưng theo kiểu ĐÁNH ĐUỔI chứ không phải ĐÁNH CHẶN và TIÊU DIỆT. Chúng ta có dự báo NHƯNG KHÔNG PHẢN ỨNG THEO DỰ BÁO mà PHẢN ỨNG SỰ CỐ là chủ yếu. Bằng chứng là khi người lao động, sinh viên rút chạy khỏi TP. HCM với số lượng bất thường và hành trình tới hàng nghìn km rồi, đủ cả hình thức đi bộ, xe đạp, ba gác, xe máy, ô tô, thuyền trên biển, có trẻ em, người già, phụ nữ mới sinh, người thai nghén sinh đẻ giữa đường, có tai nạn, có thiếu thốn, khó khăn thì mới bùng lên thiện nguyện, đưa đón và cuối cùng mới có Công điện chỉ đạo của Thủ tướng.
Nên nhớ, một người ra đường là trách nhiệm cá nhân, nhưng một cộng đồng ra đường là trách nhiệm xã hội rồi. Đảng Đoàn, Mặt trận, Chính quyền, Bộ Ngành ở đâu rồi mà khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát giao thông vừa dẫn đường, vừa xử lý tại nạn, vừa tiếp xăng, tiếp cơm, tiếp nước… Họ có trách nhiệm với dân là quý hoá nhưng lỡ họ sai chút xíu do làm không đúng chức năng thì cũng khốn khổ.
Bằng chứng là khi có hình ảnh Shippers chuyển các lọ tro hài cốt cho dân thì lúc đó mới có quyết định giao việc này cho quân đội (mà việc này thực ra là của Ngành LĐTB và XH chứ không phải chức năng quân đội). Bằng chứng là các đội tình nguyện hoạt động tự do, nghe đâu chạy đấy, nơi thừa, nơi thiếu, không có một trung tâm chỉ huy….
.
Vậy, trong chống đại dịch này, muốn “chống dịch như chống giặc” phải xây dựng THẾ TRẬN như đánh giặc.
Thế nào là THẾ TRẬN?
Xin thưa, nó bao gồm mấy nội dung sau đây:
.
MỘT LÀ, XÂY DỰNG DỰ BÁO VÀ KẾ HOẠCH PHẢN ỨNG THEO DỰ BÁO.
Theo đó phải dự báo khả năng lan tỏa dịch bệnh và phương án đối phó (Điều này qua rồi, chậm rồi). Tức là, đưa ra tình huống dịch lan 1 vạn dân thì làm gì?, lực lượng ở đâu, bao nhiêu, vật tư, thiết bị ở đâu, tiêu dịệt vùng dịch và bảo vệ vùng an toàn thế nào? Nếu dịch lan ra 1 triệu dân hay 10 triệu dân, 1 tỉnh/ thành, 10 tỉnh /thành hay 60 tỉnh /thành thì cũng vẫn những câu hỏi đó nhưng xác định đúng các chỉ số huy động thích ứng.
Ngay cả hoạt động chi viện của các địa phương cho người đồng hương ở tâm dịch thì cũng phải tư duy dự báo an sinh xã hội chứ không phải số lượng tiền nhiều hay ít. Rằng, chi viện phải đánh giá tác động chi viện trên thực thể an sinh và trả lời câu hỏi: Mất bao lâu thì đến tay người cần cứu hộ?, đến tay rồi thì số tiền chi viện ấy đảm bảo cho họ tồn tại bao nhiêu ngày? Sau đó họ sống bằng gì? Và nếu hết khả năng chi viện đợt mới thì điều gì sẽ xẩy ra?
Chi viện chỉ là giải pháp tình thế, không phải là thế trận an sinh bền vững trong chống dịch cho nên phải tư duy dự báo.
HAI LÀ, XÂY DỰNG THẾ TRẬN
Xây dựng Thế trận chống dịch với 2 lực lượng chủ yếu là Hệ thống Nhà nước pháp quyền và Tổ chức đoàn thể xã hội (Nó như là hình thế Chiến tranh nhân dân, nôm na là vậy).
Về hệ thống Bộ máy Nhà nước pháp quyền, thời gian qua không nhìn thấy những hoạt động đúng chức năng của bộ máy này.
Ví dụ: Ngành Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn lao động… phải là Ngành chịu trách nhiệm về tình hình lao động trong cả nước, đặc biệt là lao động ở các Khu công nghiệp. Nếu dịch bệnh lan tỏa; nhà máy, xí nghiệp, công ty nào có thể bị đóng cửa, và đóng cửa thì sẽ có bao nhiêu người thất nghiệp? Các ngành này phải biết để tham vấn và đề xuất giải pháp cho Chính phủ. Họ sẽ cầm cự được bao lâu để tồn tại, khi họ hết khả năng cầm cự thì sẽ bùng phát chuyện gì?: Về quê tự phát, tỏa ra phố kiếm việc làm, đi nương nhờ từ thiện? Tại sao hàng vạn lao động thất nghiệp rời TP. Hồ Chí Minh mà các ngành và tổ chức chính trị xã hội không hề có phương án nào kể cả dự báo đến xử lý tình huống? Đến khi dịch có người chết phải hỏa táng thì ai là người đề xuất chính sách đối với người chết mang tính chất xã hội, nếu không phải chính là Ngành LĐ, TB và XH phải chịu trách nhiệm việc này. Tại sao việc này lại giao cho quân đội, đó là việc của Ngành LĐ, TB và XH mới thể hiện chức năng là một Nhà nước pháp quyền. Trách nhiệm đề xuất quyết sách phải là của ngành LĐ, TB XH, của Tổng Liên đoàn lao động, của Bộ Công thương, và vì có cả sinh viên nghỉ học nên có trách nhiệm của Bộ GD ĐT nữa. Còn thiếu nhân lực thì các ngành đó phải chủ động xin chi viện của Quân đội, Công an, Đoàn TNCS…. chứ không thể giao việc này cho quân đội, nó không thể hiện đúng chức năng của Nhà nước pháp quyền trong mỗi ngành cụ thể.
Còn Quân đội thì sao? Quân đội là để đánh giặc. Giặc ở đây là dịch chứ không phải hài cốt. Vậy Quân đội vừa có chức năng xây dựng thế trận theo kiểu quân sự, vừa có chức năng như ngành Y tế.
Chúng ta kêu ca ngành Y quá tải, quá sức, đúng rồi. Nhưng nên nhớ trong chiến tranh, toàn bộ lực lượng phục vụ chiến thương đều là Quân Y, Quân Y rất mạnh. Thời chiến phải triển khai ngay mô hình (cũng là thế trận) Quân y với 4 tuyến: Tuyến cứu thương (tại Mặt trận), tuyến cấp cứu (Trạm Quân y tiền phương, dã chiến), Tuyến điều trị (Quân Y viện) và Tuyến Thu dung làm nhiệm vụ hồi phục, biên chế lại và đưa trở lại mặt trận.
Đã đến lúc cần Quân đội xây dựng thế trận chống dịch như chống giặc chứ không chỉ là ứng cứu đột xuất với việc tăng cường cho điểm nóng một vài bệnh viện dã chiến.
Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Tổng Liên đoàn Lao động, Ủy ban MTTQVN và nhiều tổ chức khác nữa đang ở đâu trong trận tuyến chống đại dịch Covid-19 này?
Tại sao các đội tình nguyện hoạt động tự phát, đóng góp khá hiệu quả mà các tổ chức TN, PN, CĐ không thành lập nổi các đơn vị Thanh niên xung phong chống dịch như trong chiến tranh? Tại sao chúng ta đang thiếu nhân lực chống dịch, trong khi chúng ta có hàng vạn lao động khỏe mạnh tại các doanh nghiệp đang thất nghiệp lại phải chạy hàng nghìn km về quê nương nhờ cha mẹ. Trong khi, chúng ta đủ sức tập hợp họ lại, ai có bệnh thì cách ly, ai không thì thành lập đội TNXP phục vụ dịch. Họ đang thất nghiệp, giờ họ có ăn, có việc làm chống dịch, lại được chăm lo y tế khi đi chống dịch. Vậy mà chúng ta buông, để họ tự lo và cách lo duy nhất là về quê. Chúng ta đã lãng phí một nguồn nhân lực chống dịch quá lớn, mà nếu huy động được, tổ chức được thì có tác dụng hai mặt: giúp sức chống dịch và khắc phục thất nghiệp.
Tại sao trong chiến tranh, thanh niên được huy động tập huấn y tế, chỉ cần khoảng 10 đến 15 ngày là có thể ra trận làm cứu thương. Vậy thì tại sao trong khi nguồn nhân lực ngành Y cạn kiệt, ta lại không huấn luyện ngay cho họ những kiến thức và thao tác giản đơn như cách phòng chống, lấy mẫu dịch, tiêm chích, đo đếm các thiết bị cận lâm sàng…. Như thế, ta có một đội hậu bị Y tế hùng hậu để giảm bớt công việc chuyên môn vốn đã quá tải của ngành Y tế. Mà, đội hậu bị phục vụ vòng tiếp cận Y tế lại chính là lực lượng công nhân khỏe mạnh đang thất nghiệp không biết về đâu.
Nhà nước pháp quyền đã thực hiện chức năng của mình ra sao khi mà giao thông đình trệ, hàng hóa khó khăn do cách tổ chức cung ứng chứ không phải do thiếu. Rất nhiều, rất nhiều các ngành trong cơ cấu Nhà nước pháp quyền chưa xuất hiện đúng chức năng trong đại chiến chống dịch mà khuôn khổ bài viết không nói hết.
Tôi muốn nói rằng, chúng ta chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền và các đoàn thể chính trị xã hội để xây dựng một Thế trận chống dịch đúng nghĩa là một thế trận.
Xây dựng thế trận có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của chống dịch bởi trước hết có thế trận thì chúng ta mới GIÀNH THẾ CHỦ ĐỘNG.
Nên nhớ, Thủ tướng không thể cứ chờ nghe có việc gì thì ban lệnh xử lý việc đó. Đó không phải là Thủ tướng của một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Chỉ cần có Thế trận thì việc gì, rơi vào thế trận của ngành nào, tổ chức nào thì ngành và tổ chức đó sẽ tự giải quyết, chủ động giải quyết chứ không chờ Thủ tướng nữa. Khi quá khả năng thì mới báo cáo Thủ tướng. Các ngành và Tổ chức xây dựng mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, nhưng việc ai người đó chủ động đề xuất.
Nếu cứ đợi Thủ tướng ra lệnh như hiện nay thì có nhiều việc xẩy ra nghiêm trọng rồi mà vẫn chưa biết ai có trách nhiệm giải quyết.
Đã là một Thế trận thì sự phân công trách nhiệm phải rõ ràng ngay từ trước khi ra trận để mọi diễn biến cứ phải theo thế trận mà thực hiện.
Một Nhà nước pháp quyền đồ sộ như thế mà mọi việc dồn hết cho Y tế, Công an và Quân đội đến mức quá tải là không ổn tí nào.
THỨ BA, TRIỂN KHAI THẾ TRẬN VÀ TỔ CHỨC TRẬN ĐÁNH.
Có nhiều cách triển khai thế trận, tùy giai đoạn, tùy địa bàn và tùy cấp độ dịch, nhưng nguyên tắc chung của thế trận là BAO VÂY, CHIA CẮT và TIÊU DIỆT chứ không phải đem quân ĐUỔI THEO SỰ CỐ.
Dưới đây chỉ là phương án tham khảo:
VỀ HÌNH THẾ, thế trận phải đạt được nhiệm vụ bảo vệ (hoặc giải thoát) các mục tiêu trọng yếu là Thủ đô và TP. HCM và đảm bảo an toàn cho toàn mặt trận. Nếu Thủ đô và TP. HCM thất thủ thì các địa phương sẽ thất thủ theo hiệu ứng domino.
