Những ngày này, vận động viên (VĐV) trượt ván đường phố Margielyn Didal như đang sống trong một câu chuyện cổ tích.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này, không phải bà tiên trong trí tưởng tượng của con người mà chính các nỗ lực của bản thân đã đưa cô từ đường phố đầy bụi bặm ở Cebu (Philippines) đến đấu trường danh giá Olympic.
Margielyn Didal (tên thân mật là Margie) sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con tại Cebu vào ngày 19/4/1999. Cha cô là một người thợ mộc, còn mẹ cô bán hàng rong trên đường phố ở khu vực Lahug. Cô bắt đầu làm quen với những chiếc ván trượt khi mới 12 tuổi.
Vào thời điểm đó, mẹ cô vẫn bán đồ ăn ở bên ngoài sân trượt ván tư nhân Concave Park ở Cebu. Trong những lần theo mẹ đi bán đồ ăn, cô thường ngó vào sân trượt này với ánh mắt đầy thích thú. Một lần đi ngang qua sân trượt này, Didal làm quen với những người đang trượt ván ở đây, trong đó có Daniel Bautista – một trong những huấn luyện viên của cô.
Sau đó, cô thường mượn ván trượt của những người bạn mới để luyện tập một cách miệt mài. Didal trau dồi kỹ năng của mình bằng cách trượt ván trên đường phố và trong các trung tâm mua sắm, nơi cô thường bị cảnh sát và nhân viên bảo vệ truy đuổi.
Lúc đầu, Didal trượt ván để giải trí. Tuy nhiên, sau đó, cô nhận ra rằng mình có thể kiếm tiền từ môn thể thao này để giúp đỡ gia đình. Năm lớp 7, cô nghỉ học để tập trung vào việc tập luyện trượt ván và sử dụng số tiền thưởng từ các giải đấu để chu cấp cho gia đình.
Didal chia sẻ: “Tôi không có ván trượt của riêng mình nên phải mượn của người khác. Tuy nhiên, sau đó, họ mời tôi đến các cuộc thi trượt ván – dù chỉ là những cuộc thi nhỏ – và tôi đã nhận được một số giải thưởng và kiếm được một chút tiền. Tôi đã nghĩ rằng mình có thể mua gạo”.
Sau nhiều lần chứng kiến Didal luyện tập, Daniel Bautista – người huấn luyện viên đầu tiên của cô – thực sự ấn tượng với tốc độ tiếp thu các kỹ thuật mới của cô. Bautista nhớ lại Didal đã hỏi ông rằng liệu ông có thể dạy cho cô ấy kỹ thuật xoay 360 độ hay không. Và cô ấy đã thành thạo kỹ thuật đó chỉ trong vài giờ. Đó là một kỹ thuật mà ông phải mất nhiều năm mới thành thạo. Đó là điều thật ngạc nhiên.
Sau đó, Didal bắt đầu tham gia thi đấu ở các giải trong nước và quốc tế. Năm 2018, VĐV 22 tuổi đã bùng nổ trên đấu trường quốc tế với tấm Huy chương Vàng (HCV) tại Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) ở Indonesia. Sau đó, cô tiếp tục giành được hai HCV tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) ở Philippines vào năm 2019. Điều đáng nói là trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games năm 2019, cô đã gặp nhiều rắc rối với chấn thương ở mắt cá chân. Đây là một chấn thương cô đã từng gặp phải vào năm 2014.
Trong những năm gần đây, Didal thường xuyên có mặt tại các cuộc thi trượt ván uy tín quốc tế như Street League Skateboarding ở London hay X Games Minneapolis. Giờ đây, Didal đã trở thành người đại diện cho Phillpines trong môn ván trượt đường phố ở Olympic Tokyo 2020, nơi ván trượt lần đầu tiên được đưa vào danh sách các môn thi của Thế vận hội mùa Hè. Đó quả thực là một giấc mơ đối với một cô bé nghèo như Didal. “Tôi vẫn không thể tưởng tượng được việc mình trở thành đại diện cho đất nước và giương cao lá cờ Philippines, đặc biệt là tại đấu trường Olympic”, Didal tâm sự. “Khi nhìn thấy một vận động viên trượt ván, hầu hết mọi người đều nói ‘bạn không có tương lai ở đó”.
Didal đang xếp ở vị trí thứ 14 trong danh sách các VĐV trượt ván đường phố thế giới. Với thu nhập từ các cuộc thi và với việc các nhà tài trợ đang xếp hàng mời cô trở thành người đại diện, Didal đã trở thành trụ cột của gia đình.
Hơn thế nữa, cô đã trở thành một doanh nhân và đang lấn sân sang các lĩnh vực thiết kế giày, trang phục thể thao và thậm chí cả ván trượt. Hiện nay, ảnh hưởng của Didal đã vượt ra ngoài giới hạn của môn trượt ván. Năm 2018, Didal lọt vào danh sách những thanh, thiếu niên có ảnh hưởng nhất của Tạp chí TIME. Bên cạnh đó, Didal cũng là một trong 10 VĐV tham gia chương trình học bổng đoàn kết Olympic do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thành lập nhằm tạo điều kiện các VĐV tài năng ở các quốc gia đang phát triển có cơ hội tham gia đấu trường Olympic.
Chia sẻ với các phóng viên, Didal tâm sự điều cô ấy muốn hơn cả huy chương tại thế vận hội lần này là sự tôn trọng. Didal nói. “Chúng tôi chỉ muốn được tôn trọng, không chỉ ở môn trượt ván, mà ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, từ những đứa trẻ trên đường phố hay những người bán hàng rong”.
Nguồn: Báo Tin tức