Trang chủ Chính trị Cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai

Cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai

211
0

Ông Lê Hữu Thể – nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, do không có chí khí, sợ bị liên lụy, sợ bị trù dập nên cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai.

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND truy tố ông Nguyễn Đức Chung – nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án mua hoá chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội.

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung là người chủ mưu trong việc dừng sử dụng hóa chất cũ để mua hóa chất mới…, chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội làm trái pháp luật mua qua Công ty Arktic, mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (là công ty gia đình của ông Chung, sở hữu 40% vốn điều lệ).

Cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai
Ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm hầu tòa vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

 

Trước đó, vào tháng 7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị, đồng thời đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung do trong thời gian đương chức đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch-Đầu tư TP Hà Nội liên quan Công ty Nhật Cường.

Tổ chức Đảng cơ sở mất sức chiến đấu

Quan sát các vụ án hình sự liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, không khó để nhận ra sự chuyên quyền, độc đoán trong lãnh đạo của người đứng đầu, khi đã lợi dụng, lạm dụng quyền lực để qua mắt, áp đặt, lấn át, thậm chí vô hiệu hóa tập thể nhằm phục vụ mục đích và lợi ích riêng.

Cũng từ việc lãnh đạo độc đoán nên quy chế dân chủ không được phát huy, không có tính đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng, do đó không kịp thời phát hiện những vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Nhiều năm làm công tác kiểm tra, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chua xót nói: “Tại sao tổ chức lại để xảy ra sự việc như thế? Trong suốt thời gian ông Chung nắm giữ vị trí lãnh đạo thành phố, có ai từng đến “vỗ vai” nhắc nhở ông ấy không. Tổ chức quản lý, giám sát con người này đã thể hiện vai trò đến đâu?”.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, ngoài việc bản thân cán bộ lạm quyền, lộng quyền, bất chấp nguyên tắc, quy chế, quy trình thì nguyên nhân dẫn đến cán bộ mắc những sai phạm trên còn do sự buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở Đảng.

Bởi theo nguyên tắc, mọi đảng viên phải sinh hoạt tại tổ chức Đảng cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ của người đảng viên, thực hiện phê bình và tự phê bình. Nhưng khi sự việc xảy ra, một dấu hỏi lớn là tổ chức Đảng ở đây đã thể hiện vai trò như thế nào? Tại sao đồng chí của mình vi phạm mà tổ chức Đảng không biết, hay biết nhưng không dám đấu tranh vì nể nang, né tránh, ngại va chạm? Vì thiếu dân chủ, thiếu sự đấu tranh khi thấy có dấu hiệu vi phạm nên tổ chức Đảng ở đó mất sức chiến đấu, thậm chí bị tê liệt.

Những vụ việc liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung càng được làm sáng tỏ cũng cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm cần được rút ra, trong đó có bài học sâu sắc về lựa chọn và sử dụng cán bộ. Khi trao quyền cho người đứng đầu, không kiểm tra, giám sát thì quyền lực ấy dễ bị lạm dụng, lợi dụng, bấp chấp các nguyên tắc. Bản thân cán bộ trở nên kiêu ngạo và đánh mất mình trước cám dỗ của lợi ích, của những “viên đạn bọc đường” từ khi nào không hay.

Muốn vượt qua “lằn ranh” của những cám dỗ đó, đòi hỏi cán bộ phải có cái tâm trong sáng, giữ vững bản lĩnh, luôn đặt lợi ích chung, lợi ích của tập thể lên trên hết, trước hết.

Trong lựa chọn cán bộ để trao quyền, ngoài tiêu chuẩn về “tài”, thì “đức” phải là gốc. Bởi chỉ khi giữ vững “liêm, chính” thì cán bộ mới đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ vật chất, lợi ích tầm thường. Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, cán bộ sau khi được nắm giữ vị trí chủ chốt nhưng sớm thoái hóa, biến chất thì người đề cử, tiến cử nhân sự đó cũng phải bị ràng buộc trách nhiệm.

Cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai

Trong kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã sử dụng quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở KH-ĐT chỉ định, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Mặc dù cán bộ dưới quyền biết việc này là sai trái nhưng vẫn làm theo chỉ đạo của ông Chung, cho Công ty Nhật Cường vào làm thí điểm công tác số hóa để lấy lý do sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu liên danh Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu.

Lý giải về việc này, ông Lê Hữu Thể – nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, do không có chí khí, sợ bị liên lụy, sợ bị trù dập nên cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai, tiếp tay với cái xấu để làm theo chỉ đạo của người đứng đầu.

Cán bộ cấp dưới dễ dàng thỏa hiệp với cái sai
Ông Lê Hữu Thể, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. (ảnh: Noichinh.vn)

 

Điểm lại một số vụ án kinh tế thời gian qua cho thấy, dù biết chỉ đạo miệng, chỉ đạo theo kiểu bút phê của cấp trên là sai nhưng không ít cấp dưới vẫn làm theo, vì “sếp đã quyết”, vì nếu có ý kiến thì cũng không thay đổi được vấn đề. Chính sự nể nang, mất chí khí, mất tính chiến đấu và tâm lý sợ bị trù dập nên nhiều người đã chọn cách tiêu cực là im lặng và tiếp tục thực hiện mệnh lệnh để đảm bảo quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng. Họ thậm chí biết được sự im lặng đó chính là tiêu cực, là sự im lặng phá hoại.

“Người đứng đầu chuyên quyền, độc đoán, dùng quyền lực để trù dập cán bộ dưới quyền cũng là một dạng của tham nhũng quyền lực” – ông Lê Hữu Thể nói và nhấn mạnh, khi tập thể cấp ủy đã bị người đứng đầu làm cho vô hiệu hóa và mất sức chiến đấu nên đã không kịp thời đấu tranh với những hành vi sai trái.

Tại sao tập thể lại sợ số ít? Tại sao tập thể dễ dàng bị vô hiệu hóa như vậy? Phải chăng người đứng đầu đã được giao quá nhiều quyền, họ dùng quyền lực để khống chế tất cả. Qua đây cũng cho thấy công tác kiểm soát quyền lực vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến các cá nhân này dễ dàng lạm dụng, lợi dụng, thậm chí bất chấp luật pháp, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được mục đích riêng.

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, kiểm soát quyền lực là một vấn đề khó, phức tạp, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không có kết quả, bởi mọi hành vi tiêu cực, tham nhũng đều xuất phát từ quyền lực.

Do đó phải thực hiện tốt nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng các quy định chặt chẽ, có tính hệ thống. Trao quyền lực cho cán bộ nhưng đi cùng với đó là ràng buộc về trách nhiệm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề; hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vụ lợi phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc.

Đức Minh 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây