Trang chủ Chính trị Chưa thay đổi “mục tiêu kép” như đã đề ra

Chưa thay đổi “mục tiêu kép” như đã đề ra

152
0

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chưa thay đổi mục tiêu đề ra, yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo hài hòa giữa chống dịch và phát triển kinh tế trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 1-7.

Trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức phiên họp từ khâu tổ chức báo cáo tới khâu thảo luận, phát biểu.

Linh hoạt để thực hiện hài hòa các mục tiêu

Khẳng định chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; nhưng cũng có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.

Ví dụ tại Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện nay đang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu.

Chưa thay đổi “mục tiêu kép” như đã đề ra
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Còn tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Hơn nữa, ngay trong một địa phương như TP.HCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch, nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham gia tập trung thảo luận các nội dung liên quan phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử).

Thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng – an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật; tuyên truyền và vận động nhân dân.

Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Tăng trưởng kinh tế khả quan

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, song kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều.

Một số quốc gia phải tái lập các biện pháp phòng chống dịch bệnh; các ảnh hưởng làm hạn chế nguồn cung, khó khăn trong giao thương đã làm tăng giá cả hàng hóa và lạm phát.

Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của COVD-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế… song tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch COVID-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện…

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến từ quý 3-2021, số lượng vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam tương đối lớn (khoảng 30 triệu liều trong quý 3). Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao, bao gồm:

Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 phần trăm), quý 4 tăng 6,5% (thấp hơn nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 phần trăm).

Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 phần trăm) và quý 4 tăng 7,5% (cao hơn nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 phần trăm).

NGỌC ANH


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây