Chỉ còn ít ngày nữa Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) sẽ chính thức diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, có rất nhiều trở ngại đang cản bước các vận động viên chuẩn bị tranh tài, trong đó vấn đề lớn nhất là tài chính.
Trên thực tế, để đạt được ước mơ thi đấu, các vận động viên người khuyết tật cần phải có những thiết bị chuyên dụng, chất lượng cao, nhưng điều này thường nằm “ngoài tầm với”. Để giúp những người kém may mắn hiện thực hóa ước mơ, những người hâm mộ thể thao tại Nhật Bản đã có nhiều sáng kiến để hỗ trợ các vận động viên.
Nhiều vận động viên khuyết tật Nhật Bản cho biết ngoài ý chí và tài năng của các vận động viên, sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng giúp họ vươn tới những ước mơ. Xạ thủ Paralympic Mika Mizuta là một trong số những vận động viên đó. Cô đã sử dụng số tiền 4 triệu yen (36.500 USD) từ các chiến dịch quyên góp trực tuyến, để trang bị cho mình một chiếc xe lăn dành cho thi đấu.
Cô gái trẻ 23 tuổi này trước đây vẫn thi đấu bằng chiếc xe lăn được sản xuất riêng tại một bệnh viện từ khi còn là học sinh trung học cơ sở. Tuy nhiên, để tham gia thi đấu ở cấp Paralympic, cô gái trẻ này cần 1 chiếc xe lăn có chất lượng hơn. Do đó, cô đã phải tìm đến sự giúp đỡ của những “mạnh thường quân” trên Internet. Mizuta cho biết cô đã rất ngạc nhiên khi nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, đồng thời cho biết sẽ thi đấu hết sức tại Paralympic sắp tới để không phụ lòng người hâm mộ.
Trong khi đó, một vận động viên khác là Keiko Tanaka, mắc bệnh bại não, cũng đã nhận được hơn 1 triệu yen từ những người hâm mộ và đã dùng số tiền này để mua thiết bị hỗ trợ khi tham gia thi đấu.
Với quyết tâm mang lại cơ hội để các vận động viên khuyết tật có thể tiếp tục thi đấu bóng bàn và quảng bá môn thể thao này, sau khi Paralympic phải hoãn lại do dịch bệnh, tháng 11/2020, “ngôi sao” bóng bàn khuyết tật của Nhật Bản, Koyo Iwabuchi, đã tổ chức giải đấu Iwabuchi Open ở thủ đô Tokyo và anh đã mang về 560.000 yen từ 100 nhà tài trợ.
Ông Takahiro Matsuzaki, đại diện của Athlete Flag Foundation – đơn vị tiến hành chiến dịch gây quỹ tập trung vào vận động viên, mang tên Unlim, khẳng định việc tiếp cận tập thể là chiến lược tốt nhất đối với các vận động viên có tái chính khó khăn hơn do tác động của đại dịch. Theo ông, đây cũng là lúc không chỉ các doanh nghiệp, mà cả cá nhân và xã hội tham gia hỗ trợ các vận động viên đang nỗ lực lên trên số phận.
Nguồn: Báo Tin tức