Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu điều chỉnh công tác điều trị F0, quản lý F1 phù hợp để hạn chế tình trạng quá tải giữa các tuyến cách ly, thu dung, điều trị.
Tình hình kiểm soát dịch ở TP.HCM có chuyển biến tích cực là nhận định được thống nhất tại Hội nghị trực tuyến mở rộng lần thứ 41 của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 11/8. Cuộc họp tập trung thảo luận về kết quả triển khai Chỉ thị 12 về tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 từ 2/8 đến 8/8, đồng thời, định hướng nhiệm vụ trong 8 ngày giãn cách xã hội tiếp theo.
Dịch có xu hướng giảm dần
Báo cáo sơ kết 7 ngày triển khai Chỉ thị 12, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết từ 26/7 đến 1/8, TP ghi nhận 33.870 ca, bình quân hơn 4.800 ca/ngày. Từ 2/8 đến hết 8/8, TP ghi nhận 23.843 ca, bình quân hơn 3.900 ca/ngày. Điều này cho thấy dịch có xu hướng giảm dần, dao động ở mức 3.000-4.000 ca/ngày.
Hệ số lây nhiễm chung hiện tại là 0,78, giảm so với tháng 7. Số ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện không tăng trong 7 ngày qua.
TP.HCM liên tục nâng năng lực điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Năng lực 5 tầng điều trị hiện như sau:
Về an sinh xã hội, lũy kế đến nay các địa phương đã giải ngân hơn 680 tỷ đồng trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND. Về cung ứng hàng hóa, từ 2/8, sản lượng hàng hóa cung ứng trung bình trên 6.500 tấn mỗi ngày.
Đối với công tác tiêm vaccine, từ đợt 5 đến 10/8, thành phố đã tiêm 2.534.517 người; phấn đấu trong tháng 8, trên 6 triệu dân được tiêm ít nhất 1 mũi.
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Thành ủy nhận định tình hình kiểm soát dịch có chiều hướng chuyển biến tích cực, nhưng thực tế dịch bệnh tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải về sức lực, nhu cầu nhân sự y tế cần tăng cường.
Bên cạnh đó, việc phong tỏa rộng và chậm gỡ phong tỏa gây quá tải cho công tác phòng, chống dịch. Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca F0 có triệu chứng, bệnh nặng có lúc chưa kịp thời. Một số nơi tổ chức tiêm vaccine chưa bảo đảm quy định giãn cách, trở thành điểm nguy cơ lây nhiễm cao. Quản lý, kiểm soát thông tin tuyên truyền có lúc chưa kịp thời, chưa định hướng tốt dư luận xã hội.
Xử lý đơn vị để xảy ra lây nhiễm tại điểm tiêm
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định sau một thời gian tập trung dồn sức chống dịch, TP đã tạo được một số chuyển biến rất quan trọng. Ông cho biết thời gian qua nhận được nhiều lời động viên, lời khuyên, lời nhắc nhở về các chiến lược nhằm khắc phục hạn chế phát sinh trong thực hiện Chỉ thị 16.
“Những lời khuyên, động viên, nhắc nhở đều có lý nhưng chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt chọn lựa, thống nhất quyết định, chọn lựa những giải pháp phù hợp”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Ông đề nghị quá trình tổ chức thực hiện tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Trung ương, tôn trọng nguyên tắc chuyên môn, nắm vững quan điểm chỉ đạo cấp trên để vận dụng vào tình hình thực tiễn của TP.
Thành phố cần nhìn nhận mặt đã làm được, chưa làm được để phát huy hoặc rút kinh nghiệm, khắc phục. Lãnh đạo quận, huyện cần chia sẻ trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong chống dịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao việc nhiều cơ quan, đơn vị đã lập đường dây nóng phục vụ phòng, chống dịch, phản ứng nhanh hơn, có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể đáp ứng hơn. Qua đó, thành phố ghi nhận một số chuyển biến tích cực.
Chỉ ra những hạn chế, Bí thư Nên cho biết có tình trạng quá tải, nhiều nơi chưa đảm bảo giãn cách khi tổ chức tiêm chủng… “Trách nhiệm của chúng ta phải bảo vệ, không để lây nhiễm tại các điểm tiêm. Nếu phát hiện lây nhiễm tại các điểm tiêm, sẽ xử lý đơn vị để xảy ra lây nhiễm”, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Về điều trị F0, quản lý F1, ông Nên yêu cầu điều chỉnh phù hợp để hạn chế tình trạng quá tải giữa các tuyến cách ly, thu dung, điều trị.
“Mỗi người cố gắng nỗ lực quyết tâm, vượt qua chính mình đi qua ‘cơn bão’ một cách bản lĩnh để chiến thắng dịch bệnh. Chúng ta cùng làm tốt hơn những việc đang làm, đúng hướng rồi cần cố gắng hơn nữa để sớm đẩy lùi dịch bệnh”, Bí thư Thành ủy kêu gọi.
Thu Hằng
Nguồn: Cánh cò