Trang chủ Chính trị Lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc chiến chống đại...

Lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc chiến chống đại dịch

139
0

Bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà Cách mạng Tháng Tám để lại vẫn mang tính thời sự nóng hổi trước cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

76 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với gần 5.000 đảng viên, Nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, chấm dứt hơn 80 năm bị thực dân, đế quốc đô hộ. Thành công nhanh chóng của cuộc cách mạng này được tạo nên bởi sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc chiến chống đại dịch
Đoàn cán bộ y tế Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm trước khi lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch.

Đường lối đúng đắn quy tụ lòng dân

Trước Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, rất nhiều phong trào yêu nước khác nhau đã nổ ra nhưng đều thất bại. Không phải những nhà cách mạng ấy không có lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng, cũng không phải họ nhụt phai ý chí, thế nhưng những phong trào từ các bậc tiền bối như Phan Bộ Châu, Phan Chu Trinh đến những phong trào “tiếng thét Yên Bái” của người anh hùng Nguyễn Thái Học đều phải dừng lại. Sự thất bại của các phong trào yêu nước ấy sau này đã được đi tìm và giải mã mà nguyên nhân được nhiều đồng thuận chính là các phong trào ấy chưa khơi dậy được tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc.

Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ngay khi về nước lãnh đạo cách mạng đã quy tụ đông đảo các giới đồng bào, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo… cùng nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chính đường lối đúng đắn ấy đã quy tụ tất cả tầng lớp Nhân dân đứng dưới lá cờ tập hợp của Việt Nam để làm nên thắng lợi này. Vì vậy, không khó hiểu khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra ở cơ quan đầu não thì chỉ ít ngày sau Hà Nội đã giành được độc lập.

Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, cuộc cách mạng đã nổ ra và thành công nhanh chóng. Thành công nhanh chóng của cuộc Cách mạng Tháng Tám chính là ở việc Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã chớp thời cơ của tình hình trong nước và thế giới. Chớp thời cơ Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và những thắng lợi của quân Đồng Minh ở châu Âu; hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Quân lệnh số 1 sau đó đã khẳng định: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!… Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”. Trước đó, khi nghe bản tin về việc Nhật hoàng chấp thuận đầu hàng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nói với ông Võ Nguyên Giáp: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập!”.

Người đứng đầu phủ Khâm sai Bắc bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim là Phan Kế Toại đã rút lui và ra lệnh không được nổ súng vào đoàn của người dân biểu tình. Bốn ngày sau, Hà Nội, Huế – kinh đô của triều đình phong kiến đã giành chính quyền. Vua Bảo Đại đã thức thời chấp thuận thoái vị để trao quyền lại cho quốc dân. Các vị quan lại nổi tiếng của triều đình Huế, trước sự mách bảo của con tim và khối óc đã quyết định đứng về phía Nhân dân. Ngày 25-8, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn.

Lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc chiến chống đại dịch
Người dân phường 5, Quận 6 tham gia Phiên chợ nhân ái – Siêu thị nghĩa tình tại hẻm 203 Phan Văn Khỏe.

“Tác phẩm của Nhân dân, được làm bằng máu thịt của Nhân dân”

Là một người chứng kiến không khí sục sôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở TP Sài Gòn, nhà cách mạng kiên trung Nguyễn Văn Nguyễn đã viết: “Giữa cảnh trời lộng mây, làn sóng người cuồn cuộn chảy vào đô thị, chiến tranh vừa kết thúc, nhơn loại thở một hơi dài, người nô lệ đi ra đường, cỏ cây, đất nước cùng được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình của anh hùng vô vi cô độc. Tác phẩm của nhân dân, được làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân: ấy là Cách mạng tháng Tám”.

Ba bài học lớn cho cuộc chiến chống dịch

Thành công nhanh chóng của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố. Những bài học nóng hổi ấy vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lần thứ tư đang gây rất nhiều thiệt hại về người và mọi mặt ở nhiều tỉnh, thành, nhất là TP.HCM.

Trước hết, thành công nhanh chóng của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là ở việc chớp đúng thời cơ. Thời cơ quan trọng nhất khi ấy chính là sự thất bại và đầu hàng của đội quân Quan Đông của phát xít Nhật. Thời cơ khác cũng không kém phần quan trọng là thực dân Pháp và phát xít Nhật đã đẩy người dân Việt Nam vào nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944 đầu 1945, vì vậy khi tổng khởi nghĩa được ban ra, đông đảo người dân đã hưởng ứng để mong thoát khỏi tình cảnh tang thương. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này, dự báo trúng tình hình để đưa ra các quyết sách chính xác, phù hợp, đúng thời điểm là vô cùng quan trọng bởi nếu chỉ cần “sai một ly” sẽ “đi một dặm”.

Lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc chiến chống đại dịch
Cán bộ Công đoàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) tiếp nhận hàng đặc sản hỗ trợ người dân TP.HCM chống dịch.

Bằng đường lối “coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy”, Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón tất cả cá nhân, đoàn thể, chỉ cần thành công đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do, độc lập. Đây chính là chất keo sơn gắn kết rộng rãi nhiều tầng lớp đồng bào. Trong bối cảnh xây dựng đất nước và phòng chống dịch hôm nay, chúng ta nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, của những tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tất cả sự giúp đỡ chân tình, không điều kiện cho dù đến từ đâu đều đáng được trân trọng.

Để có sự thành công nhanh chóng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương đã trải qua 15 năm xây dựng và tập hợp lực lượng. Không một tổ chức nào dù mạnh đến bao nhiêu có thể làm được tất cả mọi việc, Lênin đã nói đại ý như vậy. Điều đặc biệt quan trọng là các tổ chức giữ vai trò lãnh đạo không chỉ tạo ra xúc cảm để dẫn dắt mọi người mà còn phải thổi được tinh thần để quy tụ sức mạnh.

Trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 mấy tháng qua, những phong trào đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những con hẻm nhỏ. Nhiều chương trình trợ giúp của TP.HCM đã phát huy tác dụng, giúp nhiều người vượt qua khó khăn trong phòng chống đại dịch. 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu được thành lập ở tất cả xã, phường, thị trấn; các tổ tiếp nhận thông tin được thành lập… không chỉ huy động sức mạnh từ cơ sở, giúp giảm tải cho cấp TP trong phòng chống dịch mà còn giúp người dân an tâm hơn, không cảm thấy bị bỏ rơi trong cuộc chiến này…

76 năm sau cuộc cách mạng vĩ đại này, cùng thời gian này, đất nước, đặc biệt là TP.HCM đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch gây ra. Trong bối cảnh ấy, bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà Cách mạng Tháng Tám để lại vẫn mang tính thời sự nóng hổi hôm nay.

Bài học của Cách mạng Tháng Tám trở thành giá trị văn hóa

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã để lại bài học quý báu, nhất là bài học về lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là nhân tố quyết định, không có sức mạnh đoàn kết thì không thể nói đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Khối đại đoàn kết của dân tộc từ năm 1945 đã được tiếp nối trong cuộc chiến trước đại dịch COVID-19 hiện nay.

Dịch là phép thử của nhân dân và của mọi tầng lớp, cũng là phép thử cho năng lực quản lý, lãnh đạo. Đó còn là phép thử cho khối đại đoàn kết toàn dân, phép thử cho sức mạnh của dân tộc, phép thử cho mối quan hệ quốc tế bền chặt hay không, khôn khéo hay không. Mỗi lúc dân tộc có khó khăn, dân tộc có thử thách thì phép thử đó càng trở nên rõ ràng. Trong bối cảnh dịch bệnh, phép thử ấy đòi hỏi chúng ta xử lý tình huống phải thật trúng, thật nhanh.

Những gì đang diễn ra suốt thời gian qua cho phép chúng ra khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân trong đại dịch đang được phát huy một cách độc đáo, thành công. Có thể thấy ở những ATM gạo; siêu thị 0 đồng; những chuyến xe chở lương thực nối đuôi nhau vào Nam; lớp lớp người dân ở các nơi đồng lòng hướng về miền Nam, từ trái bầu, trái bí, rau củ… mỗi người một tấm lòng góp sức đưa vào TP.HCM. Đó còn là những ứng xử nghĩa tình của từng cộng đồng dân cư trong cuộc chiến này.

Bài học của Cách mạng Tháng Tám trở thành giá trị văn hóa, khi đã thành giá trị văn hóa sẽ thẩm thấu một cách tự nhiên qua nhiều thế hệ, đến lúc nào đó sẽ phát ra thành những sức mạnh to lớn. Đó là tinh thần đoàn kết, văn hóa dân tộc, Đảng với dân, dân với Đảng, với chính quyền, chung sức chung lòng và kết nối với bè bạn quốc tế; vận dụng sáng kiến của nhân dân để vượt qua thử thách của trận đại dịch này.

TS VŨ TRUNG KIÊN


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây