Những biến cố dồn dập đầy kịch tính của thế giới trong mấy thập niên qua đã tác động lớn đến tâm trí và nhận thức của mọi người. Nhất là sau sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô, các phần tử phản động và không ít người “ăn theo” càng như được thể, hí hửng rằng chủ nghĩa xã hội, lý tưởng Cộng sản đã hết thời; rằng Việt Nam phải đi theo chủ nghĩa tư bản mới phát triển được và thế mới hợp thời, v.v.
Có thể nhận rõ ngay đó là luận điệu thâm độc. Xem xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, chúng ta có đủ các luận cứ xác đáng để khẳng định sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, đầy sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
1. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Nhân loại đã chứng kiến trong thế kỷ XIX – XX, chủ nghĩa tư bản đã tỏa vòi đi khắp các châu lục để vừa “hút máu” nhân dân lao động ở chính quốc, vừa hút máu nhân dân lao động ở các nước thuộc địa. Nhân dân Việt Nam đã trải qua những khổ đau, cơ cực dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc nên thấy hết bản chất của chủ nghĩa tư bản. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước đã dấy lên hết sức mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại. Chưa bao giờ như lúc bấy giờ, công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam ở trong tình hình đen tối, không có đường ra.
Nhưng rồi lịch sử đã có lời giải đáp. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã là người gieo hạt, gây mầm và tạo dựng cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng soi đường trong Luận cương của V.I. Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên khắp thế giới khỏi ách nô lệ”1. Với kỳ công của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam chuyển hóa thành một sự kiện trọng đại: ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Vừa ra đời, Đảng ta tuyên bố: “Chủ trương tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Lời tuyên bố ấy đồng nghĩa với việc bác bỏ thẳng thừng chế độ phong kiến và chế độ tư bản chủ nghĩa; chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu lựa chọn mà đã thực sự thúc đẩy lịch sử dân tộc Việt Nam chuyển mình, là con đường mà dân tộc Việt Nam đã và đang đi theo dòng thời đại.
Sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, xét về logíc là một tất yếu khách quan; xét về lịch sử, hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại; xét về nhu cầu, hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, nửa phong kiến và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam; xét về mặt xã hội, đó là một hệ giá trị cơ bản lớn nhất quyết định sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau. Vì thế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”2; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”3.
BBC vẫn thường cho loan tải những bài viết để ca ngợi chế độ tư bản
2. Chủ nghĩa tư bản không phải là xã hội tốt đẹp. Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa tư bản liên tục có sự điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới và đã đạt được nhiều thành công để tiếp tục tồn tại; mặc dù vậy, vẫn không thể khắc phục được những ung nhọt và những căn bệnh cố hữu của nó. Bredinxky, người Mỹ gốc Ba Lan, nguyên là cố vấn an ninh thời Tổng thống Mỹ Catơ, đã xuất bản cuốn sách “Ngoài vòng kiểm soát, sự nổi loạn toàn cầu bên thềm thế kỷ XXI”. Đây là cuốn sách đưa ra nhiều luận cứ cho các chiến lược của Mỹ. Dù đã cố tô vẽ cho bộ áo cánh sặc sỡ của chủ nghĩa tư bản Mỹ, nhưng chính Bredinxky phải thừa nhận 20 vấn đề nan giải của xã hội Mỹ. Trong đó nổi lên là: nợ nần; chăm sóc y tế không đầy đủ; giáo dục trung học chất lượng kém; một giai cấp giàu có tham lam; vấn đề chủng tộc và nghèo đói ngày càng sâu sắc; tội ác và bạo lực tràn lan; sự truyền bá ồ ạt về đồi trụy tinh thần bằng phương tiện nghe nhìn, v.v.
Cho dù chủ nghĩa tư bản ngày nay đã có sự điều chỉnh nhất định trong những hình thức quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối nhưng vẫn không thể khắc phục được mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Biểu hiện cụ thể:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa tư bản và lao động. Sự phân cực giàu nghèo và tình trạng bất công xã hội tăng lên, chứng tỏ bản chất bóc lột giá trị thặng dư vẫn tồn tại, dù được biểu hiện dưới những hình thức tinh vi hơn. Cả sự bần cùng hóa tuyệt đối lẫn tương đối của giai cấp công nhân vẫn đang tồn tại. Trong xã hội tư bản ngày nay, sự bất bình đẳng và các tệ nạn xã hội vẫn tồn tại một cách phổ biến; sự suy đồi về xã hội, văn hóa và đạo đức ngày càng trầm trọng. Tệ phân biệt chủng tộc, tình trạng bất công đã làm tăng các tệ nạn xã hội và trở thành một thách thức gay gắt. Tội ác và bạo lực tràn lan. Ngày nay, trong xã hội tư bản, sự tha hóa không chỉ diễn ra trong lao động mà còn diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội. Không những môi trường tự nhiên mà cả môi trường xã hội cũng bị ô nhiễm và hủy hoại. Đời sống văn hóa và đạo đức của xã hội tư bản xuống cấp nghiêm trọng.
Thứ hai, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc. Ngày nay, mâu thuẫn này đang chuyển thành mâu thuẫn giữa các nước chậm phát triển bị lệ thuộc với những nước đế quốc.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau, chủ yếu là giữa ba trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu của thế giới tư bản (Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu), giữa các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia.
Thứ tư, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Mâu thuẫn này vẫn tồn tại một cách khách quan, xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trên thực tế, mâu thuẫn này biểu hiện trong mưu đồ của các thế lực đế quốc, lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở một số nước để đẩy mạnh cuộc phản kích quyết liệt bằng mọi thủ đoạn (không loại trừ sự can thiệp bằng quân sự) nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Nhưng do điều kiện quốc tế đã có những thay đổi: giữa một số nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã thiết lập quan hệ chính thức về mặt nhà nước, có quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh về nhiều mặt, do vậy mâu thuẫn này ngày nay biểu hiện chủ yếu bằng “diễn biến hòa bình” và chống “diễn biến hòa bình”. Tuy hình thức biểu hiện có khác trước, nhưng đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản vẫn là cuộc đấu tranh rất quyết liệt.
Thực tế thời gian qua, một số nước Đông Âu và ở Liên Xô sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa tan rã đã đi theo con đường chủ nghĩa tư bản nhưng đã qua 30 năm mà không hề giàu có, ngược lại đã vấp phải những khó khăn chồng chất về kinh tế – xã hội và nhiều người đã nuối tiếc những năm tháng trước đây, khi còn hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Để hiểu rõ hơn vì sao chúng ta lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xin trích dẫn những luận cứ đầy sức thuyết phục của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một ít cá nhân và phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Đồng thời, khẳng định “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam”.
3. Việt Nam đã thành công và kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành hệ giá trị phát triển của Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là lôgíc phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cốt cách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam và vị thế Việt Nam trước thế giới. Nhận thức và hành động theo sự lựa chọn và theo hệ giá trị đó, từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Qua hơn 75 năm giành, giữ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt 35 năm đổi mới, với hệ giá trị đó, Đảng ta xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta ra khỏi tình trạng đói nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là sự khẳng định về tính đúng đắn tuyệt đối của Đảng và Nhân dân ta lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với Việt Nam không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son của dân tộc Việt Nam ta. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới; là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.
Đã qua hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ ba của một thế giới đầy biến động, cũng đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập, đua tranh gay gắt của cộng đồng quốc tế. Thế giới đã chứng kiến bao cảnh đau thương của nhiều dân tộc ở châu Phi, ở Trung Đông, dù đã giành được độc lập nhưng đất nước bị hoang tàn bởi các xung đột chia rẽ nội bộ và sự can thiệp từ bên ngoài. Ngay một số nước dù có độc lập dân tộc nhưng việc tranh giành giữa các lực lượng chính trị trong nước làm cho tình hình luôn nóng bỏng, cuộc sống của nhân dân không được bình yên. Vậy nên, dù thời cuộc biến đổi xoay vần ra sao, dù phải đối mặt với xu thế toàn cầu hóa, với tất cả mặt tích cực và tiêu cực, bất trắc; dù cho ai đó bị lóa mắt bởi những bộ áo cánh sặc sỡ của chủ nghĩa tư bản thì hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong ý thức và trong hành động vẫn là mục tiêu, lý tưởng, là quốc bảo phù hợp xu thế thời đại. Mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.
GS, TS. VŨ VĂN HIỀN, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
___________________
1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 588.
2 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70 – 71.
3 – Sđd, tr. 70 – 71.
Nguồn: Đấu trường Dân chủ