Trên bình diện quốc gia, phải lập tức BÁO ĐỘNG ĐỎ CHO CÁC LỰC LƯỢNG TÁC CHIẾN tiêu diệt dịch. Trong đó, Y tế đã vào cuộc, Công An đã vào cuộc, Quân đội (bao gồm Bộ đội Biên phòng) đã vào cuộc, nhưng trừ Y tế và Công an phải lâm trận tổng lực (có chỗ chưa hợp lý, sẽ nói sau), còn lại chưa vào trận trong hình thế của Thế trận mà đang phân tán theo vụ việc, kể cả quân đội cũng lâm trận vụ việc chứ chưa hình thành thế trận quốc phòng đánh dịch.
Tôi nghĩ, phải phân chia thành 3 mặt trận rõ ràng: Mặt trận bảo vệ Thủ đô, Mặt trận bảo vệ TP. HCM và Mặt trận bảo vệ các địa phương còn lại và phải thành lập Bộ Tư lệnh 3 Mặt trận này, không có đại khái, chung chung…. Ngành nào, tổ chức nào cũng phân chia lực lượng như thế.
Nguyên tắc 1 là các Mặt trận phải giải quyết nhiệm vụ chiến lược của mặt trận mình và chi viện cho Mặt trận khác chỉ với 2 điều kiện: Mặt trận mình đang an toàn và thừa lực lượng. Nếu không phân chia chức năng rõ ràng thì việc huy động lực lượng ngẫu hứng sẽ rất nguy hiểm. Tôi vừa cập nhật thông tin: Tỉnh A, B, C đang điều động mấy chục, mấy trăm cán bộ Y tế chi viện cho TP. HCM. Đây là một quyết định tình huống, nên làm. Nhưng thử hỏi, đã có ai đặt ra tình huống là vào một thời điểm nào đó, vì một lý do sơ suất nào nó, địa phương này bùng phát ổ dịch thì lực lượng Y tế còn lại trên địa bàn có đủ sức đáp ứng dập dịch hay phải điều lực lượng đã đi ứng cứu TP. HCM quay về? Và, khi quay về thì bỏ nhiệm vụ đang đảm nhiệm trong Tp, HCM cho ai?. Không hình thành thế trận thì việc tốt cho chỗ này có khi tai hại cho chỗ kia gấp nhiều lần.
Nguyên tắc của chi viện chiến lược là chỉ chi viện lực lượng cơ động, không được chi viện lực lượng tại chỗ để chủ động đối phó khi dịch chuyển hướng hoặc lan tỏa về địa bàn.
Nguyên tắc 2 là BAO VÂY, CHIA CẮT và TIÊU DIỆT DỊCH theo từng hình thế địa bàn, đánh đâu sạch đấy, bao vây và bảo vệ, không để tái dịch.
Mục tiêu trọng yếu giai đoạn 1 phải là Thủ đô Hà Nội, TP. HCM, các khu Công nghiệp. Cả nước phải tập trung cho việc bảo vệ các mục tiêu trọng yếu này.
Đây là 3 mục tiêu có phạm vi rộng, đối tượng đông, địa bàn khó kiểm soát, khả năng lan tỏa lớn.
Vì thế, nên chăng:
Quân đội và Công an huy động lực lượng XÂY DỰNG HỆ THỐNG PHÒNG TUYẾN DIỆT DỊCH ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Có bảo vệ được Thủ đô và TP. Hồ Chí Mình mới bảo vệ được cả nước
Theo đó, Quân đội lập hệ thống phòng tuyến, trong đó các doanh trại Quân Y gắn liền với các khu cách ly và khu điều trị dã chiến bao bọc quanh địa bàn TP. HCM và các tỉnh/thành vùng phụ cận bị dịch nặng.
Sau khi đã hình thành phòng tuyến Quân đội và Công an với hệ thống các Trại dã chiến, điều chuyển toàn bộ những người không có nơi cứ trú ổn định (người vãng lai, tạm trú) ra khỏi TP. HCM, đưa đến hệ thống phòng tuyến, kiểm tra phân làm 2 nhóm: Nhóm có nguy cơ được đưa vào điều trị. Nhóm không có nguy cơ thì tuyển dụng một số, đưa đi đào tạo kiến thức điều dưỡng và y tá khẩn cấp, cung cấp cho các đội TNXP và các cơ sở Y tế tiếp sức phục vụ chống dịch.
Người không có khả năng tham gia TNXP nhưng đã kiểm tra an toàn thì có 2 phương án giải quyết: Một là thông báo cho các doanh nghiệp có nhu cầu nhận lại, hai là thông báo cho các địa phương cho hồi hương có tổ chức. Việc hồi hương số này giao cho Bộ LĐ, TB, XH, Bộ GTVT và các Hội Đoàn phối hợp thực hiện, đưa về giao trực tiếp cho các Ban tiếp nhận của địa phương. Nguyên tắc là không đưa người có bệnh về quê. Cũng không để những người này quay lại Tp. HCM khi họ chưa có công ăn, việc làm.
Đối với người có bệnh phải điều trị thì sau điều trị cũng phân lập thành 3 nhóm, nhóm quay lại phục vụ chống dịch, nhóm quay lại sản xuất nếu có doanh nghiệp nhận và nhóm hồi hương có tổ chức.
Nếu thực hiện phòng tuyến đánh dịch như vậy thì sẽ giảm tải cho TP HCM để TP đủ sức dập dịch cho cộng đồng sở tại là công dân cư trú ổn định.
Sẽ có nhiều người hỏi rằng, với số lượng người vãng lại ở TP. HCM đông đến hàng vạn, có khi cả triệu người thì phòng tuyến nào cho đủ? Xin thưa, trong chiến tranh có thuật ngữ “đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận”, nếu có tư duy thế trận tốt thì sẽ giải quyết lần lượt từng điểm, từng địa bàn, từng nhóm phù hợp với công suất phòng tuyến.
Sau khi TP. đã được giảm tải thì chính quyền TP. sẽ tổ chức đánh dịch theo tuyến phố bằng cách chia nhỏ, đánh điểm: Chuyển bệnh nhân ra khỏi tuyến phố, khử trùng triệt để, thành lập Ban quản trị khu phố an toàn – tạm gọi như HN là “Khu phố Xanh”. Đặt kết nối với lực lượng “Cung ứng Xanh” (sẽ nói sau). Những cư dân bị nhiễm bệnh được chuyển đi, chỉ được đơn vị điều trị đưa về nhập “Khu phố Xanh” khi đã hết bệnh. Cứ như thế thực hiện cuốn chiếu từng “Khu phố Xanh”.
Để đảm bảo cho các “Khu phố Xanh” tồn tại, lực lượng TNXP – ứng cứu dịch sẽ chia làm 2 bộ phận. Một bộ phận (gọi là CUNG ỨNG XANH) chỉ chuyên cung ứng nhu yếu phẩm cho các “Khu phố xanh” để đảm bào không mang dịch bệnh đến “Khu phố Xanh”, bộ phận thứ hai (gọi là CUNG ỨNG ĐỎ) chỉ chuyên cung ứng nhu yếu phẩm cho các Khu phố đang có dịch (KHU PHỐ ĐỎ). Hai bộ phận này độc lập, không được liên hệ lẫn nhau để tránh lây lan.
Đối với các bệnh nhân nhiễm nặng tử vong, tuyệt đối không trả về gia đình vì 3 lý do: Một là những gia đình như vậy thường không có ai để lo tang do đã bị đi cách ly, hai là, dễ lây truyền bệnh khi làm tang và ba là tạo nên không khí tang thương không lợi về tâm lý. Vì vậy, Ngành LĐ, TB và XH nên thành lập NGHĨA TRANG NẠN NHÂN COVID-19 và thay mặt gia đình an táng cho người xấu số. Nếu là lọ tro cốt thì có thể xây tường và gắn lên tường, kèm theo biển tên, địa chỉ cư trú, thông tin tối thiểu. Thành lập Ban quản trị nghĩa trang để lưu giữ hồ sơ, khi dịch tan thì gia đình sẽ làm lễ cho người xấu số sau. Tuyệt đối không giao cho bất cứ ai đưa hài cốt về “Khu phố Xanh”.
Lực lượng Quân đội và Công an nên chia làm 2 mũi: Một mũi xung kích cứu trợ vùng trung tâm TP. Mũi thứ hai quản lý và điều trị cho các bệnh nhân. Ngoài ra, Công an và Quân đội có thể giúp Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Phụ nữ thành lập và giúp đào tạo các đơn vị TNXP.
MẶT TRẬN BẢO VỆ THỦ ĐÔ cũng có mô hình và phương thức đánh dịch như Tp. HCM.
.
ĐỐI VỚI MẶT TRẬN CHỐNG DỊCH CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG:
Nguyên tắc chung về triển khai thế trận giống như Mặt trận chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh nhưng quy mô và lộ trình tùy theo mức độ lan tỏa của dịch theo thời gian.
Dù dịch chưa lan rộng nhưng cũng phải triển khai thế trận ngay: Mỗi địa phương xây dựng bao nhiêu phòng tuyến, nguồn lực của các phòng tuyến lấy ở đâu. Riêng nguồn lực con người phải thành lập ngay, có tên tuổi, biên chế, có chương trình hoạt động.
Các địa phương có nhiệm vụ đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ cho tất cả các tình huống và cấp độ dịch.
Nguyên tắc của chống dịch là KHÔNG ĐƯA LỰC LƯỢNG CHỦ LỰC RA KHỎI ĐỊA BÀN dù bất cứ lý do gì bởi đây là đạo quân thực hiện chiến lược phòng thủ và tác chiến đánh dịch khi bị lan toả.
Các địa phương phải góp phần bảo vệ Thủ đô và TP. HCM bằng cách nắm chắc danh sách người địa phương mình đang mất ổn định tại 2 thành phố trên để có kế hoạch cứu hộ, giảm tải cho Thủ đô và TP. HCM trên nguyên tắc KHÔNG ĐƯA DỊCH VỀ QUÊ.
Để thực hiện nguyên tắc đó, các địa phương phải cung cấp danh sách, địa chỉ người lao động của địa phương mình cho TP. HCM, cho lực lượng Quốc phòng và Công an đang lập phòng tuyến để di chuyển họ ra vùng dã chiến kiểm tra, phân nhóm xử lý, kết hợp địa phương chuyển về quê những trường hợp không còn dấu hiệu bệnh, số còn lại chuyển sang tập huấn bổ sung cho các đơn vị chống dịch.
Trong thế trận chung, các ngành phải tự chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình như một lực lượng đã được phân công đảm nhận các mũi tiến công.
VỀ NGUỒN LỰC
Nếu nhân dân vùng bị dịch không được phép ra đường khi không có những việc thiết yếu thì Nhà nước trong bối cảnh dịch cũng NÊN NGỪNG NGAY CÁC CÔNG VIỆC CHƯA THIẾT YẾU, điều đó Nhà nước tự biết, đừng để dân phàn nàn.
Đặc biệt, không thể huy động tiền thiện nguyện của các tầng lớp Nhân dân, kể cả cụ về hưu và cháu nhỏ mà Nhà nước lại đầu tư làm tượng đài, xây sinh cảnh hàng trăm, hàng nghìn tỷ.
