Tại Hội thảo trực tuyến với đại diện 14 câu lạc bộ (CLB) đang tham dự Giải bóng đá Vô địch quốc gia V-League 2021, đại diện Công ty VPF cho biết nếu các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia không được tiến hành tổ chức sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả hệ thống thi đấu trong nước; ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của từng CLB; ảnh hưởng đến nguồn tài trợ của CLB và đơn vị tổ chức giải.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp làm dở dang kế hoạch thi đấu của các giải thể thao nói chung và V-League 2021 nói riêng.
Trước khi các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2021 chính thức được tạm dừng từ ngày 6/5, V-League 2021 đã tổ chức thành công 84 trận, 12 vòng đấu giai đoạn 1.
Số liệu chuyên môn giải đấu ghi nhận 194 bàn thắng; trung bình 2.31 bàn/trận; 344 thẻ vàng, trung bình 4,10 thẻ/trận; 15 thẻ đỏ, trung bình 0,18 bàn/trận. Sau 29 trận tổ chức bình thường, 46 trận hạn chế khán giả và 9 trận không khán giả, tổng số khán giả đến sân là 466.600 người.
Vì thế, để có thể đưa được V-League trở lại trong bối cảnh tất cả các địa phương có CLB tham dự giải đều đang có dịch COVID-19 là điều không đơn giản.
Bên cạnh đó, căn cứ thông tin kế hoạch thi đấu năm 2021 mới nhất của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) đến thời điểm hiện tại và quỹ thời gian cho phép còn lại của năm 2021 không nhiều.
Tổng giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Nguyễn Minh Ngọc cũng khẳng định: Với ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty VPF gặp rất nhiều khó khăn trong việc tính toán để xây dựng các phương án có tính khả thi, phù hợp tình hình diễn biến của dịch COVID-19 tại các địa phương trong cả nước. Nếu các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia không được tiến hành tổ chức sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả hệ thống thi đấu trong nước; ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của từng CLB; ảnh hưởng đến nguồn tài trợ của CLB và đơn vị tổ chức giải.
Một trong những phương án để đưa V-League 2021 nhận được nhiều ý kiến đồng thuận là phương án thi đấu tập trung.
Với cách làm này, quỹ thời gian cần tối thiểu 23 ngày để tổ chức các vòng đấu còn lại của V-League 2021 bao gồm các trận đấu giai đoạn 2 và vòng đấu thứ 13 của giai đoạn 1. VPF đã đề xuất hình thức thi đấu tập trung cho các vòng đấu của giai đoạn 2.
Trong điều kiện tình hình dịch bệnh trên các địa phương cả nước hiện nay, VPF có phương án đề xuất lựa chọn các cụm sân khu vực phía Bắc gồm 9 sân vận động: Hàng Đẫy (Hà Nội); Liên đoàn bóng đá Việt Nam (Hà Nội); Thanh Trì (Hà Nội); PVF (Hưng Yên), Việt Trì (Phú Thọ), Cẩm Phả (Quảng Ninh); Thiên Trường (Nam Định); Lạch Tray (Hải Phòng) và sân Thanh Hóa (Thanh Hóa).
Đối với vòng 13 V-League 2021, VPF sẽ xác định thời hạn tổ chức căn cứ vào điều kiện thực tế. Nếu đến thời điểm xác định tổ chức, trường hợp địa phương tổ chức không đủ điều kiện an toàn thì CLB chủ nhà phải đăng ký sân trung lập để tổ chức trận đấu.
Với yêu cầu yếu tố an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 lên hàng đầu, VPF sẽ học tập các kinh nghiệm tổ chức Giải đấu an toàn, quy tắc “bong bóng” trong công tác tổ chức giải mà AFC và UEFA áp dụng tại vòng loại World Cup 2020 cùng Euro 2020.
Theo đại diện VPF, hiện cách làm này được phần đông các CLB ủng hộ. Trong trường hợp kế hoạch do VPF đề xuất được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phê duyệt, các hướng dẫn, quy trình triển khai khi phương án thi đấu tập trung sẽ được cung cấp đầy đủ cho các CLB.
Nguồn: Báo Tin tức