Suốt nhiều tháng qua, tình dịch dịch COVID-19 trong nước vẫn ngày một phức tạp. Mỗi ngày trôi qua, áp lực lại nặng thêm trên đôi vai của lực lượng y tế, họ vẫn chưa một ngày nghỉ ngơi, túc trực nơi tuyến đầu. Trong khó khăn đó, ta lại thấy sự chung tay bằng tinh thần chống dịch của người dân, của những tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân mang nhu yếu phẩm, thuốc men hỗ trợ vùng dịch. Thế nhưng, bên cạnh những tấm lòng vàng, lại có những mảng tối của các “bác sĩ mạng”, các nhà “chỉ đạo mạng” chỉ biết soi mói, bới móc và hạnh họe, mà điển hình trong số đó, là ông “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung.
Có lẽ cái tên Phan Xuân Trung không quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là qua các làn sóng bùng phát dịch COVID-19. Sự nổi tiếng của “bác sĩ” Trung xuất phát từ các bài viết xuất hiện thường xuyên trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của ông ta, chia sẻ về các loại thuốc, hay là cách bảo vệ sức khỏe… Thoạt nhìn, ông Trung tỏ ra là một người quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, chăm lo người bệnh. Bất kể sáng, trưa, chiều tối, gần như đều đặn mỗi ngày, “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung đều có các bài viết đăng trên tài khoản cá nhân của mình về chuyện chống dịch.
Nhưng khi xem kỹ thì hỡi ôi, các bài viết có vẻ quan tâm người bệnh của ông Trung hóa ra cũng chỉ là những kiến thức sức khỏe phổ thông gần như ai cũng biết, như “các loại thuốc hạ sốt: Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen”, “các F0 ở nhà phải súc nước muối”… Thực tế là những gì “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung nói, cũng chẳng thiếu trong thông điệp 5K của Bộ Y tế hoặc trên tivi, báo chí, loa phóng thanh khu phố. Càng đáng nói hơn, là nếu không có những thứ này, thì tài khoản mạng xã hội của ông Trung chỉ toàn là những lời bới móc, chê trách chính quyền phải chống dịch thế này, lẽ ra phải làm thế kia. Gần như không thể tìm thấy một bình luận mang tính đóng góp, xây dựng nào cho công tác chống dịch, mà chỉ là những lời bỉ bôi, chê bai…
Và một điều khác khiến chúng ta không khỏi thắc mắc, khi biết rằng “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung đang sống ngay chính tại TP.HCM, nơi có nhiều ca bệnh nhất hiện nay. Vậy thì, trong khi các bác sĩ, điều dưỡng không chỉ ở TP.HCM, mà khắp mọi miền đất nước đang căng mình chống dịch, hiện diện ở khắp mọi phường, xã, thì ông Trung ở đâu? Các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, rất nhiều người đã nhiều tháng liền không được về nhà, không được gặp người thân. Chiếc điện thoại, đối với họ, chỉ để giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.
Còn ngược lại, suốt nhiều tháng, chẳng có hình ảnh của ông “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung trong các hoạt động kia, chẳng thấy hình ảnh của ông ở những nơi đang cần bác sĩ nhất. Thay vào đó, vị “bác sĩ mạng” lại rất đều đặn gần như mỗi ngày hiện diện trên mạng xã hội, chê bai, soi mói cách chống dịch thế này, cần phải làm thế kia. Khi mọi người đang đồng lòng cùng lực lượng y tế, công an, quân đội ngăn chặn đại dịch, ông Trung lại thản nhiên lấy cái danh “bác sĩ” của mình đem lên mạng bêu rếu, bới móc để chia rẽ tinh thần chống dịch. Chiếc điện thoại trong tay “bác sĩ mạng” chẳng phải để gọi người thân, gia đình, mà để bôi nhọ công sức của các bác sĩ trong bộ đồ phòng hộ, mồ hôi ướt đẫm khắp người ngoài kia.
Có vẻ như, ông Phan Xuân Trung đang rất thoải mái và rảnh rang trong phòng mạch của mình, nên mới có thể “năng động” trên không gian mạng như thế. Dịch ở đâu thì không biết, nhưng có vẻ như không có ở chỗ của ông “bác sĩ mạng” kiêm nhà “chỉ đạo mạng” Phan Xuân Trung. Bác sĩ tuyến đầu làm gì không cần biết, còn việc của “bác sĩ mạng” là ngồi phòng mát, lên mạng ỉ ôi chê bai, chỉ tay năm ngón, yêu sách chính quyền thế này, thế nọ…
Và hẳn nhiều người sẽ tự hỏi: “Bác sĩ cái kiểu gì thế kia?”
Tái bút: Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét ngay các bài đăng của “vị bác sĩ” này, và tạo điều kiện để ông Trung được góp phần vào công tác chống dịch bằng cách “đóng phạt” cho những luận điệu gây hoang mang, chia rẽ của mình. Bởi so với việc tung tin giả thì việc bỉ bôi, gián tiếp gây hoang mang, xúc phạm lực lượng chống dịch cũng là một việc cần phải được xử lý.
Nguyên Khánh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò