Sáng 23/7, Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Sau đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 với 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.
Theo đó, 100% đại biểu Quốc hội có mặt (470 đại biểu) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.
Nghị quyết có hiệu lực sau khi được Quốc hội thông qua.
Trước đó ngày 22-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày trước Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, cơ bản giữ ổn định như khóa XIV, với 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể các bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Thông tin và truyền thông, Lao động – thương binh và xã hội, Văn hóa – thể thao và du lịch, Khoa học và công nghệ, Giáo dục và đào tạo, Y tế.
Các cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Theo Thủ tướng, việc kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 3 (tổ chức tháng 7-2021) đã nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Sau khi trung ương lấy phiếu giới thiệu nhân sự 23 chức danh để Quốc hội khóa XV bầu và phê chuẩn, “bộ khung” Chính phủ sẽ được giữ nguyên so với hiện tại và cũng ít có khả năng xáo trộn (ngoại trừ Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nghỉ).
Cụ thể, đối với khối Chính phủ, trung ương giới thiệu các vị trí gồm: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Tăng phân cấp, phân quyền cho các bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, nhất là các đột phá chiến lược và những nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò