Khi ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang gửi thư xin lỗi, nhận khuyết điểm với công dân Trần Văn Em, đó chính là hành động cầu thị và tử tế.
Bức thư được gửi đi chỉ 1 ngày sau khi anh Em bị phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa chặn phạt vì đi mua bánh mỳ trong ngày giãn cách.
Chủ tịch UBND TP Nha Trang viết thư xin lỗi anh Trần Văn Em
Thời thế tạo biệt danh
Bây giờ thì vị Phó chủ tịch phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà Trần Lê Hữu Thọ đã được mặc định cái biệt danh: Thọ “bánh mỳ không phải lương thực”. Gọi cho ngắn gọn, là Thọ Bánh mỳ.
Suốt tuần qua, biệt danh này trở thành vấn đề thời sự, nóng, trên truyền thông, trong đời sống, và cả trong nghị trường Quốc hội.
Thời thế tạo anh hùng, đương nhiên. Thời thế còn tạo biệt danh.
Đơn lẻ hay phổ biến
Trong hàng ngũ quan chức xã, phường, hiện tượng Thọ Bánh mỳ là đơn lẻ hay phổ biến?
Tôi nhận thấy, về đại thể, nó là đơn lẻ…
Là vì, trong bối cảnh đại dịch Covid, mỗi xã phường là cả hệ thống chính trị đông đảo cùng vào cuộc, nhưng chỉ mình anh ta – Trần Lê Hữu Thọ, tự bộc lộ và chịu sự chỉ trích, và có thể sẽ bị xử lý kỷ luật!
Đơn lẻ, là vì, cũng trong bối cảnh đại dịch, các tỉnh thành thuộc diện phải thực hiện giãn cách, phong toả, có hàng nghìn đơn vị cấp xã, phường, thì chỉ mới phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang là để xảy ra chuyện.
Đơn lẻ, là vì anh ta chỉ là một, trong khi hàng ngày xuất hiện không ít những cán bộ cấp xã, phường không quản ngại khó khăn gian khổ, đồng cảm với bao cảnh ngộ, chấp nhận mất mát hy sinh, ngày đêm cùng nhân dân ngăn dịch, an dân, ổn định sản xuất.
Nhưng, ở góc nhìn khác, trường hợp Thọ Bánh mỳ lại không hẳn là đơn lẻ hay cá biệt.
Một là, việc làm gây bão của anh ta, từ việc kiểm tra, lập biên bản và rút giấy phép lò bánh mỳ, đến việc lập chốt kiểm tra dẫn đến vụ xử lý anh công nhân đi mua bánh mỳ, là việc làm có tổ chức, đủ ban bệ thành phần, được trang bị công cụ, phương tiện, công khai minh bạch.
Hơn cả công khai minh bạch, anh ta còn không ngại ngần tự ghi hình và tự mình công bố trên mạng xã hội!
Phải nhận thấy việc mình làm là đúng đường lối chủ trương, là thể hiện năng lực cá nhân, là được tổ chức đồng tình ủng hộ, là thành tích cụ thể…, anh ta mới “tự sướng” đến thế chứ?
Hai là, từ việc xử lý chủ nhân 1 lò bánh mỳ hôm 12/7 đến anh công nhân mua bánh mỳ ngày 19, vị phó chủ tịch phường đều yêu cầu đối tượng/người dân về phường, tức công sở, làm việc. Chả nhẽ trong quá trình đó, các vị chủ tịch phường, bí thư Đảng uỷ, và cả hệ thống ban bệ, không nhận ra có gì đó sao sao, sai sai, để chấn chỉnh, ngăn ngừa?
Ba là, theo nguyên tắc thông thường, vị phó chủ tịch phường phải báo cáo kết quả công việc hàng ngày với người đứng đầu, với thường trực, thường vụ. Trong bối cảnh, như nhiều người hay viện dẫn, là “chống dịch như chống giặc”, thì nguyên tắc này càng được đề cao. Và chắc chắn, hàng ngày phường phải báo cáo lên thành phố kết quả thực hiện, xử phạt bao nhiêu trường hợp, rút giấy phép bao nhiêu cơ sở v.v…
Như thế, không hề tự phát, không hề đơn lẻ.
Tôi đã gặp Thọ Bánh mỳ ở đâu đó
Lối hành xử của Thọ với người dân toát lên thái độ hống hách, coi thường người dân. Anh ta có đặc điểm nổi bật là hách một cách ngạo mạn, và áp đặt lối giải thích luật lệ theo hướng bất lợi cho người dân, và đương nhiên, có lợi cho nhà chức trách!
Lời nói, hành động, cử chỉ khi thi hành công vụ của anh ta khiến tôi nghĩ, đấy không phải là quan chức cấp chính quyền gần dân nhất, hiểu dân nhất của chế độ tốt đẹp của chúng ta! Anh ta ở đâu đó, trên sân khấu, trên màn ảnh, trong trang sách, thuộc về nhân vật phản diện, thuộc về chế độ của quá khứ?
Tôi đã từng gặp những Thọ Bánh mỳ ở đâu đó, không chỉ cấp xã, phường, ngay nơi tôi sống, mỗi khi là người dân đến nhờ cậy chính quyền, nhà chức trách một việc gì đó. Gặp dân, thay vì hướng dẫn, giải thích, phục vụ, họ thường gây khó dễ và giở nguyên tắc một cách cứng nhắc, máy móc. Hơn thế, họ cố tình tạo sự cố khó dễ và đẩy sự bùng nhùng ấy về phía người dân.
Bộ máy công quyền không có chỗ cho những Thọ Bánh mỳ
Tôi đồng tình với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, khi cách đây vài hôm, tại nghị trường, ông đề nghị Quốc hội có thêm nội dung giám sát cán bộ diện luân chuyển.
Trần Lê Hữu Thọ là cán bộ từ thành phố Nha Trang luân chuyển về phường Vĩnh Hoà làm phó chủ tịch.
Luân chuyển, theo thông lệ, là để đi lên, để tiếp tục thăng quan tiến chức.
Để được luân chuyển, tất yếu phải qua nhiều quy trình, cất nhắc, chọn lựa kỹ càng.
Thế mà vẫn để xảy ra trường hợp Thọ Bánh mỳ!
Không chỉ giám sát, trước, trong và sau luân chuyển, còn nên thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng cán bộ, công chức qua đánh giá sự hài lòng của người dân. Kiểm tra thực chất, giám sát thực chất, không hời hợt, qua loa, không nói chung là…
Cuối cùng là, không để những Thọ Bánh mỳ trong bộ máy công quyền của chế độ ta.
Uông Ngọc Dậu
Nguồn: Tuần Việt Nam