Một số Bộ Ngành cần ưu tiên công việc cho chống dịch. Ví dụ Bộ Thông tin và Truyền thông tạm ngừng những tuyên bố về những khả năng cao xa của IT mà làm ngay cái việc trước mắt là chặn truyền thông bẩn gây rối loạn dư luận (không phân biệt truyền thông NN hay mạng XH – điều này Bộ 4 T chưa làm tốt), thiết lập các mạng thông tin sao cho mỗi một lời kêu cứu của dân đều được lên mạng quản lý và tới tai nhà quản lý, nhà cứu hộ (kiểu như mạng xe công nghệ, định vị toạ độ kêu cứu, ai đang ở gần sẽ có tín hiệu sớm, tiếp cận ngay)….
Về cơ sở vật chất đảm bảo cho việc cách ly, chữa bệnh, tôi nghĩ không hề thiếu, nếu không nói là dư thừa nếu biết cách làm. Tôi nhớ hồi chiến tranh, chỉ một bức điện mật yêu cầu các cơ quan Dân chính Đảng phải sơ tán ngay lập tức thì vài tiếng đồng hồ sau, các cơ quan Dân chính Đảng đã có nơi làm việc mới là… NHÀ DÂN. Vậy sao bây giờ không làm ngược lại: Nhường công sở cho Nhân dân cách ly, tại sao không? Chúng ta hãy tận dụng nguồn lực từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các công trình công ích, nhưng khi thế trận chống dịch cần thì cũng phải trưng dụng công sở.
Chúng ta có quá nhiều trụ sở khang trang, rộng rãi, nhiều trụ sở thừa do xây mới, sao có thể nói thiếu nơi cách ly, điều trị được. Nếu chúng ta biết sắp xếp và nghĩ đến dân. Hãy nên có một cơ chế thông thoáng, lúc này cứu dân tức là tự cứu mình.
Chúng ta có thể kết hợp nguồn ngân sách với nguồn đóng góp của Nhân dân để mua và tiêm gấp vaccine trên nguyên tắc dân hài lòng mới yên tâm, lấy dân làm mục tiêu vaccine chứ không lấy doanh nghiệp làm điều kiện ép dân. Với cán bộ, công chức, viên chức, tại sao mức đóng góp không phải là một ngày lương, một tuần lương hay cao hơn là một tháng lương để cùng Nhà nước mua vaccine chống dịch và hỗ trợ lực lượng chống dịch. Tại sao không khuyến khích cán bộ có chức vụ (kể cả hưu trí) có lương cao đóng góp cao hơn để họ khỏi e ngại dư luận?. Tại sao Bộ Công thương và Chính phủ không huy động đóng góp, thậm chí trưng tập, trưng dụng, trưng thu một phần cơ sở và tài chính của các doanh nghiệp trong trường hợp đặc biệt của thiên tai, dịch bệnh để phục vụ chống dịch…. đã được PL cho phép?
Cuối cùng, toàn bộ cuộc chiến chống đại dịch của ta THIẾU MỘT TỔNG TƯ LỆNH.
Chúng ta có “Tứ trụ” là những tư lệnh, TBT là tư lệnh chính trị, rõ rồi. Còn 3 tư lệnh nữa thì ai cũng muốn thể hiện vai trò của mình và Nhân dân thì nhận được quá nhiều chỉ thị.
“Chống dịch như chống giặc” thì phải tập trung quyền lực cho một Tổng tư lệnh. Nếu cần có thêm một tướng ngoài trận mạc thì tướng đó phải bản lĩnh, dám “Tiền trảm hậu tấu” chứ không co đầu, rụt cổ…
“Chống dịch như chống giặc” buộc phải có lòng tin. Vậy xin hãy làm chứ đừng hứa. Nhân dân sẽ vỗ tay khi họ nói:
Sống rồi!
Lời thốt lên từ khao khát sống đó gấp vạn lời hứa!
Trong khuôn khổ một stt không thể nói hết ý mình, chỉ đưa ý tưởng và ví dụ, nhưng tôi nghĩ, nếu tổ chức một thế trận tốt, chúng ta sẽ hạn chế được tác hại của dịch bệnh ở mức tối đa có thể.
Nguồn: Tre làng