Trang chủ Chính trị Lý do chưa thể sáp nhập bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021-...

Lý do chưa thể sáp nhập bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021- 2026

187
0

Sáng nay, 22/7, Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Theo đề nghị của Chính phủ, cơ cấu này giữ ổn định như khoá XIV. Cụ thể gồm các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Các cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Với cơ cấu này, Chính phủ giữ nguyên số lượng bộ ngành ổn định liên tục qua 4 khóa, từ khóa XII (2007-2011) đến nay.

Trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian.

Lý do chưa thể sáp nhập bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021- 2026
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao đổi cùng Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng bên lề phiên họp Chính phủ. Ảnh: VGP

Như vậy, nhiệm kỳ này, Chính phủ chưa tính đến chuyện sáp nhập bộ ngành như Nghị quyết 18, Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đặt ra.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Nghị quyết 18 đưa ra có đề cập đến việc “tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới (2021 – 2026) như ngành giao thông xây dựng; tài chính kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc tôn giáo…”

Ổn định bộ máy để chống dịch

Vậy vì sao câu chuyện sáp nhập bộ ngành chưa được Chính phủ đề ra trong nhiệm kỳ 2021 – 2026?

Theo lý giải của Chính phủ, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng về việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống, an toàn cho nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Đồng thời, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá chung tại Nghị quyết số 161/2021, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đã kết luận và chỉ đạo: “Trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị với Quốc hội, trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện. Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành.

Đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành trong tình hình mới.

Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56 của Quốc hội gắn với việc xây dựng chiến lược cải cách hành chính đến năm 2030, định hướng 2045 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Dự kiến giảm một Phó Thủ tướng

Theo chương trình, sau khi Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, các ĐBQH thảo luận ở đoàn về nội dung này.

Sáng mai, 23/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi thông qua cơ cấu tổ chức Chính phủ, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn 27 chức danh của Chính phủ, giảm một Phó Thủ tướng so với nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Cụ thể, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng; phê chuẩn 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Nhân sự được giới thiệu vào các chức danh này hầu hết là tái cử từ khóa XIV.

Hiện Chính phủ có 28 thành viên: Thủ tướng Phạm Minh Chính, 5 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình (thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, còn lại là các bộ trưởng, trưởng ngành.

Trong số 28 thành viên Chính phủ đương chức, có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình không tham gia vào Trung ương khóa XIII. Vì vậy, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến sẽ khuyết vị trí này so với nhiệm kỳ trước.

27 thành viên Chính phủ còn lại gồm:

1 Thủ tướng Phạm Minh Chính

2  Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

3 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

4 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

5 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

6 Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang

7 Bộ trưởng Công an Tô Lâm

8 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

9 Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

10 Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

11 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

12 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

13 Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

14 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

15 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

16 Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

17 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

18 Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

19 Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

20 Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

21 Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

22 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

23 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

24 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

25 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh

26 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

27 Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Thu Hằng


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây