Những ngày tháng qua, nơi mảnh đất hình chữ S này thực sự đã như một “cuộc chiến”… Đó là cuộc chiến để giành giật giữa sự sống và cái chết, cuộc chiến để bảo vệ bản thân và người xung quanh được an toàn!
Ca nhiễm Covid vẫn còn tăng cao, diễn biến tình hình dịch bệnh được các cấp chính quyền nhận định vẫn còn rất phức tạp. Tại TP.HCM, suốt một tuần liền, số người nhiễm trong ngày luôn vượt qua 3.000 người, có thời điểm ngoài 5.000 nhưng đó vẫn chưa là đỉnh dịch. Xe cấp cứu di chuyển liên tục ra vào bệnh viện dã chiến, tiếng còi hú liên tục trên đường phố cả ngày và đêm, dù có nhiều người được chữa trị hết bệnh, nhưng Covid-19 cũng đã mang đến nhiều sự ra đi đột ngột đến nhói lòng…
Diễn biến phức tạp của Covid-19 của thời điểm này không phải là của năm về trước, biến thể mới với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, thách thức toàn cầu. Khi mà tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn còn đang chạy phía sau để chống dịch, thậm chí nhiều quốc gia có số người chết tăng cao dù không thiếu vaccine. Trong vòng xoáy của dịch bệnh, “báo động đỏ” ngày càng tăng dần, thì đó không chỉ là thách thức của toàn cầu mà với Việt Nam, càng cần có những quyết sách tốt hơn, sáng tạo hơn và đặc biệt hơn trong công tác chống dịch, phù hợp với quốc gia mình.
Chiều 28/7, 469 đại biểu Quốc hội biểu quyết trao thêm quyền cho Thủ tướng, quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Suy nghĩ của nhiều người dân, đây là sự kiện chấn động và có nhiều điều suy ngẫm, trăn trở. Sự “ủy quyền”, “nâng cấp”, hay “thêm quyền” mà Quốc hội trao cho người đứng đầu Chính phủ trong thời điểm hiện nay cũng đều đồng nghĩa với việc trao thêm trách nhiệm, trao thêm sự gánh vác. Nhận sự “ủy quyền” này chắc chắn không phải là nhận “huy chương”, mà là trách nhiệm nhận thêm ngày càng nặng nề. Cũng có nghĩa, diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới khốc liệt hơn, kiểm soát dịch bệnh là sứ mệnh tối thượng, sứ mệnh có hoàn thành hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không ai dám nói trước được điều gì.
Dù biết rằng, sẽ rất khó, sẽ nặng nề hơn, nhiều áp lực hơn và thời gian tới sẽ gian khó hơn rất nhiều lần. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Khi Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Hết sức thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn về tinh thần và vật chất mà nhân dân phải đối mặt hơn một năm qua do Covid-19 gây ra. Từ thành thị tới nông thôn, những con đường vắng người qua lại. Những khu chợ sầm uất, sân bay, bến cảng, sân trường, nhà máy, xí nghiệp… náo nhiệt giờ lặng lẽ”, nghĩa là ông rất thấu cảm với nhân dân. Đây là yếu tố cốt lõi mà tất cả những người lãnh đạo từng gánh vác sứ mệnh trọng đại và làm nên kỳ tích cho một dân tộc đều có – người có lòng thấu cảm và giàu lòng trắc ẩn, tin rằng sẽ có nhiều quyết sách giúp dân, giúp nước.
Tại Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ, người dân đã nghe được lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định: “Chính phủ nguyện cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, với tấm lòng và những hành động Thủ tướng quyết liệt thực hiện trong thời gian qua, người dân cả nước, giới trí thức và nhiều kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài có cơ sở, niềm tin về người đứng đầu Chính phủ sẽ có những quyết sách, sẽ có những biện pháp đặc biệt để chống dịch hơn trong những ngày tới.
Tuy nhiên, kinh nghiệm chống dịch của tất cả các quốc gia cho thấy, cuộc chiến này chắc chắn sẽ thành công nếu có quyết sách hay của người lãnh đạo và sự hợp tác của toàn dân, thì con tàu sẽ dịch chuyển. Dường như nhiều người dân Việt Nam đã nhận ra sức mạnh từ đó, nhiều lời kêu gọi của người dân cũng được chia sẻ đi nhiều nơi, về việc chúng ta đã có thời gian dài chống dịch, áp rất nhiều chỉ thị từ 15, 16 đến cộng thêm nhiều biện pháp mạnh bổ sung, trong khoảnh khắc quyết liệt này, chỉ cần sức mạnh của toàn dân, cần đồng lòng của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, tin chắc rằng sớm thôi chúng ta sẽ vượt qua đại dịch, giảm thiểu tổn thương ở mức thấp nhất.
Hải Dương
Nguồn: Cánh cò